Hồ sơ tài liệu

Ai chi phối chiến sự Nga - Ukraine?

24/02/2023, 06:50

Cách đây một năm, ngày 24/2/2022, thế giới rúng động khi Tổng thống Nga tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.

Nhìn lại sự kiện này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Triết học, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn Báo Giao thông về cục diện thế giới sau chiến dịch quân sự Nga - Ukraine.

Sau một năm, tình hình chiến sự đã có nhiều diễn biến bất ngờ so với dự đoán của các nhà bình luận, Nga không thể đánh nhanh thắng nhanh ở Ukraine nhưng vẫn tuyên bố duy trì được ổn định kinh tế dù chịu tới 11 nghìn lệnh trừng phạt kinh tế. Vậy, theo ông, điều gì dẫn đến những bất ngờ đó?

Có thể nói, sau một năm nhìn lại, tôi cho rằng tổn thất của Nga là quá lớn, nằm ngoài tính toán của Điện Kremlin.

Tổn thất do lệnh trừng phạt, tổn thất về người, vũ khí và một tổn thất không thể đong đếm được là vai trò vị thế của Nga trên trường quốc tế bị suy giảm nghiêm trọng.

Tại sao Nga lại bị tổn hại như vậy? Có lẽ là vì ngay từ ban đầu Nga đã đánh giá sai đối phương.

Năm 2014, khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, đội quân của Ukraine đã rệu rã.

img

Ảnh minh họa.

Nhưng sau khi Ukraine mất Crimea thì tình hình đã thay đổi, các lực lượng Ukraine đã được Mỹ cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự, đào tạo cho Ukraine phương thức tác chiến hoàn toàn mới.

Do đó, sai lầm của Nga chính là không đánh giá hết tiềm lực quân đội của Ukraine.

Thứ 2 là không đánh giá hết sự phối hợp chặt chẽ của phương Tây.

Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và châu Âu đã trừng phạt Nga nhưng ở mức độ vừa phải thì nay trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, lần đầu tiên trong lịch sử văn minh nhân loại, có một cuộc bao vây lên tới 11.000 lệnh trừng phạt đối với Nga.

Sai lầm thứ 3 là phải chăng Nga đánh giá quá cao “quân bài” năng lượng của mình. Trước đây, Nga cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt và 30% nhu cầu dầu mỏ của châu Âu. Và có lẽ, họ cho rằng, nếu châu Âu không có năng lượng từ Nga, họ sẽ gặp khó khăn và không tiến hành bao vây cấm vận Moscow.

Trên thực tế, châu Âu tuy gặp khó khăn nhưng họ có cách gỡ với các nguồn dầu mỏ/khí đốt từ châu Phi, Trung Đông và Mỹ.

Tiếp nữa, theo đánh giá của tôi, quân đội Nga không còn thiện chiến. Trước năm 2022, dư luận thế giới đánh giá quân đội Nga có sức mạnh ghê gớm nhưng hóa ra không hẳn thiện chiến.

Chưa kể, lực lượng tình báo, an ninh của Nga đã kém hơn so với trước, không đánh giá đúng về đối phương.

Trong binh pháp, Tôn Tử có nói: “Biết người, biết ta trăm trận đánh không nguy; biết ta, không biết người thì một thắng, một bại; không biết người, không biết ta thì đánh trận nào, thua trận đấy”.

So sánh với trường hợp của Nga thì có lẽ ứng vào vế thứ 2, Nga chưa đánh giá hết đối phương vì thế họ phải chịu tổn thất.

Vậy, chiến sự Nga - Ukraine thực sự đã làm thay đổi cục diện toàn cầu như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, trong chiến dịch quân sự lần này, Nga chịu tổn thất lớn như đã kể ở trên còn Ukraine thì tan nát, có lẽ phải mất tới cả chục năm mới có thể khôi phục lại.

Châu Âu cũng phải chịu không ít thảm họa. Sau những phản ứng chung của phương Tây do Mỹ dẫn đầu, bản thân châu Âu kinh tế khó khăn, lạm phát tăng, giá cả tăng vọt.

Sau tất cả, người được lợi nhất là Mỹ.

img

Ukraine thì tan nát, có lẽ phải mất tới cả chục năm mới có thể khôi phục lại.

