Thế giới

Al-Qaeda dùng chiêu “Robin Hood” quyến rũ giới trẻ Yemen

02/06/2015, 06:20

Điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động của Al-Qaeda thời gian gần đây là áp dụng chiến lược du kích kiểu “Robin Hood”.

3
Al-Qaeda tuyển dụng được nhiều thanh niên Yemen vì biết khai thác tối đa tâm lý giới trẻ.

Mặc dù thế giới đã chi ra một khoản tiền không nhỏ cho các hoạt động chống khủng bố ở Yemen, nhưng xem ra “hiệu ứng” Al-Qaeda không giảm, khi tổ chức này dùng nhiều chiêu bài để quyến rũ người dân Yemen, nhất là giới trẻ.

Mị dân với chiêu bài “Robin Hood”

Dư luận còn nhớ hồi tháng 4/2015, 300 chiến binh Al-Qaeda đã trốn thoát khỏi nhà tù, trong đó có cả những chỉ huy chóp bu của Al-Qaeda và đánh chiếm thành phố phía Đông Mukalla, tăng cường cấu kết với các bộ lạc ở phía nam và miền Đông với chiêu bài mị dân, rằng có chung kẻ thù là tổ chức Houthi. Nhờ những thắng lợi này mà quân số  Al-Qaeda đã tăng gấp ba.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động của Al-Qaeda thời gian gần đây là áp dụng chiến lược du kích kiểu “Robin Hood” thay vì thánh chiến bạo lực. Al-Qaeda thu hút thanh niên Yemen, nhất là ở các tỉnh miền Đông thông qua các hoạt động giao lưu công khai như cắm trại, tài trợ kinh phí cho các nghiên cứu và các hoạt động thể thao. Thay vì tuyển dụng trong nhà tù hay tại các nhà thờ Hồi giáo, nhiều thanh niên đã bị cám dỗ bởi chiến dịch tinh vi mang tên “Tiếp cận văn hóa Al-Qaeda “.

Sự kiện được xem là thành công nhất của Al-Qaeda là chương trình quảng bá thương hiệu Ansar al-Sharia. Tên gọi của sự kiện này có nghĩa là ủng hộ Luật Hồi giáo, đồng nghĩa với mục tiêu Hồi giáo thuần túy. Chương trình miễn phí nên nhiều người không nhận rõ ý đồ thâm hiểm của Al-Qaeda, mặc dù thương hiệu toàn cầu này đang gây tranh cãi. Cùng với chương trình nói trên, Al-Qaeda còn cung cấp tài chính cho các cộng đồng nghèo ở miền Trung và miền Đông bằng các dịch vụ thiết yếu như điện, nước và giáo dục.

Mặc dù trong những năm gần đây, một lượng lớn viện trợ nước ngoài đổ vào Yemen, riêng Anh cung cấp khoảng 282 triệu USD, nhưng do nạn tham nhũng nên số tiền trên đã bị thất thoát, người dân không được lợi và phát sinh mâu thuẫn. Nắm được điểm yếu này, Al-Qaeda đã tung ra chiêu bài "Robin Hood" và nó đã phát huy được tác dụng, dung nạp thêm nhiều thanh niên trẻ, thậm chí cả những người không ưa Al- Qaeda.

Một trong những chiêu bài mị dân khá thành công của Al-Qaeda là dùng vật chất cám dỗ, sử dụng những thanh niên ấn tượng để làm lãnh đạo nên rất nhiều người từ miền Đông Yemen đã bị cuốn hút vào các chương trình của Al-Qaeda một cách rất tự nhiên. Mọi người tham gia đều cảm thấy thân thiết, mục đích quyến rũ và luôn đi kèm với vũ khí, tiền bạc và nhu cầu vật chất khác. Bên cạnh chính sách “Văn hóa mềm”, Al-Qaeda còn áp dụng cả chiến thuật bắt nạt.

Ví dụ, tại thành phố Mukalla miền Đông, Al-Qaeda đã hậu thuẫn các băng nhóm cướp giật, nhắm vào những người bất hòa với Al-Qaeda, tuy nhiên Al-Qaeda chỉ sử dụng có chừng mực chứ không giống như ở Syria. Chưa hết,  Al-Qaeda còn áp dụng cả chính sách mị dân mùi mẫn như tuyên bố tách khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vì thấy IS quá tàn bạo và xin lỗi dư luận về việc chặt đầu những người lính và giết hại nhân viên y tế khi không mang vũ khí hồi năm ngoái.

Tận dụng tối đa thế mạnh của truyền thông

Giống như các tổ chức khác, Al-Qaeda tận dụng tối đa truyền thông để phục vụ cho các mục tiêu của mình, đặc biệt là sử dụng video bởi tỷ lệ biết chữ và thâm nhập Internet của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, các thể loại thơ và bài hát cũng được sử dụng tối đa để truyền miệng, đây là phương pháp truyền thông lâu đời trong văn hóa Hồi giáo. Al-Qaeda đã thổi bùng cảm xúc nhắm vào danh dự bộ lạc bằng thơ ca, hò vè, công cụ dễ dàng được chuyển đổi thành “thánh ca” hùng tráng.

Thực tế, nhiều chiến binh thánh chiến nổi tiếng đã sáng tác thơ ca, trong đó có cả Osama bin Laden và lãnh đạo toàn cầu hiện nay của  Al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri. 1/5 nội dung tạp chí tiếng Ả-rập của Al-Qaeda, có tên Al-Sada Malahim (Tiếng vọng chiến trường) là thơ. Các nhà phân tích gọi đây là “công cụ vô hình” hay “bộ nhớ bằng miệng” nhưng hiệu quả thật bất ngờ. Theo một cuộc khảo sát toàn diện ở các bộ lạc miền Đông Yemen, số đông coi thơ là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Tuy không nằm trong “chương trình nghị sự” của Al-Qaeda, nhưng nó lại có tác dụng phục vụ cho chương trình bành chướng của tổ chức này, đó là việc dùng máy bay không người lái của Mỹ để săn lùng Al-Qaeda. Thay vì mang lại kết quả như mong muốn, nhiều dân thường, nhất là trẻ em bị giết hại. Thơ, video và hình ảnh phát tán nói về cảnh trẻ em bị giết hại ở Gaza, Iraq, Syria và Yemen đã làm cho dư luận giận dữ và tìm cách trả thù. Chính điều này Al-Qaeda đã khuyến khích, cung cấp vũ khí cho người dân bằng chiến dịch "quá giang với súng và bom’.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.