Thế giới giao thông

Ấn Độ: CSGT dùng gạch đánh người vì không đưa tiền hối lộ

13/05/2015, 07:45

Cảnh sát giao thông (CSGT) Ấn Độ vẫn bị coi là đối tượng tham nhũng, gây nhức nhối trong xã hội;

101

Ảnh cắt từ video quay cảnh viên cảnh sát dùng gạch tấn công người phụ nữ

Đòi tiền không được, đánh người

Ngày 11/5 trên trang India Times, đoạn video dài ba phút ghi lại cảnh một CSGT ở Thủ đô Delhi, Ấn Độ dùng gạch tấn công một phụ nữ do người này không chịu đưa tiền hối lộ khiến người xem không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ.

Tổ chức Minh bạch quốc tế (IT) đã từng đề xuất thành lập các văn phòng giao thông điện tử được kết nối trên toàn Ấn Độ, đăng kiểm và cấp phép trực tuyến, thống nhất các quy định về giao thông trên toàn quốc... Thậm chí, đã có cả trang web “I paid a bribe” (Tôi đã hối lộ) để thu thập những thông tin tham nhũng. Tuy nhiên, các nhà quan sát độc lập nhận định rằng để ngăn chặn vấn nạn này phải mất rất nhiều thời gian, không thể trong một sớm một chiều.

Anh Kamal Kant, 33 tuổi - lái xe cho văn phòng luật sư Tòa án tối cao Ấn Độ chứng kiến sự việc và quay đoạn clip trên chia sẻ: “Tôi đứng ở trạm tín hiệu giao thông chứng kiến một phụ nữ đèo hai trẻ em trên chiếc mô tô băng qua đường khi đèn tín hiệu vẫn chưa chuyển đỏ, nhưng CSGT khăng khăng rằng cô vi phạm luật vì cố gắng vượt đèn đỏ”.

Viên cảnh sát Satish Chand cáo buộc cô vi phạm quy định ATGT và yêu cầu cô đưa cho anh ta 200 Rupee (3 USD) tiền phạt mà không có biên lai. Khi không nhận được số tiền yêu cầu, viên cảnh sát to tiếng với người phụ nữ, rồi nhặt một viên gạch lên, hành hung nạn nhân, theo Hindustimes. Người phụ nữ cũng đã tố cáo viên cảnh sát bạo hành đứa con nhỏ của cô, chiếc xe máy cũng bị hư hỏng. Đại diện Ủy ban Phụ nữ Delhi (DCW) - Barkha S Singh tuyên bố sẽ yêu cầu một cuộc điều tra và đảm bảo có một hình phạt thích đáng.

Ông Mukesh Chander thuộc Sở Cảnh sát Delhi cho biết: “Nhận thấy mức độ nghiêm trọng trong hành vi tấn công phụ nữ bằng gạch, chúng tôi đã lập tức sa thải Satish Chand khỏi ngành. Thay mặt Sở Cảnh sát Delhi, tôi muốn gửi lời xin lỗi tới nạn nhân. Chúng tôi sẽ điều tra và làm rõ sự việc trên”. Đồng thời, Ủy viên Hội đồng thành phố Delhi - BS Bassi nói: “Cảnh sát trưởng đã bị đình chỉ. Tôi đã ra lệnh điều tra, vụ việc được coi là một án hình sự”.

Vấn nạn

Bộ trưởng Nội vụ Delhi - Satyendra Jain cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét kỹ vụ việc, bất cứ điều gì cần phải thực hiện sẽ được thực hiện”. Lâu nay, sự nhũng nhiễu của giới CSGT Ấn Độ khi làm nhiệm vụ diễn ra hàng ngày, khiến người dân bất bình.

Theo số liệu của CSGT Ấn Độ, số vụ vi phạm giao thông giảm đáng kể từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, thực tế số vụ TNGT xảy ra cao hơn số liệu của cảnh sát. Một trong những lý do là tình trạng tham nhũng. Anh Kamal Kant nói: “Theo những gì tôi được biết, thì những viên cảnh sát biến chất giữ lại 70% tiền phạt và chỉ nộp lại 30% cho ngân sách. Do đó, vạch trần tham nhũng trong hệ thống giao thông hiện nay là một việc cần thiết”.

Trước đây, tại bang Kolkata, giới vận tải đã từng tổ chức một cuộc đình công phản đối chuyện CSGT nhũng nhiễu. Một thành viên của Hội Khai thác vận tải Tây Bengal cho biết, mỗi tài xế xe tải phải trả tối thiểu 6 USD (300 rupee)/ngày. Trường hợp giấy tờ không hợp lệ, có thể lên đến 1 nghìn hoặc thậm chí 3 nghìn rupee. Vì vậy, mỗi năm, riêng Kolkata đã có 30 triệu USD “bốc hơi”. Nếu tính cả các thành phố lớn như: Mumbai, Delhi, Chennai, Bangalore và Hyderabad, cùng với khoảng 5.500 thành phố nhỏ và thị trấn khác thì số tiền hối lộ mỗi năm lên đến hàng tỷ USD.

Vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng tới mức, tờ Indian Times đăng một bức thư ngỏ của các cựu quan chức, nhân vật có uy tín thuộc mọi ngành nghề trong xã hội gửi Chính phủ, nhằm cảnh báo những nguy hại của vấn nạn này.

img

Hàng không Ấn Độ giảm nửa giá vé cho khách sơ tán khỏi Nepal

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.