Thế giới giao thông

Alibaba số hoá ngành logistic tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) như thế nào?

16/06/2021, 16:38

Công ty logistic của Alibaba đã ứng dụng công nghệ thông minh để số hoá ngành logistic, góp phần phát triển Cảng Thương mại Tự do Hải Nam.

img

Cainiao sẽ đầu tư mạnh phát triển robot giao hàng để giải quyết những thách thức trong khâu logistic cuối cùng.

Phát triển công nghệ “đo ni đóng giày” cho Hải Nam

Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Hải Nam, một trong những đảo nằm ở cực Nam của Trung Quốc, có vị trí địa lý thuận lợi để đảm nhận vai trò “tiền tuyến” trong quá trình Trung Quốc kết nối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đồng thời mở ra cơ hội mới trong phát triển "Sáng kiến Vành đai và Con Đường".

Tháng 6/2020, chính quyền Trung Quốc đã công bố Kế hoạch Tổng thể để Xây dựng Cảng Thương mại Tự do Hải Nam, chuyển đổi toàn bộ tỉnh này thành “Cảng Thương mại Tự do”, cho phép Hải Nam trở thành khu vực kinh tế đặc biệt lớn nhất tại Trung Quốc.

Theo kế hoạch này, Hải Nam sẽ được nhận nhiều chính sách đặc biệt như miễn thuế nhập khẩu, hạ mức thuế thu nhập đối với những nhân tài cấp cao, giới hạn thuế doanh nghiệp ở 15% và nới lỏng quy định thị thực cho người đi lại.

Những chính sách này sẽ giải phóng dòng thương mại, vốn đầu tư và trao đổi dữ liệu giữa Hải Nam và các thị trường nước ngoài.

Phục vụ chủ trương chuyển đổi thành Cảng Thương mại Tự do, chính quyền tỉnh Hải Nam đã chính thức ký hợp tác với Cainiao, công ty con trong ngành logistic của tập đoàn Alibaba, tại Hội nghị Thượng đỉnh Logistic thông minh toàn cầu 2021 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc, theo Bưu điện Hoa Nam (SCMP).

Qua quan hệ hợp tác này, Cainiao sẽ sử dụng chuyên môn và công nghệ của mình để đưa Hải Nam trở thành trung tâm thương mại và mô hình kinh tế kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ logistic thông minh cho các thương lái trên khắp thế giới.

Cainiao và chính quyền tỉnh sẽ hợp tác trên 4 lĩnh vực: thiết lập hạ tầng logistic thông minh toàn diện, phát triển trung tâm cung ứng quốc tế của Hải Nam, nâng cấp mạng lưới hàng hoá quốc tế của tỉnh và ra mắt trung tâm dịch vụ thông minh cho cảng thương mại tự do Hải Nam.

Nhằm tăng cường hạ tầng và phát triển khu vực thương mại tự do, Cainiao sẽ phát triển hệ thống thông quan hiệu quả cao và sáng kiến logistic thông minh với mục tiêu thu hút hơn 1.000 thương lái tới đảo, đặc biệt là những chưa đối tượng chưa bao giờ khai thác thị trường Trung Quốc.

Việc thiết lập hạ tầng logistic thông minh toàn diện và “được đo ni đóng giày” phù hợp với điều kiện địa phương, sẽ mở cánh cửa cho nhiều hàng hoá nhập khẩu vào Hải Nam, đặc biệt là những sản phẩm mới ra mắt hoặc hàng hoá độc quyền, tạo cơ hội cho khách hàng được tiếp cận hàng hoá từ khắp nơi trên thế giới.

Ngoài ra, sau thông báo mở dịch vụ vận tải hàng bằng máy bay 7 chuyến/tuần trực tiếp kết nối Singapore với Hải Nam từ tháng Tư vừa qua, Cainiao dự kiến sẽ mở rộng hệ thống vận tải hàng hoá toàn cầu của Hải Nam để thực hiện 800 chuyến bay từ hòn đảo này tới các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu trong năm nay đồng thời mở tuyến vận tải biển từ Hong Kong tới Hải Nam và một số kênh xuất khẩu hàng khác tới Khu vực Vịnh lớn.

Phát triển công nghệ tự lái, robot vận chuyển hàng

Để tăng cường trải nghiệm mua sắm của khách hàng và giải quyết vấn đề ùn ứ hàng hoá, Cainiao cũng sẽ ra mắt một nền tảng dịch vụ thông minh nhằm số hoá toàn bộ hoạt động từ logistic, chuỗi cung ứng tới xử lý hải quan, quản lý điểm giao.

Bước đi này sẽ cho phép khách có thể lấy hàng tại các điểm được định sẵn chỉ trong chưa đầy 70 giây – giảm một nửa thời gian so với hiện tại.

“Kế hoạch chiến lược trên sẽ tạo ra một dịch vụ xuyên suốt toàn bộ chuỗi logistic, được thiết kế theo nhu cầu riêng biệt của Hải Nam. Đây là minh chứng cho cam kết tích cực tham gia phát triển Khu Thương mại Tự do Hải Nam của Cainiao”.

Trong tương lai, Giám đốc kỹ thuật của Alibaba Cheng Li cho biết, Cainiao sẽ phối hợp với viện nghiên cứu của Alibaba, Học viện DAMO, để phát triển công nghệ tự lái, cải thiện trải nghiệm khách hàng. “Công nghệ tự động lái sẽ là công nghệ cốt lõi trong kỷ nguyên số”, ông Li nhận định.

Cũng theo ông Li, Cainiao sẽ đầu tư để triển khai 1.000 robot logistic có tên ‘Xiaomanlv’ tại khuôn viên các trường Đại học và cộng đồng trên khắp Trung Quốc trong năm tới để cải thiện hiệu quả của khâu giao hàng cuối cùng.

Việc ứng dụng robot vào logistic sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm giải quyết vấn đề quá tải trong khâu giao hàng cuối cùng. Theo dữ liệu mới nhất, các doanh nghiệp giao hàng nhanh tại Trung Quốc đang đối mặt với khối lượng hơn 400 tỉ đơn hàng/năm.

Robot logistic sẽ được trang bị công nghệ hiện đại cho phép chúng giao hàng hiệu quả và chính xác hơn. Những con robot này sử dụng nền tảng máy tính phức tạp, công nghệ Phân vùng Ngữ nghĩa Đám mây điểm 3D (3D Point Cloud Semantic Segmentation (PCSS)) và học sâu để xác định vật thể, dự đoán chuyển động của con người và phương tiện trước khi hành động xảy ra trong vài giây, củng cố an toàn.

Hiện tại các robot này đã được triển khai ở một trạm bưu điện Cainiao trong khuôn viên trường đại học, một số cộng đồng, mỗi robot có thể chở 50 gói hàng/1 lúc và di chuyển 100km trong 1 lần sạc, nâng tổng lượng hàng có thể vận chuyển 1 ngày lên 500 gói.

Khi nhu cầu khách hàng tăng cao và số hoá phát triển, Xiaomanlv cùng các phương tiện tự lái sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống con người, trở thành tương lai của ngành giao vận, theo SCMP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.