Xã hội

Âm ỉ nỗi đau mang tên “thuốc thư”

16/01/2016, 15:06

Dù chỉ là thứ huyễn hoặc, ma mị nhưng “ma lai”, “thuốc thư” vẫn còn âm ỉ tồn tại trong đồng bào Tây Nguyên...

23
Cả gia đình ông Đinh Krih phải ròng rã 4 năm sống ở rừng vì sợ dân làng đánh đuổi

Nhiều người dân sống ở các buôn làng đã trở thành nạn nhân của hủ tục “thuốc thư” khi bị đánh thương tích, tử vong hoặc bị hắt hủi phải bỏ làng mà đi, sống trong rừng như con thú hoang.

Giết người vì nghi “thuốc thư”

Cuối tháng 8/2015, tại buôn Djret (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã xảy ra một vụ án cũng chính từ lời đồn ma mị “thuốc thư”. Chuyện bắt đầu từ cái chết của anh Kpă Vaih do mắc bệnh ung thư gan qua đời trước đêm xảy ra vụ án vài ngày.

4 năm trước, trong một lần say rượu, anh Kpă Phu người cùng buôn đã bực tức, dùng dao chém vào cầu thang nhà sàn của mẹ anh Vaih. Lúc ấy cả gia đình anh Vaih giận lắm! Ngàn đời nay ở làng Djret này chưa ai dám làm chuyện này cả vì như thế là muốn ám thị sẽ giết người, phạm vào luật làng…Sự việc được báo với già làng để phân xử. Sau khi nghe chuyện, già làng chỉ vào Kpă Phu mà nói: “Mày làm thế là có tội, làng phạt mày một con bò để làng cúng, cho mày biết sợ lần sau không tái phạm!”.

“Tôi đã nhiều năm công tác và sống với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng này. Nhiều lễ hội làng, đám ma, bỏ mả, phạt vạ…, người đồng bào thậm chí không có gì ăn nhưng rượu lúc nào cũng sẵn. Hết rượu ghè (rượu cần) thì người dân lại dùng rượu trắng, cứ như thế say sưa cả tháng. Và cũng bởi thế nhiều người hôm nay còn khề khà nói chuyện giữa làng, hôm sau đổ bệnh hoặc đột tử. Trong cuộc nhậu có to tiếng cãi vã và đánh nhau với ai thì người đó bị nghi là “bỏ bùa”, bỏ “thuốc thư”…”.

Thiếu tá Trần Đình Sự
Phó Đội trưởng Đội An ninhCông an huyện Kông Chro

Tưởng chừng sự việc đã đi vào quên lãng thì đến tháng 3/2015 lại xảy ra chuyện. Lúc này chị Nay H’Yêir (40 tuổi, vợ anh Phu) bỗng nhiên buông một lời nói úp mở với một số người ở buôn rằng: “Đến tháng 7, tháng 8, trong làng không phải đi làm cỏ mì nữa mà đến nhà Kpă Vaih có việc”. Sự trùng hợp ngẫu nhiên là đến nửa cuối tháng 8 thì bỗng nhiên Vaih đột tử vì bị ung thư gan. Ngày Kpă Vaih chết, cả làng ai cũng đến làm lễ tang. Trong cuộc rượu đám ma bỗng có người nhắc lại lời nói từ vợ của Kpă Phu ngày trước. Khi nghe kể, đám người nhà của Vaih giận lắm. Dưới sự chứng kiến của già làng, đám người này nói với Phu rằng, vợ mày bỏ “thuốc thư” làm thằng Kpă Vaih chết. Mày phải đền một con bò và làm nhà mả cho nó”. Lúc ấy cả nhà anh Kpă Phu biết là bị oan nhưng luật tục từ đời xưa để lại rồi. Nếu không đền thì làng sẽ khinh, sẽ đuổi… nên đành cắn răng nộp phạt.

Bò cũng đã nộp cho làng ăn, nhà mồ cũng đã làm rồi. Thế nhưng người làng vẫn xì xầm chuyện nhà anh Kpă Phu có “thuốc thư”. Nhất là đám thanh niên, mỗi lần người nhà của anh Kpă Phu đi ngang qua lại nhổ nước bọt: “Để nó sống nó hại làng. Rồi nhiều người chết nữa thôi”. Thế rồi đêm 24, rạng sáng 25/8, Nay Loang (26 tuổi) và Ksor Cheo (42 tuổi, cùng trú tại buôn Djret) muốn diệt cái “mầm thuốc thư”” nên đã hẹn nhau dùng đá ở suối đập vào đầu Kpă Phu làm anh này tử vong, sau đó vứt thi thể nạn nhân xuống sông. Chưa dừng lại, nhóm đối tượng còn lẻn vào nhà đánh trọng thương vợ và con anh Kpă Phu nhập viện.

