Chuyện dọc đường

Ai bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm?

27/03/2023, 03:39

Khi một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai thì việc ban hành một nghị định như vậy là hết sức cần thiết.

Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Nghị định của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Có thể nói, đây là Nghị định mang tính chính trị rất cao, thể chế hoá chủ trương của Đảng, Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai thì việc ban hành một nghị định như vậy là hết sức cần thiết.

img

Để khuyến khích được cán bộ sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung, cần có những quy định hết sức cụ thể. Ảnh minh hoạ

Chỉ khi những cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung được quy định rõ ràng, cụ thể, câu chuyện sợ trách nhiệm, sợ sai mới có thể được giải quyết.

Theo nội dung dự thảo Nghị định, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Trường hợp cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định đồng ý thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp như: Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật dân sự.

Hay cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; Cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại…

Có thể thấy, rất nhiều nội dung mới đã được nghiên cứu để đưa vào Nghị định, xuất phát từ thực tiễn thời gian qua. Điều khiến nhiều cán bộ còn e dè, ngần ngại trong thực hiện công việc là tính thượng tôn pháp luật.

Bởi đã có ý kiến nêu thực tế tại địa phương, khi cấp dưới tham mưu đề xuất một chủ trương và được cấp trên đồng ý. Tuy nhiên, khi áp dụng trong thực tế thì nảy sinh bất cập, không đúng với các quy định của pháp luật. Và khi đó, chỉ người tham mưu bị truy trách nhiệm, cấp trên đồng ý cho làm thì lại không vấn đề gì.

Hay nhiều khi Ban thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thường nêu “đồng ý về mặt chủ trương, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật thì rất khó để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung.

Bởi nếu có vấn đề gì, họ không thể nào có được những giải trình hợp lý trước cơ quan kiểm tra, thanh tra.

Từ thực tế trên, dự thảo Nghị định quy định cán bộ đột phá, dám nghĩ dám làm nhưng “không được trái với Hiến pháp và điều lệ Đảng” là khá mở.

Bởi nếu quy định “phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật” thì sẽ không giải quyết được gì, mọi chuyện vẫn sẽ như cũ. Đổi mới, sáng tạo thì chắc chắn sẽ có những thứ vượt khuôn khổ các quy định của pháp luật, buộc phải “vượt rào”.

Vì vậy, Nghị định cần cụ thể hơn nữa về quy trình tiếp nhận sáng kiến, đột phá ra sao, cấp có thẩm quyền nào sẽ ban hành quyết định để đưa sáng kiến ấy vào cuộc sống, để về sau nếu xảy ra vấn đề gì thì cán bộ được bảo vệ. Chỉ khi đó mới khuyến khích được cán bộ sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung.

Tập thể phải quyết định và khi tập thể quyết định thì phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, khi cán bộ cấp trên đồng ý cho cán bộ cấp dưới làm việc sáng tạo, đổi mới thì bên cạnh việc phân cấp, phân quyền cũng phải chịu trách nhiệm cùng nếu chẳng may xảy ra vấn đề gì.

Và có lẽ, với một Nghị định như vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cũng không nên quá cầu toàn mà cố gắng hoàn thiện để đưa vào triển khai thực hiện sớm nhất có thể, nếu thấy cần điều chỉnh, bổ sung thì sẽ bổ sung sau.

TS Phạm Quang Long (Phó chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.