Thời sự

"Ai cũng tự nhủ phải sống!"

22/12/2014, 13:38

"Em chỉ kịp kêu "Anh ơi" rồi ngất lịm. Ngất không phải vì mệt mà vì quá vui sướng, vì tưởng chừng chết đi mà được sống lại", chị Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ công nhân duy nhất bị kẹt trong hầm...

Chị Ngọc tươi cười tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
Chị Ngọc tươi cười tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng

Quê ở xã Cát Vân, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), chị Ngọc vào công trường Thủy điện Đạ Dâng với mục đích là được gần và chăm sóc cho chồng đang làm công nhân ở đây. Công việc hàng ngày của chị là nấu cơm cho công nhân, nhưng hôm đó chị vào hầm để quét dọn vệ sinh sau khi các công nhân đã đào được vài trăm mét.

“Khi xảy ra sự cố, mỗi mình là con gái nên sinh hoạt đôi lúc cũng bất tiện”, chị Ngọc cười kể lại.

“Khi tụi em hỏi bao lâu nữa thì thông hầm? Ở ngoài nói vọng vào là khoảng 8 tiếng nữa. Lúc đó khoảng 14h ngày 19/12”, anh Trương Tuấn Việt nhớ lại. Thế nhưng chỉ khoảng hai tiếng sau, khi anh Phạm Viết Nam đến lấy cháo để ăn tối thì thấy ánh đèn pin của các chiến sĩ công binh. Anh Nam xúc động: “Tôi nói vọng về mọi người không cần lấy cháo nữa. Ra khỏi hầm rồi. Thế là mọi người ùa nhau chạy ra”.

Chị Ngọc là người được đưa ra khỏi hầm thứ ba nhưng chỉ ra khỏi hầm một đoạn là ngất xỉu. “Tỉnh dậy em gọi liền cho con em. Con em nói mẹ về với con, con nhớ mẹ lắm. Xuất viện là em về với con ngay”, nước mắt chị Ngọc lăn trên má.

Đã qua cái tuổi tứ tuần, lăn lộn nhiều công trường xây dựng thủy điện, nhưng khi xảy ra sự cố bị kẹt trong hầm anh Phạm Viết Nam nhiều lúc không khỏi hoang mang, song vẫn phải động viên từng người giữ vững tinh thần, niềm tin. “Khi ra khỏi hầm ai cũng đuối sức. Chứ lúc trong hầm chống chọi với cái chết, ai cũng tự nhủ phải sống!”, anh Nam kể.

Vẫn cái giọng đặc sệt xứ Nghệ, Phạm Viết Lành (20 tuổi) nhớ lại bốn ngày sống trong hầm tối như một trải nghiệm nghiệt ngã đầu đời: “Khoảnh khắc bóng tối bao trùm, em và mọi người vô cùng hoảng sợ. Nhưng đến cuối ngày thì có ống thông khí vào bên trong mọi người cảm thấy yên tâm và có hy vọng sống. Đến ngày thứ ba, có ánh sáng điện trong hầm, mọi người càng yên tâm hơn”. Lành là một trong những người trẻ tuổi nhất nên cùng với các anh thay phiên nhau đi lấy cháo, sữa qua đường ống. Đi phải lội dưới nước nên ai cũng phải cởi hết quần áo để khi về lại có quần áo khô mà mặc không bị lạnh. “Lúc đó không xấu hổ vì mọi người chỉ nghĩ đến sự sống”, Lành kể.

Và rồi điều kỳ diệu cũng đã đến. 12 công nhân bị kẹt trong hầm đã được cứu sống như một câu chuyện cổ tích! 

Phan Tư - Mai Huyên - Thảo Nguyên  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.