Chuyện dọc đường

Ai quyết định thành bại thu phí không dừng?

22/11/2021, 06:00

Sau gần một năm triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) ở các trạm thu phí trên toàn quốc, nhiều làn ETC rất ít phương tiện qua lại.

Còn ở các làn thu phí thủ công, số lượng phương tiện rất đông, thậm chí ùn ứ vào giờ cao điểm.

img

Làn thu phí không dừng tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Nhiệm vụ đẩy nhanh số lượng phương tiện dán thẻ cũng trở nên khó khăn.

Hiện, cả nước có khoảng gần 2 triệu phương tiện đã dán thẻ, chiếm chưa đầy 50% tổng số phương tiện cần dán. Trong số này, chỉ có khoảng 50% phương tiện đã nạp tiền để sử dụng dịch vụ.

Điều đó cho thấy, mục tiêu vận hành thu phí ETC tại tất cả các trạm trên toàn quốc đã đạt được, nhưng hiệu quả không cao vì lượng người sử dụng còn rất thấp.

Câu hỏi đặt ra là vì sao người dân không mặn mà với việc dán thẻ một lần để trừ tiền dần mỗi lần qua trạm, dù việc đó khiến họ đỡ mất công thao tác mỗi lần qua trạm?

Có rất nhiều lý do khiến người dân chưa mặn mà với việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Đầu tiên, việc thu phí không dừng chưa mang tính cấp thiết đối với người sử dụng.

Bởi nhiều trạm thu phí số làn thu phí không dừng vẫn ít hơn làn thu tiền mặt nên đôi khi lựa chọn trả tiền mặt vẫn thuận tiện hơn.

Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân dẫn đến việc phải bỏ sẵn một khoản tiền nhất định trong tài khoản không sử dụng hàng ngày vẫn được coi là thừa thãi khi việc di chuyển đường dài là không thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc truyền thông về lợi ích của thu phí không dừng đến đối tượng người dùng chưa thực sự được quan tâm.

Không thể phủ nhận, cái mới ra đời sẽ không tránh khỏi sai sót. Trong khi hệ thống thu phí điện tử không dừng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành liên quan đến nhiều đối tượng nên quá trình vận hành vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bất tiện cho chủ phương tiện.

Đây không phải là vấn đề lớn và sẽ được nhanh chóng khắc phục để hoàn thiện dịch vụ.

Những ưu việt của dịch vụ thu phí ETC đã được khẳng định, đó là giúp giảm ùn tắc và minh bạch trong thu phí BOT, giúp giảm lây lan dịch bệnh do không còn tiếp xúc giữa tài xế và nhân viên thu phí. Vấn đề còn lại là sự hợp tác, chia sẻ của người dân.

Nếu những bất cập do người dân phản ánh đã được các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ tiếp thu giải quyết, thì ở chiều ngược lại, người dân cũng cần chủ động tham gia dịch vụ.

Thực tế, vẫn còn rất nhiều người dân chưa quan tâm, không sử dụng dịch vụ ETC vì thói quen sử dụng tiền mặt, vì ngại làm quen với dịch vụ mới...

Thu phí ETC là dịch vụ tự chọn, chỉ có thể khuyến khích người dân sử dụng. Để khuyến khích người dân, các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh dịch vụ của mình tốt, đảm bảo thuận tiện, mang lại lợi ích cho người sử dụng.

Muốn vậy, những bất cập trong vận hành hệ thống phải được khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, các đường dây nóng phải thông suốt, kịp thời xử lý những bất cập, tránh gây bức xúc cho khách hàng.

Sau nhiều năm nỗ lực của các cơ quan quản lý, hệ thống hạ tầng thu phí không dừng trên toàn quốc đã dần hoàn thiện.

Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần, sự thành bại của thu phí tự động không dừng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện đủ là chủ phương tiện có sử dụng dịch vụ hay không.

Mỗi người dân cần nhìn thấy lợi ích của thu phí không dừng thì ETC mới có thể đi vào cuộc sống.

GS.TS. Từ Sỹ Sùa
Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.