Bạn cần biết

Ám ảnh ngộ độc rượu dịp Tết

01/02/2018, 07:58

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, ngộ độc rượu chính là vấn đề lo ngại nhất trong chăm sóc sức khỏe nhân dân...

20

Nhiều ca ngộ độc rượu trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong

Quá ít vụ sản xuất rượu giả bị khởi tố

Chiều 31/1, Cục ATTP (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa hễ lội xuân 2018. Theo ông Bùi Đức Am, đại diện Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu nhất là rượu thủ công truyền thống diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các vụ ngộ độc rượu vẫn xảy ra với tính chất và mức độ khác nhau, trong đó có nhiều vụ mang tính chất nghiêm trọng. Điển hình tại Hà Nội, chỉ trong khoảng thời gian 22/2 - 15/5/2017, có tới 31 bệnh nhân bị ngộ độc methanol do uống rượu, khiến 5 bệnh nhân tử vong…

Theo thống kê của Cục ATTP, hiện ngộ độc do rượu trắng, rượu có hàm lượng methanol cao là 9/28 vụ, chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc là 11/28 vụ, chiếm 39,3%... Rượu có hàm lượng methanol cao gây ra 7 vụ ngộ độc, làm 106 người mắc và 23 người chết.

Ông Am cũng cho hay, nguyên nhân của các vụ ngộ độc rượu xảy ra chủ yếu do đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao nhiều lần giới hạn cho phép bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng về tác hại, nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật, không nhãn mác còn hạn chế; nhất là tại các vùng và ở các nhóm nạn nhân có điều kiện kinh tế khó khăn.

Đáng lưu ý, theo quy luật, dịp Tết hàng năm, nhu cầu của thị trường về các mặt hàng thực phẩm trong đó có rượu luôn tăng cao. Vì vậy, các cơ sở sản xuất rượu trong nước sẽ tăng cường sản xuất, các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, trong đó vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật gây nguy cao ngộ độc rượu cho người tiêu dùng.

Ngay tại Hà Nội, sau khi gia tăng đột biến tỷ lệ người ngộ độc rượu, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tăng cường kiểm tra. Kết quả, kiểm tra 13.910 lượt cơ sở, niêm phong 118.445 lít rượu, 3.510 chai rượu các loại, 1.054 quả dừa có rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, cảnh cáo, xử lý 1.215 cơ sở, tiêu hủy 30.593 lít rượu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, mới phát hiện và khởi tố hình sự 1 cơ sở sản xuất rượu Duy Hảo ở Thanh Oai, Hà Nội vi phạm không đảm bảo ATTP.

Không để nhiều người chết vì kém hiểu biết

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Những dịp Tết gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng dẫn đến tử vong vì ngộ độc rượu. Bên cạnh đó, việc lạm dụng rượu, bia mang đến nhiều tác hại khác như gây ra nhiều vụ TNGT, gây bất lợi về an ninh trật tự. Rượu là vấn đề lo ngại nhất của chúng tôi trong thời điểm Tết, dịp lễ hội”.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATTP cho biết, trong giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm làm 24.954 người mắc, 22.213 người đi viện và 130 người chết. Trong đó, ngộ độc rượu ghi nhận 28 vụ, làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Số vụ chiếm 3,24% tổng số vụ ngộ độc, số mắc chiếm 0,77% tổng số mắc nhưng tử vong chiếm tới 26,15% tổng số tử vong do ngộ độc. Ngoài ra, đã ghi nhận một số trường hợp lẻ có tiền sử nghiện rượu uống cồn y tế gây ngộ độc bị tử vong và gây ra di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như mù, rối loạn tâm thần.

Số mắc, chết, đi viện do ngộ độc rượu có xu hướng giảm dần từ năm 2013 - 2016 nhưng tăng đột biến vào năm 2017 với 10 vụ, 119 người mắc, 115 người đi viện, 11 người chết. Trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm do rượu nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc, chiếm 35,7% số vụ, chiếm 53,4% số mắc và 44,1% số chết. Đồng bằng Bắc bộ chiếm 25% số vụ, 22,8% số mắc và 20,6% số chết. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ đều có xảy ra ngộ độc rượu nhưng thấp hơn.

Bà Tiến cũng cho biết thêm, phòng chống tác hại rượu bia là vấn đề cấp bách, đặc biệt trước và trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Theo đó, cần quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh rượu với sự tham gia của chính quyền các địa phương, bổ sung chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm do cán bộ, công chức, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP tại địa phương. Bên cạnh đó, cần truyền thông để người dân sử dụng rượu, bia đủ lượng, có đảm bảo nguồn gốc; lực lượng chức năng liên ngành quản lý các nhà sản xuất rượu nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng; thông báo công khai những cơ sở vi phạm...

“Không thể để nhiều người ra đi vì kém hiểu biết, vì những người sản xuất ham lợi nhuận làm hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường. Phấn đấu không để xảy ra bất kỳ trường hợp ngộ độc rượu nào trong dịp Tết năm nay”, bà Tiến cho biết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.