Xã hội

Ắc quy phế thải nguy hại đi về đâu?

09/10/2019, 06:37

Hưng Yên có 2 địa phương từng là điểm nóng về phế thải ắc quy là xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm) và xã Hồng Tiến (huyện Khoái Châu).

img
Bình ắc quy thải được mua gom với giá từ 20 - 24 nghìn đồng/kg bình về xưởng trong nhà dân ở thôn Cao Quán (xã Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên)

Làng Cao Quán (xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) có nghề truyền thống thu mua phế thải từ hàng chục năm qua, nổi tiếng là một trong 2 địa phương có nghề đồng nát ở Hưng Yên. Với khoảng 5.000 nhân khẩu, có đến 2/3 hộ dân ở đây mưu sinh bằng nghề thu gom phế thải, trong đó việc mua ắc quy thải bỏ có lợi nhuận cao hơn các mặt hàng khác.

Có mặt tại thôn Cao Quán vào trung tuần tháng 9/2019, trong vai một khách đi chào bán bình ắc quy đã qua sử dụng, PV tiếp xúc với nhiều hộ dân có xưởng làm nghề thu gom phế liệu. Tại sân hộ bà Tám Trãi, cạnh đống dây điện nhôm đồng đã tách vỏ, giữa sân la liệt bình ắc quy cũ đủ các nhãn hiệu, còn nguyên tem mác hiệu GS, Đồng Nai, Troy, Rocket, Atlas...

Có bình còn nguyên cọc chì trơ vỏ bình, dính ướt chất lỏng axit. Khi được hỏi nhà có mua bình cũ hay không, chủ nhà không ngần ngại cho biết: “Mua tất với giá 22 nghìn đồng/kg bình”. Nếu khách có nhiều thì chủ nhà sẽ đánh xe tận nơi để mua với giá là 21 nghìn đồng/kg bình, tuần nhập một lần. Để được đưa xe mua gom tận nơi, khối lượng thu mua phải từ 2 tạ bình một lần.

Gần đầu làng, hộ ông Hà được người làng giới thiệu là điểm thu gom bình lớn nhất trong thôn. Ông Hà chèo kéo mối hàng tiềm năng: “Em có bao nhiêu bình một lần bán, nếu khối lượng 5 tạ trở lên anh mua với giá 24 nghìn đồng/ kg bình. Nếu mua tận nơi ở Hà Nội thì giá là 23 nghìn đồng/kg bình. Trong bình luôn có 15% khối lượng là nước (chất lỏng axit) sẽ phải trừ đi. Bình vỏ trắng thu mua giá cao hơn bình đen 2 nghìn đồng/kg”.

Tại hộ bà Yến ở giữa làng, sau màn khảo sát giá thu mua bình, khi được hỏi bình ở đây sẽ mang tiếp đi đâu hay xử lý tại chỗ, chủ nhà tỏ ý đề phòng, chỉ nói ngắn gọn: “Chú cứ chở bình đến đây, có người mua giá đẹp”.

Phía cuối làng giáp với bờ ruộng, lẫn trong đống vỏ nhựa bóc tách từ dây điện là những vỏ bình ắc quy màu đen đã vỡ nát vứt chỏng chơ, mùi khói khét lẹt bốc lên từ nhựa cháy âm ỉ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến vệ sinh môi trường của thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đăng Anh, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên cho biết: “Hưng Yên có 2 địa phương trước đây từng là điểm nóng về phế thải ắc quy là xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm) và xã Hồng Tiến (huyện Khoái Châu). Riêng ở khu vực xã Chỉ Đạo hiện nay chúng tôi đã chuyển toàn bộ các hộ làm nghề này vào cụm công nghiệp của huyện. Các hộ có xưởng và những đơn vị được cấp phép cũng đã rời khỏi khu dân cư.

Tuy nhiên, thôn Cao Quán, xã Hồng Tiến, hiện là trọng điểm về môi trường mà tỉnh đang làm rất quyết liệt, thậm chí còn đề ra hạn mốc đến 30/10 này, nếu huyện Khoái Châu không xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở làng nghề thì Sở sẽ không chấp thuận huyện đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.

Ông Phạm Nam Lượng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên phụ trách công tác thanh tra, pháp chế chuyên ngành môi trường của tỉnh này cho biết, chỉ có 1 đơn vị ở làng nghề phế liệu Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm) được cấp phép thu gom xử lý ắc quy thải, còn ở huyện Khoái Châu chưa có đơn vị nào được cấp loại giấy phép này.

“Hiện có nhiều loại bình ắc quy không được sản xuất ở Việt Nam, nhập khẩu đính kèm theo phương tiện giao thông như xe máy điện, xe đạp điện hoặc xe điện nội bộ, xe điện ở khu du lịch, sắp tới có thể có cả xe buýt điện mà không có chế tài phù hợp thì tất cả những ắc quy đó thải ra sẽ đổ về các làng nghề ở Hưng Yên. Bởi vậy, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành riêng một nghị định về thu hồi sản phẩm thải bỏ, ràng buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu phân phối ắc quy phải có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình, cả khâu cuối cùng là thu gom xử lý thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề”, ông Trần Đăng Anh cho biết thêm.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, ắc quy là mặt hàng có giá trị, có thể bán cho những cơ sở vận chuyển và đơn vị xử lý bất hợp pháp. Đây đang là dòng lưu chuyển chính của việc tái chế hiện nay ở Việt Nam. Các cơ sở bất hợp pháp (vận chuyển và nhà cung cấp) có giá thu mua cao hơn so với cơ sở thu gom và xử lý được cấp phép. Tình trạng này sẽ gây khó khăn lớn cho hoạt động thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ theo đúng quy định…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.