Bỏ làng vì bị nghi ngờ có “thuốc thư”!

Một lần đi đánh cá ở suối, Đại úy Đinh Dơng, cán bộ công an huyện Kông Chro đã phát hiện ngôi nhà dựng tạm có hai người đàn ông và một bé gái đang sinh sống. Qua câu chuyện, Đại úy Đinh Dơng mới biết ông Đinh Krih (66 tuổi), Đinh Alếch (48 tuổi) và cháu Đinh Thị Danh (10 tuổi) đang phải “lánh nạn” nơi rừng sâu.

Cách đây 4 năm, nhiều người dân trong làng Tnùng 2 nhận làm công cho người hàng xóm. Trong bữa cơm tối, cùng uống rượu. Ông Đinh Uôt cho rằng hai anh em ông Krih và Alếch có “thuốc thư” đã hại dân làng này không khá lên được… Thế rồi ít hôm sau, ông Uôt bỗng nhiên đổ bệnh, người làng khẳng định chắc chắn nhà ông Đinh Krih có “thuốc thư”… Và cũng từ đó, người làng dồn sự nghi kị lên nhà ông Krih và Alếch. Ai cũng lo lắng, người già tụ họp tại nhà rông buồn bã, đám thanh niên thì giận ra mặt. Hễ có mặt người nhà ông Krih ở đâu là không ai dám tới gần bắt chuyện, xa lánh… Cũng chính sự im lặng và âm ỉ giận dỗi của người làng đã khiến lòng ông Krih không ngừng suy nghĩ: “Nếu ở lại nơi này, chắc hẳn sẽ không yên”. Thế rồi vào một đêm rét mướt, ông Krih nói với em ruột mình rằng: “Đêm nay mình đi thôi! Không ở làng nữa… sợ người làng đánh, sợ giết!”. Trong đêm tối, ông Krih mang rựa, gùi dẫn đường cắt rừng đi trước. Anh Alếch quấn bé Danh trước ngực, sau đeo gùi lủi thủi bước theo. Con bé lúc ấy chỉ mới tròn 4 tuổi nép vào ngực cha, cứ thế mà ngủ.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai đã xác định và bắt giữ Nay Loang (26 tuổi) và Ksor Cheo (42 tuổi, cùng trú tại buôn Djret) liên quan đến cái chết của anh Kpă Phu (43 tuổi, trú tại buôn Djret, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa). Qua điều tra của công an, việc các đối tượng giết người liên quan đến mâu thuẫn dẫn dắt từ câu chuyện “thuốc thư” ở trong làng này.

Từ cuộc sống sum vầy, nơi thường diễn ra các ngày lễ hội của làng, bỗng chốc cả 3 người vào rừng sống tách biệt. Người làng Tnùng 2 ai cũng biết cảnh hai người đàn ông và một cháu bé nheo nhóc sống ở rừng thiếu thốn đói rách, thế nhưng không dám can thiệp để họ về làng ở. Họ cứ im lặng như thế qua đi những ngày tháng. Đến tháng 10/2015, cán bộ và công an huyện Kông Chro sau khi phát hiện đã vận động dân làng và vận động cả gia đình này về làng để ở. Thiếu tá Trần Đình Sự, Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Kông Chro kể: “Trong buổi họp làng, chúng tôi nói với bà con nhiều lắm. Người làng thấy chúng tôi phân tích rồi họ nói cũng thương nhà ông Krih lắm. Mỗi người đã ủng hộ 1 ngày công, góp gạo để cùng Công an huyện dựng nhà, giúp anh em Krih ổn định cuộc sống. Bé Danh được đi học ở trường.”

Một ngày đầu năm, chúng tôi tìm về gia đình ông Krih trong ngày hội bỏ mả của làng. Ông Krih và em trai là Alếch cũng say cùng hội làng, Alếch nắm tay chúng tôi chặt lắm. Anh chỉ vào con bé Danh rồi nói: “Sống ở rừng tội nó lắm. Giờ được công an, chính quyền giúp đỡ với người làng thương nên nó có nhiều bạn, được đi học…, tôi vui lắm”, nước mắt anh Alếch lăn dài trong niềm vui.

Đại tá Lê Hoài Nam, Trưởng Công an huyện Kông Chro cho biết: “Công an huyện và nhiều cơ quan, ban, ngành và nhân dân đã giúp họ dựng lại căn nhà mới, cuộc sống đã dần ổn định, những nghi kỵ về “ma lai, thuốc thư” đã phần lớn được đẩy lùi”. Cũng theo công an huyện Kông Chro, từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ riêng công an huyện đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 7 vụ việc liên quan đến “ma lai, thuốc thư”, không để xảy ra tình hình phức tạp tại các thôn, làng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.