Xã hội

Ai phạt trẻ mua thuốc lá, rượu, bia?

10/11/2020, 05:50

Bán thuốc lá, rượu, bia cho người dưới 18 tuổi và sử dụng người dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá, rượu, bia sẽ bị phạt nặng.

img
Để xử phạt được hành vi nhờ người dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá, rượu, bia; bán thuốc lá, rượu, bia cho người dưới 18 tuổi… là rất khó khăn. Ảnh: Tạ Hải

Từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực. Một trong những quy định đang gây tranh cãi là bán thuốc lá, rượu, bia cho người dưới 18 tuổi và sử dụng người dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá, rượu, bia sẽ bị phạt nặng.

Phải kiểm tra chứng minh thư của khách?

Nghe thông tin chỉ vài ngày nữa, hành vi nhờ người dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá, rượu, bia và bán thuốc lá, rượu, bia cho người dưới 18 tuổi bị phạt nặng, bà Thu, chủ một quán bia ven hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thắc mắc: “Có những cháu 12 - 13 tuổi nhưng lớn như 18 - 20 tuổi, chúng tôi không có quyền yêu cầu khách trình giấy tờ, chứng minh thư, làm sao biết khách bao nhiêu tuổi?”

Ông Hải - chủ quán tạp hóa ở quận Đống Đa (Hà Nội) đồng tình với chủ trương không bán rượu, bia, thuốc lá cho trẻ em nhưng lo ngại nhất quy định này khó áp dụng thực tế. Còn nếu chỉ thí điểm vài cửa hàng, vài thời điểm thì lại khiến chỗ này dễ bán, chỗ kia khó khăn.

Luật sư Bùi Văn Sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, Nghị định 117/2020 khi đi vào cuộc sống sẽ gặp không ít khó khăn khi thực hiện bởi không có quy định cho phép người bán được kiểm tra giấy tờ tùy thân khách hàng mua thuốc lá, rượu, bia. Rồi ai sẽ giám sát, xử phạt bố mẹ nếu sai con đi mua thuốc lá, rượu, bia?

Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ phường ở Hà Nội chia sẻ: Năm 2012, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực. Thời điểm đó, phường lập đoàn liên ngành xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng, nơi có biển cấm.

Đoàn liên ngành cũng quay phim, chụp ảnh, xử phạt được một số trường hợp. Nhưng mỗi lần thu thập chứng cứ xử phạt rất khó khăn, lực lượng địa phương lại mỏng, đầu việc thì nhiều… nên chỉ thực hiện được một thời gian ngắn.

“Giờ để xử phạt được hành vi nhờ người dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá, rượu, bia; bán thuốc lá, rượu, bia cho người dưới 18 tuổi… cũng rất khó khăn, dễ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, bỏ lửng giữa chừng”, vị này nói.

Nhiều ý kiến khác cũng tỏ ra băn khoăn, bởi để giám sát thường xuyên là điều không đơn giản. “Ít có lực lượng nào đủ khả năng để đứng mãi trước 1 - 2 cửa hàng giám sát xem có những hành vi bị cấm hay không. Hoặc như buổi tối, ai sẽ là người giám sát để xử phạt?”, một chuyên gia pháp luật đặt câu hỏi.

Từ giáo dục, thuyết phục tới răn đe

Nhìn nhận ở một góc độ khác, luật sư Nguyễn Thanh Điệp (Đoàn Luật sư Hải Phòng) cho rằng, những quy định về phòng chống tác hại rượu, bia trong Nghị định 117 rất đáng hoan nghênh và mang ý nghĩa nhất định, dù triển khai vào thực tế sẽ khó khăn ban đầu. Ví dụ, sau khi quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng có hiệu lực, dù không bị xử phạt nhưng nhiều người đã ý thức không hút thuốc lá nơi công cộng.

“Chúng ta hãy xem Nghị định 117 như là một thông điệp với xã hội về chuyện bảo vệ trẻ trước thuốc lá và rượu bia. Từ thông điệp này sẽ hướng tới ý thức người lớn không sai bảo trẻ em đi mua thuốc lá, rượu, bia; người bán hàng không bán rượu, bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi”, luật sư Điệp nói.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia trước hết có tác dụng giáo dục và thuyết phục; sau đó có tác dụng răn đe. Bởi khi có quy định, người dân biết được mức xử phạt, từ đó họ ý thức rằng nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt. Và sau một thời gian tuyên truyền, người dân biết luật rồi vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị xử phạt.

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phân tích, khi lực lượng chức năng triển khai Nghị định 100/2019, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và tai nạn thương tích do sử dụng rượu, bia cũng đã giảm đáng kể. Đặc biệt, tình trạng ép mời rượu, bia khi lái xe đã có những chuyển biến tích cực cho thấy luật đang đi vào cuộc sống.

Tương tự, để Nghị định 117 đi vào cuộc sống đòi hỏi các cơ quan phải có sự vào cuộc đồng bộ, liên tục, thường xuyên; tránh lúc mới ban hành thì chú trọng nhưng sau đó thì trầm lắng, xao nhãng về thực thi, kiểm tra khiến tỷ lệ vi phạm tăng trở lại.

Theo bà Trang, hiện Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị định 117, giao Vụ Pháp chế làm đầu mối xây dựng hướng dẫn chuyên môn và tổ chức hội thảo tập huấn chuyên đề về nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia.

Nghị định 117 cũng đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia do người có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Thông tin và Truyền thông; Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ quan Quản lý thị trường; cơ quan Công an...

Cha mẹ phải nộp phạt thay

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định: Cảnh cáo hoặc phạt từ 200 - 500 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá hoặc uống rượu, bia. Nếu người vi phạm không có tiền nộp phạt, cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp phạt thay.

- Phạt từ 0,5 - 1 triệu đồng một trong các hành vi: Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia; không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia.
- Phạt từ 1 - 3 triệu đồng một trong các hành vi: Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia; uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.