Quản lý

ACV thông dòng vốn nhờ cổ phần hóa

02/01/2018, 07:01

Chủ tịch HĐQT ACV chia sẻ với Báo Giao thông sau gần hai năm chuyển sang hoạt động theo mô hình cty cổ phần.

36

Ông Lại Xuân Thanh

Thay đổi bản chất quản trị doanh nghiệp

ACV chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/4/2016. Mô hình mới này mang lại cho ACV những gì, thưa ông?

Việc cổ phần hóa ACV cũng là để thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước là bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Với ACV, đến giờ này, chúng tôi có thể khẳng định việc CPH, chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP đã giúp thay đổi về bản chất quản trị doanh nghiệp, không đơn giản chỉ là thay đổi cái tên, hay mô hình sở hữu. Bản thân cán bộ, người lao động trong ACV cũng đã phải đổi cách nghĩ, cách làm để đưa doanh nghiệp phát triển phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường lấy năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc làm thước đo.

Thứ hai, dễ dàng nhận thấy ACV nằm trong top những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Cổ phiếu của ACV đã được giao dịch trên thị trường UPCOM từ ngày 21/11/2016 với mức giá cổ phiếu dao động trong vòng 60 phiên giao dịch gần nhất (từ ngày 31/8 - 23/11/2017) từ 58.000 - 87.900 đồng. Trong lần đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, mức giá trung bình của cổ phiếu ACV chỉ là 13,1 nghìn đồng/cổ phiếu. Mức giá hiện tại đã tăng gấp 6 lần giá khởi điểm. Đáng lưu ý, ACV cũng là một trong những DN có giá trị giao dịch của ACV rất lớn trên sàn. Và nhà đầu tư, nếu không nhìn thấy hiệu quả kinh doanh từ ACV chắc chắn sẽ không chịu bỏ tiền đầu tư. Tôi xin tiết lộ rằng, mức lợi nhuận dự kiến của năm 2017 này sẽ đạt không dưới 4.000 tỷ đồng. Tất nhiên, quyết định của các nhà đầu tư sẽ không chỉ căn cứ trên lợi nhuận hiện tại mà còn ở mức lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai của DN. ACV có nền tài chính lành mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu rất nhỏ. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn lớn của ACV.

Một trong những hiệu quả lớn mà ACV có được sau cổ phần hóa là khả năng huy động tài chính, ngay cả tài chính quốc tế dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện, có rất nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng “bỏ tiền” vào ACV. Đây chính là những thuận lợi lớn của chúng tôi trong việc chuẩn bị cho dự án CHK quốc tế Long Thành tới đây.

Thực tế, với dự án Long Thành, từ giờ đến lúc khởi công, ACV sẽ đảm bảo khoảng 45 - 50% vốn cho các hạng mục đầu tư do ACV đảm nhiệm. Khi một DN có thể đảm bảo nguồn vốn đối ứng tới 40 - 50%, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ sẵn sàng cho vay với giá hết sức ưu đãi.

35
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (thuộc ACV) luôn có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định - Ảnh: K.Linh

Quyết tâm chuyển niêm yết lên sàn HOSE

Được biết, ACV đang lên kế hoạch tiếp tục thoái bớt vốn Nhà nước tại DN. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này?

Chúng tôi đang lên kế hoạch thoái 20% vốn điều lệ (tương đương hơn 4.300 tỷ đồng tính theo mệnh giá cổ phần là 10 nghìn đồng) vào năm 2018, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống còn 75,4% vốn điều lệ. Tiếp đó, tới năm 2020, 10,4% vốn nữa sẽ tiếp tục được thoái. Giá bán cổ phần được xác định theo nguyên tắc lựa chọn giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đến hết số lượng cổ phần thuộc vốn Nhà nước cần chuyển nhượng nhưng không thấp hơn giá khởi điểm. Đối tượng mua cổ phần là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Chúng tôi sẽ thuê tư vấn thẩm định giá để định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn Nhà nước tại ACV.

Giá hiện tại của một cổ phiếu ACV là 80 - 90 nghìn đồng. Đến năm 2018, ACV sẽ đưa ra thị trường 20% cổ phiếu - đòi hỏi một lượng vốn rất lớn mới có thể hấp thụ hết. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của kế hoạch này?

Theo chủ quan của tôi, không hề có khó khăn trong thị trường vốn. Các nhà đầu tư quốc tế hết sức quan tâm đến cổ phiếu ACV.

Hiện tại, ACV mới đang niêm yết trên sàn Upcom, tính thanh khoản thấp. TCT có tính tới việc niêm yết trên sàn HOSE hay HASTC để tăng tính thanh khoản, phục vụ cho đợt thoái vốn sắp tới?

Mục tiêu từ trước đến nay của ACV là chuyển lên sàn HOSE. Tuy nhiên, để làm được điều này, vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết. Thứ nhất, theo phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, các tài sản khu bay phục vụ hoạt động bay không thực hiện cổ phần hóa được chuyển giao cho Nhà nước. Tuy nhiên, từ thời điểm ACV chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP (1/4/2016) đến nay, phương án quản lý, khai thác và đầu tư các tài sản khu bay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của đợt chào bán vốn Nhà nước tại ACV do các nhà đầu tư trong và ngoài nước không thể đánh giá hết các quyền và nghĩa vụ tiềm tàng trong tương lai của ACV và từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến lợi ích của Nhà nước trong đợt chào bán.

Trong khi chờ cơ chế quản lý, khai thác và đầu tư tài sản khu bay được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ thời điểm ACV chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, toàn bộ tài sản khu bay thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, ACV vẫn tiếp tục vận hành, khai thác, bảo trì, đầu tư, nâng cấp các tải sản khu bay nhằm bảo đảm dịch vụ tại cảng hàng không được cung cấp liên tục, an toàn tuyệt đối, hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.