Thế giới

Ám ảnh chưa dứt sau 10 năm thảm họa sóng thần

26/12/2014, 09:25

Cách đây 10 năm, ngày 26/12/2004, một trận động đất 9,3 độ richter ở Ấn Độ Dương tạo ra trận sóng thần cao 30m đánh vào bờ biển của 14 nước, cướp đi sinh mạng của 260 nghìn người.

Người dân Indonesia cầu nguyện cho các nạn nhân
Người dân Indonesia cầu nguyện cho các nạn nhân

Ký ức kinh hoàng

Đó là trận sóng thần khiến nhiều người chết nhất trong 600 năm qua. 10 năm qua đi, cuộc sống ở các khu vực bị ảnh hưởng đã có sắc màu tươi mới. Có những người vẫn phải hàng ngày vật lộn với cuộc sống khó khăn, nhưng có những người đã vượt lên số phận để xây dựng cuộc sống mới và thậm chí có những gia đình đã tìm lại được người thân sau nhiều năm tưởng chừng không còn hy vọng.

10 năm trước, chị Lakshmi, sống tại thị trấn Nagapattinam, phía Nam Ấn Độ, mất 4 trong 5 đứa con của mình. Cho tới giờ, chị vẫn đang vất vả chèo chống cuộc sống hàng ngày, với một người chồng nghiện rượu và cậu con trai nhỏ bị khuyết tật.

Sóng thần cũng cướp đi ngôi nhà nhỏ của chị ở làng Seruthur cùng với tất cả tài sản của gia đình. Chỉ trong vài phút, gia đình 7 người của chị chỉ còn lại ba người, hai vợ chồng chị và cô con gái 9 tuổi. Gần bốn năm sau thảm họa sóng thần, chị sinh thêm cậu con trai Mohan, nhưng cậu bé lại trở thành một gánh nặng đối với gia đình khi bị sinh non và khuyết tật ở chân.

Trong khi đó, chồng chị, người đáng ra phải là trụ cột, là chỗ dựa cho chị, lại không thể vượt qua được thảm họa kinh hoàng và chỉ biết chìm trong rượu suốt gần 10 năm qua. Mọi gánh nặng của cuộc sống giờ đổ dồn lên đôi vai của chị. Chị Lakshmi thường xuyên mất ngủ, bị ám ảnh bởi ký ức mất đi những đứa con và lo lắng cho tương lai của cậu con trai nhỏ.

Ngồi trên nền sân đất trong ngôi nhà nhỏ, chị cho biết: “Mấy năm qua, tôi đã phải bán hết mọi tài sản của mình, cùng với số tiền bồi thường sau thảm họa sóng thần để lo cho gia đình, lo chữa bệnh cho con trai.  Chăm sóc cho cả gia đình, kiếm tiền nuôi sống gia đình và cho cậu con trai nhỏ là những gánh nặng khiến tôi luôn trăn trở, không yên”.

Thật may, cô con gái lớn Saranya, người sống sót sau thảm họa giờ đã 19 tuổi, đã tốt nghiệp trung học và đi làm để giúp đỡ mẹ chăm lo cho gia đình. Người chồng sau nhiều năm nghiện rượu, gần đây cũng đã bắt đầu trở lại với công việc ra khơi đánh cá. Gánh nặng của chị Lakshmi đã được san bớt một phần. 

Tìm lại con sau 10 năm

Cuộc sống đôi khi vẫn đem lại cho người ta sự kỳ diệu. 10 năm sau khi sóng thần cuốn mất hai đứa con, các thành viên trong gia đình Jamaliah Rangkuti tại Meulaboh (Indonesia) mới được đoàn tụ và đang bắt đầu cuộc sống mới. Hai đứa con nhỏ Arif và Jannah khi đó mới 7 tuổi và 4 tuổi, được cho là đã chết sau ngày sóng thần ập vào ngôi làng ở Meulaboh, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Indonesia.

Đến tháng 6 năm nay, gia đình mới được đoàn tụ khi một người bác vô tình nhận ra cô bé Jannah, bây giờ đã 14 tuổi, có những nét giống với cháu gái mình cách đây 10 năm. Gia đình Rangkuti sau đó tìm đến nơi và nhận ra cô con gái của mình. Cậu con trai được tìm thấy không lâu sau.

Jamaliah cho biết, chị rất hạnh phúc, mặc dù cậu con trai Arif, nay đã 17 tuổi phải đi học lại sau nhiều năm sống lang thang trên đường phố Sumatra. Đây không phải là trường hợp đoàn tụ duy nhất ở Indonesia sau thảm họa sóng thần. Năm 2011, một bé gái 15 tuổi đã đoàn tụ với gia đình sau 7 năm.

Ông Kofi Annan, Tổng thư ký Liên hợp quốc khi đó đã nói rằng, phải mất ít nhất 10 năm để khắc phục hậu quả. Cộng đồng quốc tế đã đổ hàng tỷ đôla viện trợ cho hơn 14 nước bị ảnh hưởng. Sau 10 năm, cuộc sống tại những “vùng đất chết” dần hồi sinh. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm tin mãnh liệt, con người nơi đây vẫn sẽ vượt qua một cách mạnh mẽ, để tiếp tục hướng tới tương lai.

Thuỳ Linh

Thảm hoạ toàn cầu

10 năm trước, những đợt sóng lớn cao tới 30 m ập vào bờ biển của 14 quốc gia nằm dọc bờ Ấn Độ Dương như: Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia… Sóng thần tàn phá ghê gớm trên suốt 5 nghìn km di chuyển trên đại dương. Ước tính, thiệt mạng từ 225 - 260 nghìn người, hơn 1,8 triệu người mất nhà cửa.  Sóng thần còn tàn sát đến những quốc gia châu Phi như: Somalia, Madagascar, Nam Phi và tàn phá đến tận Australia hay đảo Réunion thuộc Pháp.

Gần 50 nước, trong đó có Việt Nam, với đa phần là các nước châu Âu và châu Mỹ đã có từ hàng chục đến hàng trăm công dân đang đi nghỉ Giáng sinh thiệt mạng, khiến đây là một trong những thảm họa mang tính toàn cầu nhất từ trước đến nay.

Để tránh lặp lại thảm họa, Hệ thống Cảnh báo sóng thần sớm được xây dựng tại các nước dọc Ấn Độ Dương đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2011. Có 24 quốc gia tham gia hệ thống này.

Q.M

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.