Tài chính

“Ác mộng” bán bảo hiểm của nhân viên ngân hàng

06/07/2022, 07:00

Lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm đang ngày càng trở thành nguồn thu nhập lớn của nhiều ngân hàng khi kênh tín dụng truyền thống đang thu hẹp...

Không chỉ khách hàng đi vay, bản thân nhân viên ngân hàng bị giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cũng bức xúc không kém.

Tuy nhiên, đây lại là “con gà đẻ trứng vàng” cho cả ngân hàng lẫn bảo hiểm.

img

Đa phần ngân hàng hiện đều ký hợp tác phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm nên thường đẩy mạnh việc bán bảo hiểm, đặc biệt là khi có khách đến vay tiền (Ảnh minh họa)

Nghỉ việc vì bị ép bán bảo hiểm

“Tôi đã chọn nghỉ việc ở ngân hàng vì không muốn bán bảo hiểm nữa”, chị Trịnh Lan Anh, cựu nhân viên ngân hàng quy mô vốn tầm trung có trụ sở ở Hà Nội chia sẻ.

Chị Lan Anh cho biết, quyết định nghỉ việc được đưa ra sau khi chị bị lãnh đạo ép phải yêu cầu một vị khách hàng vay 500 triệu đồng để sửa nhà phải mua bảo hiểm. Vị khách hàng không phải khá giả, thu nhập cả gia đình chỉ đủ chi trả gốc và lãi.

“Nhưng sếp ép phải kí được hợp đồng bảo hiểm ít nhất 30 triệu đồng mới duyệt khoản vay.

Bản chất bảo hiểm rất tốt, nhưng sự kết hợp của bảo hiểm và ngân hàng đi kèm với sức ép chỉ tiêu đã làm cho hình ảnh của cả bảo hiểm và ngân hàng xấu đi nhiều. Bởi khách hàng khó khăn, cần tiền mới đến vay ngân hàng.

Khách thì tiết kiệm từng đồng trả lãi, trả gốc vậy mà lại ép khách phải nhè ra mấy chục triệu mỗi năm, xót lắm nhưng không thế thì lại không được vay”, chị Lan Anh nói và cho biết đã chuyển sang một ngân hàng có vốn nước ngoài để tránh “ác mộng” bảo hiểm.

Cũng quyết định nghỉ việc ở ngân hàng M., anh Nguyễn Tùng Lâm cho biết, khi ngân hàng nơi anh làm việc 5 năm ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với một công ty bảo hiểm nước ngoài, toàn bộ ngân viên tín dụng tại đây đều bị giao chỉ tiêu về bảo hiểm từ 50 - 300 triệu đồng tuỳ từng vị trí, nhất là chỉ tiêu phải ký được các hợp đồng lớn từ 150 triệu đồng trở lên.

“Tôi đã đề xuất với lãnh đạo trực tiếp là có thể chỉ bán bảo hiểm cho khoản vay 2% hoặc hạ yêu cầu khách vay phải mua bảo hiểm xuống còn 15 triệu đồng/hợp đồng vay vốn nhưng không được chấp thuận.

Khi tình hình tài chính của khách chỉ đủ mua gói bảo hiểm 15 triệu đồng/ năm mà ép họ mua gói 30 - 40 triệu đồng, nói thật có những nhân viên ngân hàng cũng thấy khó ăn, khó nói. Cách đây mấy ngày, lãnh đạo trực tiếp của tôi cũng vì chỉ tiêu bảo hiểm mà chuyển việc’, anh Lâm cho biết.

Ngân hàng tăng tốc đua phân phối bảo hiểm

Không chỉ riêng trường hợp của nhân viên ngân hàng Trịnh Lan Anh và Nguyễn Tùng Lâm, khi chủ đề KPI bảo hiểm đối với nhân viên ngân hàng được đưa ra trên một diễn đàn trong tháng 6 đã khiến nhiều nhân viên trong ngành bày tỏ thái độ mệt mỏi trước các chỉ tiêu mà lãnh đạo ngân hàng giao xuống.

Tuy nhiên, một giám đốc chi nhánh đã nhân cơ hội thanh minh cho những giám đốc chi nhánh khi cho biết, nếu một nhân viên tín dụng bị áp 5 chỉ tiêu (trong đó có chỉ tiêu doanh số bảo hiểm) thì giám đốc chi nhánh bị áp hơn 10 chỉ tiêu. Cao hơn, ban điều hành ngân hàng cũng không dễ chịu khi chịu áp lực từ hội đồng quản trị.

Việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là tự nguyện. Nếu nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt.
Đâu đó có những lúc, những chỗ xảy ra tình trạng này, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến. Chúng tôi mong nhận được thông tin của các cơ quan báo chí, phát hiện trường hợp nào chúng tôi sẽ kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm.

Ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra,
Cơ quan Thanh tra, giám sát, NHNN


Vị này cũng cho rằng, hiện không có quy định nào bắt buộc người vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm.

Nhưng lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm đang ngày càng trở thành nguồn thu nhập lớn của nhiều ngân hàng khi kênh tín dụng truyền thống đang thu hẹp, các dịch vụ ngân hàng được mở rộng.

“Ví dụ trường hợp của MBBank khi thông tin liên tục được truyền thông ra cho thấy đơn vị này đã vươn lên dẫn đầu về doanh số bảo hiểm qua ngân hàng trong 5 tháng đầu năm nay với doanh số bảo hiểm lũy kế gần 800 tỷ đồng”, người này dẫn chứng.

Trước đó, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta, ACB là ngân hàng có tổng doanh thu phí bảo hiểm quy năm (APE) cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2022 với 565 tỷ đồng.

Trong năm 2021, ngân hàng này cũng đứng thứ 5 về doanh thu phí bảo hiểm với khoảng 1.300 tỷ đồng sau khi ký hợp đồng độc quyền với Bảo hiểm Sun Life năm 2020. Tiếp sau ACB lần lượt là MB, Sacombank, VIB, HDBank, VPBank…

Còn đến hết quý II năm nay, phí phân phối bảo hiểm vẫn là một trong hai động lực đóng góp chính cho ngân hàng bên cạnh nguồn thu từ hoạt động chính là tín dụng.

Liên quan đến hiện tượng nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm, ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra, cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, quy định của pháp luật đã nêu rõ việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện.

Các quy định xử phạt hành chính cũng rất cụ thể, nếu có tình trạng ép buộc khách hàng thì ngân hàng sẽ bị xử phạt.

Bộ Tài chính cũng từng có công văn chấn chỉnh tình trạng “bán bia kèm lạc” này, trong đó khẳng định sẽ thanh tra, kiểm tra chuyện ngân hàng, doanh nghiệp “ép” khách vay mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan.

Khoản phí thu được từ nguồn phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) hiện nay đã đóng góp trung bình 37% (thống kê tại 17 ngân hàng niêm yết) vào tổng thu nhập phí trong năm 2021 của các ngân hàng. Tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ tăng lên 50% trong thời gian tới.

Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) dự báo ngành bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng 2 con số, lên 18% trong năm 2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.