Quân sự

Algeria có lực lượng không quân mạnh nhất châu Phi nhờ dùng máy bay Nga

08/04/2021, 07:00

Lực lượng không Algeria chỉ biên chế các máy bay chiến đấu của Nga, nhưng cũng đủ sức để trở thành lực lượng không quân số một châu lục.

img

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ MiG-21 của Không quân Algeria.

Không quân Algeria được đánh giá là lực lượng mạnh nhất ở châu Phi, nhờ các máy bay thế hệ 4+ được mua từ Nga hiện có trong biên chế của quân đội.

Chỉ có lực lượng không quân của Nam Phi và Uganda mới có khả năng để cạnh tranh được với không quân Algeria.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, nguồn gốc sức mạnh của không quân quốc gia Ả Rập này bắt nguồn từ sự hợp tác quân sự - kỹ thuật với Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh.

Năm 1962, không quân Algeria đã nhận được 140 máy bay chiến đấu MiG-17, MiG-21 và 30 máy bay ném bom Il-28 từ Liên Xô. Sau đó, các mẫu Su-7 và Su-22, MiG-23 và MiG-25 hiện đại hơn cũng được đưa vào biên chế.

Bên cạnh đó, các máy bay chiến đấu của Algeria cũng thường xuyên được hiện đại hóa và hệ thống phòng không của nước này được trang bị các tổ hợp phòng không tiên tiến do Liên Xô sản xuất.

img

Máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30MKA của Không quân Algeria.

Chương trình đầu tư và hiện đại hóa không quân của Algeria đã gặt hái được thành công đầu tiên vào tháng 11 năm 1988, khi quốc gia này suýt bị tấn công bởi một cuộc không kích từ một nhóm máy bay F-15 của Israel.

Không quân Israel định tấn công vào lãnh thổ của Algeria, vì quốc gia này ủng hộ và huấn luyện các thành viên của tổ chức Giải phóng Palestine, nhưng sự xuất hiện của những chiến đấu cơ MiG-25 của Algeria đã buộc các phi công F-15 Israel phải từ bỏ kế hoạch và rút về các căn cứ.

Đến cuối những năm 1990, không quân Algeria đã cắt giảm phần lớn phi đội MiG-21 và tất cả các máy bay Su-7, Su-22 còn lại. Chúng được thay thế bằng MiG-29S và Su-24MK, trong khi đó MiG-23 và MiG-25 được hiện đại hóa. Sau đó, Algeria bắt đầu mua các máy bay thế hệ 4+ từ Nga.

Đến năm 2020, lực lượng không quân Algeria có 48 máy bay chiến đấu Su-30MKA hiện đại, cùng một phi đội gồm 23 máy bay MiG-29 và khoảng 40 máy bay Su-24M.

Những chiến đấu cơ MiG-25 vẫn chứng tỏ được giá trị của mình, hiện vẫn còn 16 chiếc đang hoạt động trong biên chế không quân nước này.

img

Máy bay chiến đấu hạng trung MiG-29C của Không quân Algeria.

Đồng thời, các nhà phân tích tin rằng Algeria có thể mua các máy bay khác của Nga trong tương lai gần.

Nhiều báo cáo từ các nguồn tin của Nga và phương Tây đã chỉ ra rằng, Algeria có khả năng sẽ tìm đến các máy bay chiến đấu tiên tiến hơn trong tương lai, để cải thiện đội bay của mình và cuối cùng loại bỏ MiG-25 và Su-24M.

Nước này được xem là khách hàng tiềm năng của máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo Su-57 của Nga.

Chi phí hoạt động của Su-57 thấp hơn MiG-25 và thiết kế hiện đại hơn của máy bay có thể khiến đây là một thương vụ hiệu quả về kinh phí. Trong khi tiêm kích đánh chặn MiG-31M sẽ là sự lựa chọn rõ ràng để thay thế MiG-25.

Với việc nền kinh tế Algeria phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên, do đó gắn liền với giá dầu toàn cầu, sự sụt giảm gần đây của khí đốt đã dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc kế hoạch mua các chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo có thể bị trì hoãn trong một thời gian đáng kể.

img

Máy bay chiến đấu Su-57.

Trong khi ngân sách quốc phòng của Algeria cho đến nay là lớn nhất ở châu Phi, từng vượt qua 12 tỷ USD do hậu quả của cuộc khủng hoảng Libya và ổn định ở mức khoảng 10 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, khả năng duy trì mức chi tiêu như vậy của nước này đã bị đặt dấu hỏi.

Triển vọng của lực lượng không quân vẫn được đánh giá là khá hơn, tuy nhiên hải quân và lục quân Algeria có khả năng bị cắt giảm phần lớn nếu chi tiêu quân sự giảm và do giới quân sự nước này ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng tác chiến trên không sau cuộc tấn công của NATO vào Libya.

Algeria hiện duy trì đội quân thường trực trong thời bình lớn nhất ở châu Phi, kết hợp với việc nước này đã đầu tư vào các hệ thống vũ khí chi phí thấp, để tác chiến trên biển cho hải quân như tên lửa hành trình CX-1 của Trung Quốc, cũng là một kế sách để tăng cường tập trung đầu tư cho không quân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.