Thế giới

Ai thao túng giá dầu mỏ toàn cầu?

12/11/2014, 18:09

Dù dầu mỏ rớt giá do quy luật kinh tế đơn thuần hay đang bị thao túng cho các mục đích chính trị thì cũng đang tạo cơ hội cho ngành Hàng không phát triển.

Hàng không thế giới đang hưởng lợi khi giá dầu có xu hướng giảm
Hàng không thế giới đang hưởng lợi khi giá dầu có xu hướng giảm

Mỹ, Trung Quốc đều giảm tốc

Giá dầu thô tại Mỹ đã được ký kết và sẽ giao hàng vào tháng 12/2014 giảm 1,59 USD xuống còn 77,19 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 10/2011; Giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,96 USD xuống 82,82 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 10/2010. Việc giảm giá này được lí giải là do thừa nguồn cung trong khi nhu cầu lại sụt giảm và kết quả là giá dầu mỏ đi xuống.

Thực tế, công nghệ mới đã khiến việc trích xuất dầu từ các vùng nước sâu trước đây chưa từng nghĩ tới trở thành việc hoàn toàn có thể. Bước phát triển thứ hai trước đây không được tính đến là Mỹ - một “con nghiện” dầu mỏ - đã trở thành quốc gia có thể tự cung tự cấp về năng lượng. Nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ giảm từ từ nhưng vững chắc. Tháng 11/2013, lượng dầu mỏ Mỹ sản xuất đã lớn hơn lượng dầu mỏ nước này nhập khẩu. Dự kiến, Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới vào năm 2016 và hoàn toàn tự chủ về năng lượng này vào cuối thập kỷ.

Trước đây, nhu cầu dầu mỏ của Mỹ giảm, thị trường dầu mỏ cũng không bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc đã thế chỗ, nhưng hiện nay, Trung Quốc đã không làm được điều này. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Theo dự báo của cơ quan nghiên cứu Conference Board, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại và giảm xuống mức 3,9% vào giữa những năm 2020-2024. Con số này chỉ bằng một nửa mục tiêu mà Chính phủ Trung Quốc đề ra và bằng một nửa mức tăng trưởng trung bình những năm gần đây.

Như vậy, sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ của Mỹ đã ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu mỏ thế giới.

Có bàn tay thao túng?

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, giá dầu mỏ đang bị thao túng cho mục đích chính trị, cụ thể là nhằm vào Nga và Iran. Tạp chí Chính trị thế giới dẫn lời nhà báo nổi tiếng Thomas Frieedman của tờ New York Times nghi ngờ: “Giá dầu giảm liệu có phải là một sự cố ý có chủ đích. Và nếu đúng như thế thì những việc Mỹ đang cố làm với Nga và Iran chính là những gì mà người Mỹ và người Saudi Arabia đã làm đối với các nhà lãnh đạo trước đây của Liên Xô".

Cả Iran và Nga, vốn đang tham gia các cuộc cạnh tranh quyền lực với phương Tây, sẽ phải gánh chịu hậu quả của những thay đổi trên các thị trường dầu mỏ. Dầu mỏ và khí đốt chiếm 2/3 tổng xuất khẩu của Nga, đóng góp một nửa ngân sách. Ngân sách Nga được tính toán dựa trên giá dầu 100 USD/thùng, nếu giảm xuống dưới 90 USD/thùng sẽ tạo ra khó khăn lớn. Iran cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Giá dầu dưới 100 USD/thùng sẽ thâm hụt ngân sách lớn, lạm phát nhiều hơn, thêm nhiều áp lực cắt giảm trợ cấp và vị thế đàm phán hạt nhân sẽ bị suy yếu.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 6/11, ông Putin không đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia cụ thể nào đã gây ra tình trạng rớt giá dầu mà chỉ nói: “Tất nhiên, lý do rõ ràng của sự sụt giảm giá dầu thế giới là việc giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này có nghĩa tiêu thụ năng lượng đang giảm ở một loạt nước. Ngoài ra, yếu tố chính trị luôn xuất hiện trong vấn đề giá dầu. Hơn nữa, trong một số thời điểm của khủng hoảng khi nó nổ ra khiến người ta có cảm giác giống như hoạt động chính trị thường chi phối giá của các nguồn năng lượng”.

Điều không cần phải tranh cãi là: Không có hàng hóa nào có quyền lực chính trị, chiến lược và chiến thuật giống như dầu mỏ. Dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các sự kiện trên thế giới.

Hàng không sẽ phát triển

Seth Kaplan thuộc tạp chí Airline Weekly, nhận xét: “Nếu xu hướng giảm giá dầu tiếp diễn, các chỉ số kinh tế của ngành Hàng không sẽ thay đổi hoàn toàn. Rất nhiều hãng có thể sẽ tăng các chuyến bay trong các khoảng thời gian thấp điểm hoặc khai trương các chuyến bay mới. Năng lực bay cao có thể sẽ giúp giảm giá cước, tăng chuyến bay sẽ giảm chi phí những thứ đắt đỏ như: Máy bay, cơ sở mặt đất và nhân công sẽ được sử dụng nhiều hơn, sau đó sẽ là doanh thu tăng vọt nhờ lượng vé bán ra tăng lên.

Basili Alukos, chuyên gia phân tích của Công ty Morningstar, có trụ sở tại Chicago, nhận định: “Nền kinh tế thế giới đang ổn định nhưng vẫn chưa tăng trưởng mạnh và thường thì giá vé máy bay sẽ tăng giảm theo diễn biến của thị trường năng lượng”. Trước đó, IATA dự đoán, năm 2014, các hãng hàng không sẽ có lợi nhuận ròng khoảng 16,4  tỷ USD

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.