Bất động sản

Ai chịu trách nhiệm khi sổ đỏ condotel bị thu hồi?

08/07/2019, 07:00

Đà Nẵng quyết định thu hồi sổ đỏ đối với căn hộ condotel khiến nhà đầu tư thì như ngồi trên đống lửa... Ai chịu trách nhiệm?

img
Chuyên gia cho rằng đang có sự quản lý bất nhất đối với condotel tại các địa phương (ảnh minh họa)

Việc mới đây UBND TP Đà Nẵng quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) có thời hạn ổn định lâu dài đối với căn hộ condotel khiến thị trường bất động sản “dậy sóng”, còn nhà đầu tư thì như ngồi trên đống lửa.

Chính quyền sửa sai, nhà đầu tư chịu thiệt?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết ông là người trực tiếp nhận khiếu nại về vụ việc Đà Nẵng thu hồi lại “sổ đỏ” căn hộ condotel. “Công ty 586 là chủ đầu tư dự án trên đất có mục đích sản xuất - kinh doanh - thương mại - dịch vụ, trong đó có căn hộ condotel tại Đà Nẵng. Theo phản ánh của công ty, tại thời điểm năm 2008, UBND TP Đà Nẵng và một số địa phương khác đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ condotel trên đất có mục đích sản xuất - kinh doanh - thương mại - dịch vụ có thời hạn ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở. Tuy nhiên, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận về việc cấp “sổ đỏ” như trên là sai, gây thất thu ngân sách nhà nước, TP Đà Nẵng đưa ra hướng sửa sai là cấp lại “sổ đỏ” mới tại thời điểm hiện nay (2019) với thời hạn sử dụng đất chỉ còn 39 năm (trừ đi 11 năm, tính từ năm 2008) khiến người mua nhà bị thiệt thòi”, ông Châu cho hay.

Nhận định về quyết định thu hồi “sổ đỏ” lâu dài cho condotel, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Cấp phép quyền sử dụng nhà đất là hoạt động mang tính quản lý nhà nước, vì vậy nó phải tuân thủ các quy định của pháp luật, liên quan tới đất đai, nhà ở và các công trình xây dựng. Nếu như việc cấp phép trước đây không đúng với quy định của pháp luật thì buộc phải thu hồi”. Đi vào dự án cụ thể, ông Sơn phân tích: “Đối với dự án bị thu hồi, chúng ta cần xem lại nội dung quyết định cấp phép ban đầu đối với dự án đó, sau đó mới đưa ra thảo luận. Nếu chính quyền cấp phép cho chủ đầu tư một đường, nhưng chủ đầu tư lại xin cấp phép cho các nhà đầu tư một nẻo, thì lúc này trách nhiệm không thuộc về chính quyền. Cần phải xem lại khi làm hồ sơ, chủ đầu tư ghi nội dung gì, cấp phép dựa trên cơ sở nào, căn cứ vào đâu? Sau đó, chúng ta mới đưa ra kết luận cũng như giải pháp tiếp theo với các trường hợp này”.

Theo ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP HCM), việc cấp “sổ đỏ” lâu dài cho condotel diễn ra trong thời điểm Nhà nước chưa có quy định cụ thể cho loại hình bất động sản này. “Cơ quan nào cấp phép sẽ phải có trách nhiệm thu hồi, thương thảo để chấn chỉnh hoạt động này. Tuy nhiên, việc quan trọng đó là cách hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời để tránh xảy ra tác hại ngược lại cho nhà đầu tư”, ông Tuấn nói.

Chính quyền phải chịu trách nhiệm

Là người tham gia đoàn giám sát của Quốc hội mới đây về việc thực hiện quy định pháp luật về nhà ở, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tới nay chưa phát hiện dự án condotel nào được cấp “sổ đỏ” lâu dài vĩnh viễn. “Chính quyền có thể cấp “sổ đỏ” hoặc “sổ hồng” cho condotel còn hình thức cấp như thế nào thì tùy cách vận dụng Luật Đất đai của từng địa phương song tựu chung không vượt quá thời hạn của dự án”, ông Kiên nói. Dẫn lại trường hợp Đà Nẵng thu hồi “sổ đỏ” condotel, ông Kiên cho rằng đây chỉ là hành động sửa lại thời hạn ghi trên bìa sổ cho rõ ràng theo quy định của pháp luật. “Trên bìa 1 của “sổ đỏ” condotel có thể ghi nội dung thời hạn sử dụng nhà ở lâu dài, nhưng ở bìa 4 vẫn nói rõ giấy phép này được cấp trên cơ sở giấy phép sử dụng đất của dự án. Tuy nhiên, mọi người không xem kỹ dẫn tới cách hiểu sai lệch”, ông Kiên nói và cho biết: “Nhà đầu tư phải có trách nhiệm với đồng tiền của mình chứ đừng bắt Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Căn cứ vào hồ sơ của từng dự án, người mua cần xem xét cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư, tránh tình trạng hiểu sai lệch thông tin. Trường hợp nếu nhà đầu tư cho rằng dự án được bán không đúng với cam kết thì có thể khởi kiện chủ đầu tư”.

Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, thời hạn sử dụng đất trên sổ đỏ không được phép ghi mập mờ. “Luật Đất đai 2003 trở đi đã quy định “thời hạn sử dụng lâu dài” được hiểu là vô thời hạn. Còn nếu có thời hạn thì phải ghi rõ 30 hay 50, 70 năm”, ông Võ nói và phân tích: “Việc sử dụng đất theo thời hạn của dự án đã được cấp phép là nội dung quy định cho chủ đầu tư chứ không phải cho người mua căn hộ. Theo quy định Luật Đất đai 2013, chủ đầu tư chỉ được sử dụng đất ở trong thời hạn của dự án đã được cấp phép chứ không được sử dụng vĩnh viễn nhưng người mua thì được sử dụng vĩnh viễn. Do đó, nếu bìa 1 “sổ đỏ” dành cho người mua đã ghi thời hạn sử dụng lâu dài mà bìa 4 lại “thòng” thêm nội dung “cấp theo thời hạn của dự án” chứng tỏ người cấp sổ nên đi học lại pháp luật đất đai. Rõ ràng trong vụ việc thu hồi “sổ đỏ” tại Đà Nẵng, chính quyền cấp sổ phải chịu trách nhiệm”.

Phân tích cụ thể, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, nếu coi quyết định thu hồi “sổ đỏ” là quyết định hành chính thì người dân có quyền gửi khiếu nại hành chính lên UBND cấp tỉnh, nếu không được giải quyết đúng nguyện vọng có thể khiếu nại lần 2 lên Bộ TN&MT hoặc Thanh tra Chính phủ. Trong trường hợp tiếp tục không được xử lý thì có thể khởi kiện chính quyền ra tòa. Tuy nhiên, vị chuyên gia thừa nhận: “Đó là về lý thuyết còn con đường đó bao giờ tới nơi thì tôi không dám khẳng định”.

Theo ông Võ, tới nay cơ quan quản lý vẫn chưa có số liệu thống kê về tình hình cấp “sổ đỏ” cho bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và loại hình condotel nói riêng. “Cùng một loại hình condotel nhưng mỗi địa phương lại có sự vận dụng quy định pháp luật khác nhau. Thông tin của tôi được biết, nhiều dự án condotel đã được cấp “sổ đỏ” lâu dài dù không hình thành đơn vị ở. Khi được hỏi thì chính quyền địa phương lý giải, dự án nào hình thành trên đất ở thì được cấp sổ lâu dài còn trên đất sản xuất kinh doanh dịch vụ thì được cấp có thời hạn. Tôi không đồng tình với cách hành xử như vậy bởi chẳng khác nào giống như bốc quẻ “hên xui”. Cần phải có cơ chế quản lý nhất quán, loại hình bất động sản nào thì chế độ sử dụng đất phải được quy định chung tương ứng với nó”, ông Võ nói.

Để làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc cấp sổ đỏ cho condotel, rất nhiều lần PV Báo Giao thông đã liên hệ với ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) song vị này cho hay: “Đang cho anh em kiểm tra, sẽ sớm thông tin khi có kết quả!”.

Bà Trần Thị Mỹ Lộc, Tổng giám đốc Công ty CP Vinhomes:
Mập mờ về thời hạn sử dụng đất gây ảnh hưởng thị trường nghỉ dưỡng

img

Hiện nay có rất nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, cụ thể là condotel mập mờ trong lĩnh vực pháp lý, không nói rõ cho khách hàng biết thời hạn sử dụng đất là bao nhiêu năm. Chính sự mập mờ như vậy làm ảnh hưởng tới thị trường.

Thực tế, đối với các dự án của Vinhomes, cho tới khi tất cả thủ tục pháp lý được hoàn thiện tới khâu cuối cùng thì mới được bán ra ngoài thị trường, thông điệp thời gian sở hữu rất rõ ràng. Tại thời điểm này, tất cả các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tiếp theo đang tạm ngưng để trông chờ hướng dẫn của Bộ TN&MT để thực hiện cam kết ra sổ cho đúng quy định.

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội:
Quản lý condotel như khách sạn

img

Chính vì sự phát triển nóng của condotel, dẫn đến việc xây dựng tràn lan, khó kiểm soát cùng với hàng loạt những tranh chấp như tranh chấp tại Condotel Bavico (Nha Trang) và thực tế, đến nay hầu như rất ít căn hộ condotel được cấp “sổ hồng” như cam kết của các chủ đầu tư.

Việc chính quyền thí điểm cấp “sổ đỏ” cho các căn hộ condotel với mục đích “đất ở không hình thành đơn vị ở”, không phải là giải pháp đúng, thậm chí gây nhiều phức tạp cho công tác quản lý về đất đai, dân cư và tiềm ẩn rủi ro cho người dân và xã hội.

Condotel là phòng khách sạn được xây dựng theo kết cấu của căn hộ chung cư, để phục vụ mục đích kinh doanh du lịch. Một khi khái niệm này được thống nhất và thừa nhận chung thì mọi hành vi, quan điểm, luật pháp của chúng ta phải được xây dựng trong khuôn khổ của nó.

Ông Đỗ Huy Hoàng, Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng):
Cuối năm nay ban hành quy chế quản lý condotel

img

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018 có hơn 8.000 căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương, chủ yếu là các địa phương có cơ hội đầu tư du lịch nhiều như: Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh. Trong số này, Quảng Ninh chiếm đến 19%, Đà Nẵng 14%, Khánh Hòa hơn 26%.

Hiện, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định Thông tư về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư; các quy chuẩn về xây dựng, quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel… Dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành.

PV (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.