Về kinh tế, sau một năm, Mỹ thu được hàng tỷ USD từ các nguồn vũ khí, năng lượng. Theo báo chí phương Tây, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ trong một năm thu về 19 tỷ USD từ vũ khí bán cho Ukraine, châu Âu, Trung Đông…

Bên cạnh đó, họ bước được vào thị trường dầu mỏ/khí đốt 500 triệu dân của châu Âu. Nếu như trước đây, Mỹ không bán được khí đốt cho châu Âu thì nay do Nga hạn chế nguồn cung năng lượng, khu vực này bắt buộc phải mua từ Mỹ.

Từ cuộc chiến này, đồng đô la Mỹ lên giá trong khi đồng Euro, yên Nhật, bảng Anh đều sụt giảm.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng thu được nhiều lợi ích. Nhưng tôi cho rằng, lợi ích về kinh tế mà Trung Quốc thu được không đáng kể, chủ yếu là về an ninh.

Tôi nhận thấy, Trung Quốc đánh giá đầy đủ đúng đắn hơn vai trò của Washington trong cuộc đối đầu giữa Nga - Mỹ. Vì thế, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng bớt thách thức Mỹ. Chính điểm này là quan trọng nhất.

Theo tôi, cuộc chiến này đẩy nhanh thế giới sang trạng thái nhiều trung tâm quyền lực. Nó là quá trình dịch chuyển cấu trúc quyền lực của thế giới.

Bởi vì Nga có thể suy yếu nhưng vẫn là cường quốc hạt nhân. Số lượng đầu đạn hạt nhân của Nga lớn hơn Mỹ, tên lửa đạn đạo, siêu thanh của Nga nhiều hơn Mỹ.

Qua động thái Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định thăm Kiev bất ngờ hôm 20/2 ngay trước thời điểm đánh dấu một năm chiến sự Nga - Ukraine, ông dự báo cuộc chiến này sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Có thể nói lúc này “quả bóng” đang nằm ở Nhà Trắng, không phải ở Điện Kremlin.

Trong tương quan lực lượng cả kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh lúc này giữa Nga với Mỹ, có thể nói thẳng, Mỹ ở thế trên. Chỉ cần Mỹ dừng viện trợ cho Ukraine thì cuộc chiến kết thúc ngay.

Cuộc chiến kéo dài đến đâu, liệu có thể bùng lên thành chiến tranh hạt nhân, Chiến tranh thế giới thứ 3 hay không là do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ thăm Kyiv ngày 20/2

Tuy nhiên, lúc này, Mỹ cũng đang đứng giữa nhiều mâu thuẫn.

Trước hết, nếu họ dồn Nga đến chân tường, họ sẽ đối diện nguy cơ Nga sẽ sử dụng bom nguyên tử, vì thế chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải cân nhắc rất kỹ.

Thứ 2, nhiệm vụ chính của Washington lúc này không phải chiến sự Nga - Ukraine. 90% nhiệm vụ của ông Biden là phát triển nước Mỹ, khôi phục kinh tế, tập trung lực lượng trong và ngoài nước Mỹ để phát triển công nghệ, ngăn cản Trung Quốc vượt lên. Nếu sa đà vào chiến sự này thì rõ ràng mất đi nhiệm vụ trọng tâm kể trên.

Thứ 3, Nga không phải đối thủ của Mỹ. Trong chiến lược an ninh, Mỹ xác định Trung Quốc mới là đối thủ.

Do đó, Mỹ lúc này vừa cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng cũng vừa phải thăm dò dư luận của thế giới, của Nga, Trung Quốc và cả nội bộ nước Mỹ.

Thực tế, cách đây nửa năm, có tới 60% người Mỹ ủng hộ cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng hiện nay con số này chỉ còn 48% thôi.

Có lẽ, giữa tình thế này nên Tổng thống Mỹ Joe Biden mới cất công sang Ukraine ngày 20/2 vừa qua. Ông Biden không phải ngồi trong Nhà Trắng nghe báo cáo từ Thư ký, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, mà ông phải nắm tình hình thực sự. Chuyến đi này có thể là cuộc khảo sát thực tế mà sau đây có thể ông sẽ điều chỉnh chính sách, vấn đề viện trợ.

Cảm ơn ông!

Việt Nam khẩn thiết kêu gọi chấm dứt chiến sự

Ngày 22/2 (giờ New York), Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhóm họp để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine, đúng một năm kể từ khi bắt đầu xung đột.

Tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây.

Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường bảo vệ an ninh, an toàn của người dân, bảo đảm những nhu cầu cấp bách của người dân chịu ảnh hưởng bởi chiến sự, bảo vệ và duy trì các cơ sở dân sự, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân. Việt Nam khẳng định sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình vào nỗ lực ngoại giao, tái thiết, hồi phục, cứu trợ ở Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.