Pháp đình

Ai bỏ con ruồi vào chai nước?

08/09/2016, 09:59

Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an xác định chai nước có ruồi bị cạy nắp, không nguyên bản như khi xuất xưởng.

1450322376-ong-vo-van-minh-bi-bat-qu--tang-sau-khi

Cuối cùng, ai bỏ con ruồi vào chai nước?

Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an xác định chai nước có ruồi bị cạy nắp, không còn nguyên bản như khi xuất xưởng. Nhưng hai năm đã trôi qua, vẫn không ai trả lời được câu hỏi: Cuối cùng, ai là người bỏ con ruồi vào chai nước?

Giả sử cách đây 2 năm, Tân Hiệp Phát “nhắm mắt” đưa 500 triệu đồng cho Võ Văn Minh để "mua sự im lặng", thì chuyện gì xảy ra?

Thì đương nhiên, sẽ không có "khủng hoảng con ruồi"!

Anh Võ Văn Minh bỗng dưng có 500 triệu đồng để thực hiện các dự định.

Tân Hiệp Phát sau khi mất một số tiền 500 triệu cũng không đáng gì so với doanh nghiệp này, vẫn sẽ giữ hình ảnh lung linh, là một ông lớn trên thị trường nước giải khát Việt Nam, vượt lên trên Coca-Cola và cạnh tranh vị trí dẫn đầu với Pepsi.

Nhưng lúc đó, cái gọi là "công lý" mà mọi người hằng mong đạt đến đã bị coi thường. Hành vi xấu được dung túng - đồng nghĩa với một tiền lệ xấu được xác lập. Và rất có thể môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Việt đã chìm trong thảm họa từ thời điểm đó.

Cách đây 2 năm, "khủng hoảng con ruồi" xảy ra và dư luận chứng kiến một cơn bão truyền thông lớn chưa từng có với một doanh nghiệp Việt Nam. Và làn sóng tẩy chay sản phẩm được hình thành ngay sau đó.

Sau này, khi khủng hoảng tạm lắng, các chuyên gia thương hiệu, báo chí vẫn mổ xẻ khủng hoảng này để tìm ra "bài học" thì bỗng nhận ra: Đây dường như là một sắp đặt, từng xẩy đến với vài doanh nghiệp Việt Nam trước đó.

Sau những cơn bão đó, các doanh nghiệp Việt thường phải “bán tống bán tháo” cổ phần cho các ông lớn nước ngoài và dần dần thì mất hẳn quyền kiểm soát.

Trong cơn bão khủng hoảng, đã có đại gia nước giải khát nước ngoài hỏi mua Tân Hiệp Phát với giá chỉ bằng ¼ so với trước khủng hoảng (500 triệu USD so với con số định giá 2 tỷ USD trước đó).

Khi Facebook trở nên phổ biến với người Việt, người ta cũng chợt nhận ra: Thời điểm cao trào của "khủng hoảng con ruồi", dường như ai đó đã đầu tư rất kỹ lưỡng cho các chiến dịch Viral trên Facebook. Thậm chí trả tiền cho việc thiết kế các ứng dụng (APP - application) được lập trình công phu hay các đồ họa được thiết kế rất tỉ mỉ, bắt mắt…

Và cứ trước mỗi phiên tòa xử Võ Văn Minh thì ai đó lại cho hàng loạt các Fanpage Facebook kêu gọi tẩy chay “sống lại” và được đẩy ở chế độ “Tài trợ” phát tán thông tin rộng rãi.

Ai chi tiền cho việc này? Đây là câu hỏi chưa có lời đáp!

Khác với các đại gia quốc tế từng đi làm ăn, thâu tóm khắp năm châu, Tân Hiệp Phát như một anh chàng nhà quê, non nớt trong giao tiếp và loay hoay, bối rối trong xử lý cơn khủng hoảng mang tính chất đại chúng.

Thay vào việc khôn khéo làm theo “bài vở” của các hãng xử lý khủng hoảng truyền thông chuyên nghiệp “mớm sẵn" để chiều lòng dư luận, doanh nghiệp này lại có phần “cứng nhắc” khi chọn cách công khai dây chuyền sản xuất hiện đại của mình để chứng minh chất lượng.

2 năm sống trong khủng hoảng con ruồi, doanh nghiệp này thiệt hại 2 nghìn tỷ, tổn hao thương hiệu, mất thị phần.

Không biết bây giờ, cho làm lại, doanh nghiệp này có chọn cách "bỏ tiền mua sự im lặng" hay không?

Nhiều người cho rằng Tân Hiệp Phát có thể sẽ chọn cách "nhắm mắt chi tiền cho xong chuyện". Nhưng giả sử chuyện bỏ 500 triệu mua sự im lặng này vỡ lở, thì Tân Hiệp Phát chỉ có nước bán cả công ty cũng không rửa được vết nhơ.

Quả là một sự lựa chọn không dễ dàng!

Với anh Võ Văn Minh thì người ta có thể thương cảm hoàn cảnh của anh. Nhưng một điều đã bị bỏ quên: Lợi ích của cộng đồng đã bị anh này đặt sau lợi ích cá nhân.

Anh Minh vì lòng tham hay vì một điều gì khác, đó là điều mỗi người có cách nhìn nhận riêng khi đặt mình vào vị trí của anh. Chỉ có điều: Nếu dùng lợi ích cộng đồng, hay sự phản ứng của cộng đồng để tạo ưu thế khi thỏa thuận, cò kè với nhà sản xuất về những sản phẩm lỗi, có ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, đó là điều khó chấp nhận.

Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an xác định chai nước có ruồi bị cạy nắp, không còn nguyên bản như khi xuất xưởng. Nhưng hai năm đã trôi qua, vẫn không ai trả lời được câu hỏi: Cuối cùng, ai là người bỏ con ruồi vào chai nước?

Tân Hiệp Phát có lẽ không ngu dại gì tự bỏ ruồi vào!

Võ Văn Minh thì không đủ trình độ vì việc này quá khó với một cá nhân!

Vậy, nhân vật thứ 3 này là ai?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.