Xã hội

Ai làm rừng Cúc Phương “đổ máu”?

14/05/2015, 20:05

“Máu” rừng Cúc Phương vẫn đang đổ từng ngày dưới sự ra tay tàn bạo của con người.

cuc phuong bi xe thit
Một cây trai cổ thụ đã bị xẻ thành nhiều khúc, vết cưa còn mới nguyên (ảnh chụp ngày 15/3/2015 tại thung Đài Sen) - Ảnh: Nguyễn Quý

 Cụ thể, Vườn Quốc gia Cúc Phương có tới 13 trạm kiểm lâm, hai đội cơ động tuần tra với tổng số 90 cán bộ kiểm lâm chính quy, trong đó có 88 cán bộ biên chế và hai cán bộ hợp đồng. Để đi vào rừng Cúc Phương và đưa gỗ ra khỏi rừng, chắc chắn lâm tặc buộc phải đi qua nhiều trạm kiểm lâm, chưa kể đến hai đội kiểm lâm cơ động với 11 cán bộ được trang bị bán vũ trang có súng yểm trợ.

Tuy nhiên, với những hình ảnh mà PV Báo Giao thông ghi nhận được, bất cứ ai cũng không tránh khỏi cảm giác xót xa khi thấy rừng “đổ máu”, cảm thấy kinh ngạc và khó hiểu khi tại Vườn Quốc gia đầu tiên của cả nước - địa danh đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa và những tưởng sẽ được bảo vệ rất nghiêm ngặt, lại xảy ra tình trạng lâm tặc hoành hành như chốn không người. Trong khi hàng loạt cây gỗ quý từ hàng chục đến cả trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc, nằm la liệt khắp các cánh rừng, lâm tặc ung dung cầm cưa xăng khai thác, xẻ gỗ như ở công trường, thì lúc đó kiểm lâm và chính quyền địa phương, những người có trách nhiệm đã ở đâu?

Thực tế cho thấy, để đốn hạ cây và vận chuyển trót lọt gỗ ra khỏi rừng là một chuỗi hoạt động mất khá nhiều thời gian, từ chặt cây, xẻ thành nhiều tấm rồi vận chuyển gỗ qua nhiều địa hình đồi núi hiểm trở. Bởi thế, tất cả những việc này chính quyền địa phương cũng như kiểm lâm, lực lượng trực tiếp quản lý rừng không thể không hay biết. Nhưng vì sao lâm tặc vẫn có thể “xẻ thịt” rừng và vận chuyển gỗ một cách dễ dàng, trót lọt? Có hay không sự móc ngoặc, thông đồng hay làm ngơ của những người có trách nhiệm bảo vệ và quản lý rừng?

Nhiều người trong chúng ta từng được tận thấy, hay ít nhất cũng chứng kiến qua báo chí, truyền hình hình ảnh những bộ bàn ghế được làm từ gỗ quý với hoa văn họa tiết cầu kỳ trong các văn phòng, công sở của không ít cơ quan Nhà nước. Chúng ta cũng từng thấy hình ảnh nhiều gia đình đại gia, quan chức làm nhà sàn bằng cả trăm mét khối gỗ, la liệt những món đồ gỗ chạm khắc rồng rắn, chim phượng có giá cả chục tỷ đồng. Trong số đó, liệu có bao nhiêu đã được chế tác từ “máu” của rừng Cúc Phương và những khu rừng đặc dụng khác?

“Máu” rừng Cúc Phương vẫn đang đổ từng ngày dưới sự ra tay tàn bạo của con người. Liệu có khi nào đó, chỉ vài chục năm nữa thôi, nhiều người sẽ tiếc nuối mà chỉ tay về phía xa: Nơi ấy, khi xưa là rừng?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.