Quản lý

Ai tiếp tay cho Bến xe Cần Thơ "vẽ" nhiều khoản thu phi lý?

08/06/2020, 06:36

Tại bến xe Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp vận tải đang rất bức xúc vì bị đơn vị này đè ra thu nhiều loại phí phi lý.

img
Việc Bến xe Cần Thơ thu phí “trên trời” khiến nhiều nhà xe tính tới việc bỏ bến chạy xe dù (Trong ảnh: Khuôn viên bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ)

Trong khi Chính phủ đã có nhiều giải pháp và yêu cầu các bộ ngành địa phương phải tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì tại Bến xe Cần Thơ, nhiều DN vận tải đang rất bức xúc vì bị đơn vị này đè ra thu nhiều loại phí phi lý.

Nhiều khoản thu “độc nhất vô nhị”

Ngày 18/5, trên một tờ hoá đơn mà Bến xe Cần Thơ (Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ) xuất cho DN trên chuyến xe giường nằm phải nộp lên tới 521.400 đồng/xe với tất cả 6 khoản phí. Trong khi đó, tại Bến xe miền Tây TP.HCM, cùng là bến xe loại 1, DN lại chỉ phải đóng đúng một loạt phí duy nhất là phí ra vào bến với 154.000 đồng/xe.

Chi phí xe ra vào bến tại TP.HCM được tính dựa trên đơn giá 4.540 đồng/giường/chuyến đã bao gồm thuế VAT. Trong khi phí xe ra vào bến tại Bến xe Cần Thơ được tính cao hơn gấp đôi, lên tới 9.800 đồng/giường/chuyến chưa VAT. Không những vậy Bến xe Cần Thơ còn tận thu tới mức tính phí thêm 2 ghế của tài xế và tiếp viên với giá 6.500 đồng/người. Đây cũng là việc chưa từng có tại các bến xe trên toàn quốc.

Đã vậy, Bến xe Cần Thơ còn vẽ thêm hàng loạt các loại phí ngược đời khác: Phí dịch vụ đậu, đỗ vị trí lên tài để đón khách 25.000 đồng/xe... Ở các bến xe khác, khoản này mặc nhiên đã được nằm trong giá dịch vụ xe ra vào bến; tiền thu phí để gom rác tại xe khách là 12.000 đồng/xe. Trong khi bản thân sau mỗi chuyến đi, nhà xe đã tự vệ sinh, gom rác…

Ngay đến việc ứng dụng công nghệ thông tin chào mời hướng dẫn hành khách đi đúng từng chuyến xe là do Bến xe Cần Thơ tự xây dựng nhưng bến xe này lại tính vào chi phí cho DN với 8.000 đồng/xe.

Hiện tại, địa bàn có khoảng 65 DN vận tải hành khách ký hợp đồng với Bến xe Cần Thơ. Chỉ tính hãng xe Phương Trang trung bình một ngày (thời điểm chưa có dịch Covid-19 bùng phát) có khoảng trên 100 - 150 chuyến xe. Mỗi một xe phải đóng cho bến trên 521.000 đồng. Vậy mỗi một năm nhà xe này phải nộp khoản tiền cho Bến xe Cần Thơ lên tới trên dưới 25 tỷ đồng/năm. Chưa tính 64 DN còn lại, vậy một năm Bến xe Cần Thơ có thể thu về là bao nhiêu tiền hẳn ai cũng có thể tính toán được.

Vắt kiệt sức lực của DN vận tải

Dù vậy, ông Nguyễn Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ khẳng định, việc thu các khoản phí thu giá dịch vụ như phản ánh là trên tinh thần các quyết định của UBND TP Cần Thơ, Thông tư Liên tịch 152.

“Chúng tôi không làm sai”, ông Trí quả quyết.

Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, theo quy định của Thông tư liên tịch số 152, về giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì khoản phí này DN sẽ tự xây dựng rồi chuyển về cho Sở Tài chính và Sở GTVT thống nhất và ban hành. Tuy DN được quyền xây dựng mức phí nhưng điều kiện là phải hài hòa giữa các bến xe với nhau, thu với mức phí quá cao là không nên.

Liên quan việc này, chiều 5/6, Sở Tài chính, Sở GTVT TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, tuy nhiên đây là buổi làm việc nội bộ.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Nói về tổng thể thì công ty làm đúng theo quy định. Nhưng giờ chỉ còn là giá cao, giá thấp thôi. Theo quy định là công ty tự ban hành mức giá này”, ông Nghị thông tin.

Khi PV đặt vấn đề về việc Công ty áp mức khung giá dịch vụ qua bến đã trình cơ quan chức năng thì ông Nghị cho biết: “Buổi làm việc này tôi không tham dự mà giao lại cho các phòng ban chuyên môn. Tôi cũng đang chờ báo cáo kết quả, căn cứ vào đó có báo cáo về UBND TP và sẽ thông tin cho báo chí”, ông Nghị nói.

Trong khi đó, theo phản ánh của các DN, tại Quyết định 542 của UBND TP Cần Thơ quy định mức phí ra vào bến tại bến xe trên địa bàn là 9.800 đồng/giường/xe, trong khi cùng là bến xe loại I tại TP HCM chỉ 4.540 đồng/giường. Như vậy là Bến xe Cần Thơ đã ở thế độc quyền, lại được TP phê duyệt thu phí ra vào bến cao gấp đôi giá một bến xe tương đương cùng cấp, các DN hoàn toàn có quyền nghi ngờ về cách tính, thẩm định và thu phí.

Đặc biệt tại các tỉnh thành khác như TP.HCM, Cà Mau, Sơn La… các quyết định về phí ra vào bến xe theo quy định đã bao gồm VAT, trong khi Quyết định 542 của TP Cần Thơ lại vô tình bỏ ba chữ VAT ra ngoài.

Thông tư 152 hướng dẫn cũng chỉ nêu duy nhất khoản thu phí đậu xe qua đêm. Vậy phí đậu đỗ xe lên tài, phí gom rác cho xe, phí ra vào vào bến của tài xế, lơ xe… Bến xe Cần Thơ áp dụng theo quy định pháp luật nào?

“Trên thực tế, nếu DN không đồng ý ký hợp đồng với các điều khoản vô lý thì DN biết lựa chọn bến nào khác ngoài Bến xe Cần Thơ?! Với thế độc quyền này, Bến xe Cần Thơ có quyền đưa ra điều kiện và DN không muốn vẫn phải ký. Nhiều DN cho biết rất bức xúc nhưng phải tiếp tục ký để chạy và duy trì hoạt động công ty, phục vụ khách hàng… Con giun xéo lắm cũng quằn, chúng tôi sẽ kiện và đưa vụ này ra ánh sáng”, một DN bức xúc và cho hay, thực trạng trên đã làm tăng chi phí của DN, đang dần vắt kiệt sức lực, bóp chết sự phát triển của DN. Hậu quả tiềm ẩn là, với giá thu cao ngất ngưởng cùng với nhiều khoản thu vô lý, rất có thể sẽ góp phần đẩy DN ra khỏi bến xe để lập bến cóc, chạy xe dù, góp phần làm phức tạp trật tự ATGT, kinh doanh vận tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.