Hạ tầng

ACV muốn xây sân bay Điện Biên, vì sao “siêu Ủy ban” lắc đầu?

15/10/2020, 06:08

CHK Điện Biên theo báo cáo của Bộ GTVT và ACV đều không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới...

img
CHK Điện Biên hiện chỉ có khả năng tiếp nhận máy bay ATR72, điều kiện tiếp cận cất hạ cánh của sân bay gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết

Theo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc đầu tư Dự án xây dựng, mở rộng CHK Điện Biên phải đặt trong tổng thể khả năng cân đối nguồn lực của ACV và thứ tự ưu tiên đầu tư giữa các cảng hàng không.

Hơn 1.500 tỷ đồng nâng cấp sân bay Điện Biên

Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao TCT Cảng hàng không VN (ACV) triển khai đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên.

Cụ thể, ACV sẽ đầu tư toàn bộ khu bay và khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn DN trên cơ sở đất sạch được UBND tỉnh Điện Biên thực hiện công tác GPMB bằng nguồn vốn của tỉnh, bàn giao đất cho Cảng vụ Hàng không để triển khai các thủ tục giao đất, thuê đất cho ACV triển khai dự án.

Trước đó, ACV đề xuất xây mới đường cất hạ cánh, kích thước 2.400 x 45m bằng bê tông xi măng, 1 đường lăn và sân đỗ có thể đáp ứng 3 vị trí cho tàu bay ATR72 và A320/A321. Cùng đó, DN này sẽ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.539 tỷ đồng (không bao gồm chi phí GPMB).

Lãnh đạo ACV cho biết, dự án không đạt hiệu quả đầu tư về tài chính nếu tính riêng CHK Điện Biên. Tuy nhiên, thực tế trong 21 CHK do ACV đang quản lý, khai thác, chỉ có 7 CHK hoạt động có lãi.

Mặt khác, việc đưa CHK Điện Biên vào đánh giá riêng hiệu quả tài chính, hiệu quả đầu tư là không phù hợp vì đặc thù ngành hàng không là điểm nối điểm theo vùng và văn hóa nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào các điểm đến, đi và mang lợi ích kinh tế cho nhau.

Hơn nữa, mỗi cảng hàng không có vai trò khác nhau trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, vì vậy Nhà nước đã giao cho ACV quản lý, khai thác, đầu tư phát triển hệ thống 21 CHK để ACV cân đối lợi nhuận và có trách nhiệm cân đối đầu tư phát triển các CHK.

Bộ GTVT cũng khẳng định thống nhất với phân tích của ACV, để tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển du lịch, KT-XH cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng, sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp thì việc nghiên cứu đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên để khai thác được tàu bay A320/A321 theo quy hoạch được duyệt là cần thiết và đã được Bộ GTVT đưa vào Kế hoạch đầu tư xây dựng tại các CHK đang khai thác giai đoạn 2018 - 2025.

“Siêu Ủy ban” nói gì?

Liên quan đến đề xuất của Bộ GTVT, mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung đã có văn bản góp ý. Theo Bộ KH&ĐT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại ACV, có trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước. Do đó, Bộ GTVT cần lấy ý kiến chính thức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo Ủy ban quản lý vốn, ACV đã rà soát tính toán điều chỉnh quy mô đầu tư dự án. Về hiệu quả tài chính, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR chỉ đạt 3,07%, giá trị hiện tại ròng NPV đạt (-) 1.250 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 50 năm. Do đó, dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với quy định của Luật số 69 về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.

Theo bà Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nếu việc tính toán hiệu quả tài chính của dự án trên cơ sở chỉ có các nguồn thu từ khu hàng không dân dụng trong khi ACV phải bỏ vốn đầu tư cả khu bay sẽ không đúng bản chất và không phù hợp.

CHK Điện Biên theo báo cáo của Bộ GTVT và ACV đều không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới, không phải là CHK trung chuyển chính, không phải CHK có tiềm năng du lịch, đến nay khai thác chưa hết công suất, nhưng cũng chưa có chủ trương đóng cửa như ý kiến của Bộ GTVT.

Việc đầu tư dự án vì mục tiêu an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế địa phương có thể xem xét. Tuy nhiên phải đặt trong tổng thể khả năng cân đối nguồn lực của ACV và thứ tự ưu tiên đầu tư giữa các CHK để bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước và DN, không yêu cầu DN đầu tư các dự án không thu được lợi nhuận vào thời điểm cần tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, làm tăng chi phí vốn đầu tư, gây khó khăn trong việc cân đối vốn, giảm lợi nhuận của DN và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Về phương án huy động vốn và cân đối vốn đầu tư dự án, bà Phú Hà cho biết, theo báo cáo của ACV, tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án do ACV phụ trách giai đoạn 2020 - 2025 là hơn 136.500 tỷ đồng, bao gồm 21 cảng hiện hữu hơn 43.400 tỷ đồng, Dự án sân bay Long Thành gần 94.000 tỷ đồng. Tổng số tiền mặt ACV hiện có tính đến ngày 31/12/2019 là 31.184 tỷ đồng.

Dự kiến nguồn tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 giảm sút rất mạnh so với các dự báo trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó, dự báo lợi nhuận đến năm 2025 vẫn thấp hơn mức năm 2019.

Ngoài ra, thời gian tới áp dụng các chính sách mới tương tự như DN nhà nước, nguồn tiền tích lũy của ACV sẽ giảm sút rất mạnh, trong khi ACV cần tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm như: Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK Tân Sơn Nhất, Dự án Mở rộng nhà ga hành khách T2 - CHK Nội Bài và Dự án CHK Long Thành.

“Tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay CHK Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp khả năng cân đối vốn nguồn vốn của ACV”, lãnh đạo “siêu Ủy ban” khẳng định.

Điện Biên là CHK nội địa cấp 3C. Kết cấu hạ tầng chính gồm: 01 đường cất hạ cánh kích thước 1.830 x 30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị hạ cánh giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm.

Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi) nên hiện tại CHK Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.