Xã hội

“Ai cũng đánh giá tốt thì tại sao phải sửa?”

13/05/2015, 08:00

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi như trên khi cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ...

31
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trong phiên họp chiều 12/5

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi như trên khi cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đồng thời cho rằng, Luật chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã bị phản ứng dữ dội là do khâu tuyên truyền, phổ biến luật chưa tốt.

Chiều 12/5, tiếp tục phiên họp thứ 38 Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã dành thời gian xem xét báo cáo của chính phủ về Quy định tại điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH một lần.

Cần lắng nghe, chưa nên bàn chuyện sửa hay không sửa

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, sự việc hàng chục nghìn công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) đình công phản đối các các quy định tại điều 60 Luật BHXH là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương được lĩnh còn thấp nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, chứ chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già. Nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH làm vốn về quê làm ăn… “Bên cạnh đó, việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới”, Bộ trưởng Chuyền cho biết.

Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định, tình hình diễn biến như trong thời gian qua rất phức tạp, và sự phức tạp đó chỉ dừng lại khi chúng ta có tuyên truyền và khi Chính phủ hứa sẽ sửa Điều 60 luật BHXH. “Nếu Quốc hội không bàn gì về vấn đề này thì tôi e tình hình sẽ phức tạp trở lại, lúc đó công tác tuyên truyền, giải thích cũng sẽ không hiệu quả. Tất cả các báo cũng đã đăng tải thông tin về việc Chính phủ kiến nghị sửa đổi Điều 60 Luật BHXH, vì vậy, đề nghị Chính phủ có một bản báo cáo phân tích rõ những điểm tốt nào, những điểm nào không phù hợp với thực tiễn để các ĐBQH thảo luận và cho ý kiến, lúc đó mới quyết”, ông Khoa đề xuất.

Đồng tình với quan điểm đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nhấn mạnh: “Kể từ năm 1946, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội xảy ra chuyện nhiều công nhân phản ứng thẳng vào một điều luật cụ thể, dù luật ấy chưa có hiệu lực thi hành. Vì thế, Quốc hội nhất định phải lắng nghe và thảo luận, sau đó mới kết luận chứ không nên bàn chuyện sửa hay không sửa nữa. Điều đó cũng cho thấy, Quốc hội luôn có trách nhiệm và lắng nghe nhân dân cả nước”, ông Phước phân tích và cho rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa vấn đề này lên các diễn đàn thảo luận công khai để những người có kinh nghiệm cho ý kiến…

Tuyên truyền chưa tốt

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc làm luật, bổ sung sửa đổi luật, làm luật mới là việc bình thường, nhưng làm luật nào cũng phải có căn cứ, nguyên tắc và có sự cần thiết. “Lần này mới chỉ xin chủ trương, chứ chưa có tờ trình cụ thể về sửa luật nên Quốc hội không có căn cứ để quyết định sửa hay không sửa. Quốc hội sẵn sàng sửa luật và làm luật, nhưng phải trình theo quy trình”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Về sự việc hàng chục nghìn công nhân phản đối Điều 60 Luật BHXH, Chủ tịch Quốc hội cho rằng do công tác tổ chức, tuyên truyền, phổ biến pháp luật không tốt nên dù luật chưa áp dụng đã phản ứng rồi. “Luật này đến 1/1/2016 mới có hiệu lực thi hành, từ nay đến lúc đó nên tổ chức tuyên truyền, vận động cho tốt. Tờ trình báo cáo chủ trương tốt thế, Chính phủ, Mặt trận, Công đoàn… ai cũng thừa nhận nó tốt thế thì tại sao phải sửa? Nếu là do thiếu sót, chưa thận trọng xem xét thì nhận khuyết điểm và sửa ngay, nhưng nếu tốt như đã nói thì phải tìm hiểu nguyên nhân khác để khắc phục”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ báo cáo với Quốc hội về sự kiện xảy ra tại công ty TNHH PouYuen. Đồng thời giao cho Chính phủ chuẩn bị nội dung báo cáo trước Quốc hội, yêu cầu Chính phủ làm rõ vì sao Luật chưa có hiệu lực mà đã bị phản ứng. Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội sẽ đưa ra quyết định.

Trưng cầu ý dân thì phải để dân quyết định

Cũng trong phiên làm việc chiều 12/5, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Trưng cầu ý dân. Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu vẫn bày tỏ băn khoăn xung quanh vấn đề nào thì nên đem ra trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân như thế nào, thời gian trưng cầu dân ý nên tổ chức ra sao… Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đánh giá, về phạm vi trưng cầu ý dân như Dự thảo Luật nêu là quá rộng, theo đó cần xác định rõ khi nào Quốc hội đưa ra trưng cầu ý dân? Những vấn đề nào nên đem ra trưng cầu, vấn đề nào không thể đem ra trưng cầu chứ không thể nêu chung chung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị làm rõ: “Chúng ta đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhiều lần. Giờ nâng lên thành trưng cầu ý dân thì phải xác định rõ nó khác ở mức độ nào? Trong trường hợp đưa ra nhưng nhân dân không đồng ý thì có tổ chức lại hay không, khoảng cách thời gian là bao nhiêu hay là lấy một lần không được là thôi. Việc đưa tin của thông tin đại chúng trong nước và ngoài nước quy định thế nào?...”

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần làm rõ sự khác nhau giữa xin ý kiến dân và trưng cầu ý dân. “Khác nhau chính là cấp độ và tính phúc quyết. Ví dụ xin ý kiến như luật Dân sự, Hiến pháp thì ý kiến đó mang tính tham khảo, giúp cho Quốc hội có quyết định đúng đắn. Nhưng khi trưng cầu ý dân thì cấp độ cao hơn, đó là vấn đề rất quan trọng, nhân dân bỏ phiếu thì rõ ràng Quốc hội phải quyết định theo ý kiến đa số của dân. Tuy nhiên, Dự thảo luật này chưa thể hiện được tinh thần đó”, ông Hiển nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng phải làm rõ việc gì, cấp độ nào cần trưng cầu ý dân. “Việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội thấy rằng việc này dứt khoát phải xin ý kiến của dân, để dân quyết định thì trưng cầu ý dân, để dân quyết chứ Quốc hội không quyết định, còn trưng cầu ý dân rồi Quốc hội lại quyết định thì đó là lấy ý kiến nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ tinh thần này.

Không cấm cũng không thừa nhận chuyển đổi giới tính

Sáng cùng ngày, khi thảo luận và cho ý kiến về Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa cho phép chuyển đổi giới tính nhưng cũng không cấm vì cho rằng nhu cầu chuyển đổi giới tính là quyền của con người, nhưng cần có thời gian xem xét, nghiên cứu kỹ hơn từ thực tế.

Trong Dự thảo luật đề xuất hai phương án, một là việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật; hai là Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Theo đó, Chính phủ cho rằng phương án thứ nhất là hợp lý. Bởi theo báo cáo của Chính phủ, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về người đã chuyển đổi giới tính hoặc có nhu cầu chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, nhưng đây là nhu cầu có thật, đang ngày càng gia tăng. Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép chuyển đổi giới tính, một số người đã ra nước ngoài thực hiện. Khi về nước, họ không được cải chính hộ tịch, do đó gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cũng như trong cuộc sống, công tác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.