Lời nói của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên - cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hòa Bình trước phiên tòa xử vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình ngày 13/5 là câu nói được chia sẻ nhiều nhất trên mạng mấy ngày nay về nạn tiêu cực.
Nói về chuyện thực hiện nâng điểm thi tốt nghiệp cho học sinh, bị cáo Liên giải thích cho hành vi của mình: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Lời nói công khai tại tòa làm đau lòng tất cả những ai còn tự trọng. Bởi phải chăng cái xấu đã thành phổ biến, khiến những người tử tế thành số ít, thành sự khác thường trong xã hội?
Đặc biệt đau xót khi câu chuyện này xảy ra trong ngành giáo dục, nơi cần đề cao sự trung thực. Nơi có cái tâm trong sáng mới dậy học sinh nên người.
Có người “bào chữa” cho những thày cô giáo tham gia vào đường dây nâng điểm rằng, giáo viên vì mưu sinh mà phải chấp nhận làm điều trái đạo lý nghề nghiệp. Họ là cấp dưới, không nâng điểm cho con lãnh đạo liệu có tồn tại được không? Giáo viên là nạn nhân chứ không chỉ hoàn toàn là phạm nhân trong vụ này.
Làm sai khi bị phát hiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó là sự trả giá. Sự nghiêm minh của pháp luật trong từng vụ án là cần thiết và mức án thỏa đáng sẽ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Nhưng án chỉ xử được vài vụ và lời nói “thật” của bà Liên nhắc nhở chúng ta điều gì? Nếu cơ chế, nếu cán bộ lãnh đạo vẫn còn dung dưỡng cho những tiêu cực lan tràn, đến mức thành phổ biến thì xử nghiêm vài vụ không ăn thua.
Phải tìm ra những mắt xích yếu để chấn chỉnh trên toàn hệ thống, để cái xấu thành thiểu số, để người tốt được bảo vệ khi chống lại cái xấu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận