Vận tải

A380 có thực sự giúp Bamboo Airways bay thẳng đến Mỹ?

01/07/2019, 12:22

Các nước đang khai thác A380 chủ yếu để khai thác đường bay tới châu Âu, Úc, không nước nào trong khu vực sử dụng loại máy bay này đến Mỹ...

img
Tàu bay A380 của Airbus

Đầu năm nay, Airbus đã chính thức thông báo sẽ ngừng sản xuất A380, dòng máy bay chở khách có kích thước lớn nhất thế giới. Theo đó, Airbus sẽ sản xuất thêm 17 chiếc A380 gồm 14 tàu bay cho hãng hàng không Emirates và 3 tàu bay cho hãng ANA của Nhật. Chiếc A380 cuối cùng trong lịch sử sẽ được Airbus bàn giao vào năm 2021.

Thông tin này được công bố chỉ trong 1 tuần sau khi hãng hàng không Qantas của Australia hủy đơn đặt hàng 8 chiếc A380 trị giá 4 tỷ USD và khách hàng lớn nhất của dòng máy bay này, hãng Emirates, cũng quyết định không mua thêm A380 mà thay vào đó đặt hàng 40 chiếc A330neo và 30 chiếc A350, những dòng máy bay có kích thước nhỏ hơn.

Cắt bớt khách hoặc phải có một điểm dừng kỹ thuật để tiếp nhiên liệu

Trao đổi với Financial Times - Thời báo Tài chính hàng đầu thế giới, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa tiết lộ, dự định khai trương những chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ từ đầu năm sau (2020) bằng dòng máy bay chở khách lớn nhất thế giới Airbus A380.

"Bamboo Airways dự định khai trương những chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ từ đầu năm sau bằng một chiếc Airbus A380 đi thuê", ông Trịnh Văn Quyết nói.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước đây, Vietnam Airlines từng có ý định mua loại tàu bay này để bay thẳng đến Mỹ. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ càng, hãng này quyết định “nói không” với A380. Theo một nguồn tin từ hãng này, A380 có thể bay được đến Mỹ nhưng sẽ phải giảm tải bằng cách cắt bớt khách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể khai thác hiệu quả.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia kỳ cựu về khai thác vận tải hàng không cho hay, nếu sử dụng A380, Bamboo Airways có thể bay thẳng sang Mỹ được (khoảng 15 giờ bay) nhưng ở chiều về (khoảng 17 - 18 giờ bay), nếu muốn bay thẳng sẽ phải cắt bớt khách, nếu không sẽ phải có một điểm dừng kỹ thuật để tiếp nhiên liệu.

“Khách bay về TP.HCM khá đông do lượng Việt kiều Mỹ nhiều. Nếu phải cắt khách khó có thể nói chuyện hiệu quả. Trường hợp nếu Bamboo Airways bán nhiều khách C cũng rất khó, vì lượng khách được cho là có tiền chủ yếu nằm ở bờ Đông (New York, Washington), trong khi hãng này lại muốn bay đến bờ Tây (Los Angeles hoặc San Francisco) nơi có nhiều Việt kiều”, vị này khẳng định và cho biết thêm: Hiện tại cũng chưa có hãng nào trong khu vực khai thác dòng máy bay này để bay thẳng đến Mỹ.

Trong khu vực, Singapore Airlines có dùng máy bay A350 để bay thẳng đến đây, tuy nhiên, những chiếc A350 thiết kế chủ yếu để khai thác khách hạng C và First Class. Các nước này đang khai thác tàu bay Airbus A380 chủ yếu dùng để khai thác đường bay tới châu Âu, Úc, chứ không bay Mỹ.

“Theo tôi, hiện muốn bay thẳng từ Việt Nam đi Mỹ, dòng máy bay phù hợp nhất phải là Boeing 777X. Airbus cũng chưa có giải pháp cho chặng bay này”, chuyên gia chốt lại.

Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, bà Zoe Leong - người phụ trách truyền thông khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Boeing chia sẻ: Đơn hàng đầu tiên của loại máy bay này sẽ được Boeing 777X sẽ được giao vào cuối năm 2020. Nếu đặt hàng ngay tại thời điểm này, nhanh nhất cũng phải đến năm 2023, 2024 các hãng hàng không mới có thể nhận được tàu bay.

Đáng lưu ý, theo bà Zoe Leong, trên thế giới hiện đã có khoảng 12 hãng đã đặt loại máy bay này, nhưng trong danh sách không có tên tuổi nào đến từ Việt Nam.

Rào cản hạ tầng

Bỏ qua yếu tố phương tiện, hạ tầng cũng là một rào cản lớn nếu Bamboo Airways muốn khai thác dòng máy bay A380.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Xuân Hoạch, Trưởng phòng Quản lý cảng hàng không sân bay, Cục Hàng không VN cho biết, hiện tại, đường băng của 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có thể tiếp nhận được A380.

“Thực tế, đường băng dài 3.500 - 3.800m là có thể tiếp nhận được A380. Tất nhiên, động cơ của A380 rất to, sẽ trùm ra bên ngoài các đường băng rộng 45m. Tuy nhiên, nếu đánh giá dải bảo hiểm sườn đường băng, đảm bảo không có vật ngoại lai thì ảnh hưởng sẽ không nhiều. Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) vẫn cho phép các sân bay code E (đáp ứng tàu bay A350, B787) có thể đáp ứng tàu bay code F (A380) nhưng sẽ đi kèm một loạt các điều kiện mà nhà chức trách hàng không sẽ phải đánh giá và rà soát”, ông Hoạch cho hay.

Cũng theo ông Hoạch, để khai thác được A380, đường băng chỉ là một yếu tố. Ngoài đường băng, còn phải tính đến vòng cua tàu bay cũng như đường lăn, sân đỗ, hangar…

“Để khai thác được có rất nhiều yếu tố khác. Ví dụ như khi tàu A380 xuống nhà ga, yêu cầu phải có cầu hành khách 2 tầng. Trong khi tất cả các cảng hàng không của ta hiện nay không có một nhà ga nào có cầu hành khách 2 tầng. Điều này có nghĩa là khách ở tầng trên sẽ phải đi bộ xuống tầng dưới để ra ga. Thời gian khách xuống ga vì thế có thể lên tới cả tiếng đồng hồ, không thể nhanh hơn được. Đó là chưa nói đến phương tiện mặt đất, sân đường, hangar”, ông Hoạch nói và cho rằng, nếu có hãng hàng không nào muốn khai thác dòng máy bay này đến đây, chúng tôi sẽ phải đi khảo sát và đánh giá lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.