Thế giới

Ấn Độ “đau đầu” cải tổ đường sắt

14/06/2016, 15:21

Mỗi ngày đường sắt Ấn Độ có 19.000 tàu phục vụ 23 triệu người và 3 triệu tấn hàng hóa.

Ấn Độ biến sân ga thành trung tâm thươn

Ấn Độ sở hữu hệ thống đường sắt lạc hậu nhất thế giới

Mỗi ngày đường sắt Ấn Độ có 19.000 tàu phục vụ 23 triệu người và 3 triệu tấn hàng hóa. Giới chức Ấn Độ từng ước tính, mỗi rupee chi cho ngành Đường sắt hiệu quả sẽ giúp mang đến lợi ích kinh tế tương đương 3,3 rupee. Có nghĩa là nếu đầu tư hiệu quả vào đường sắt, sẽ “bỏ 1 đồng, ăn 3 đồng”.

Biến nhà ga thành trung tâm thương mại

Thừa nhận tầm quan trọng của đường sắt trong phát triển kinh tế, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi muốn chi 8,5 nghìn tỷ rupee (124 tỷ USD) cho tới năm 2020 để xây dựng các tuyến đường sắt mới cùng các nhà ga hiện đại và tàu cao tốc đầu tiên tại Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ dự kiến sẽ hiện đại hóa 400 sân ga, biến các sân ga thành trung tâm thương mại, hứa hẹn sẽ mang đến cơ sở hạ tầng chất lượng như sân bay.

Chẳng hạn, sân ga sẽ có khu vực vào nhà ga riêng, nhà chờ lên tàu riêng, các điểm đón, trả khách, được kết nối với hạ tầng giao thông địa phương và phủ sóng wifi. Hiện nay, Ấn Độ đã hợp tác với Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Google xây dựng hệ thống wifi, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2017.

Đặc biệt, Ấn Độ còn có kế hoạch biến sân ga thành trung tâm thương mại và xúc tiến thử nghiệm tại một số sân ga. Tháng 5 vừa rồi, Tập đoàn quản lý hệ thống tàu điện ngầm Delhi Metro (DMRC) vừa chọn nhà ga tàu điện Dwarka Sector 8 phát triển thành trung tâm thương mại. DMRC sẽ được tái thiết để có không gian dành cho văn phòng, khu vực bán lẻ, nơi mọi người có thể mua sắm và ăn uống.

Tiền lệ “mèo lại hoàn mèo”

Kế hoạch là vậy, còn người dân Ấn Độ vẫn chưa dám “mơ mộng” nhiều về sự thay đổi sau nhiều dự án cải cách trước đó, đường sắt Ấn Độ bẩn vẫn hoàn bẩn và đông vẫn nguyên đông. Tờ Economist  cho rằng, chính sự độc quyền của Nhà nước trong điều hành đường sắt là nguyên nhân khiến đầu tư nhiều nhưng sự thay đổi của đường sắt “không hề nhúc nhích”.

So sánh với Trung Quốc để thấy rõ việc đầu tư không hiệu quả của Ấn Độ. Từ năm 1990, hệ thống đường sắt Trung Quốc không bằng của Ấn Độ về chiều dài. Nhưng, kể từ đó đến nay, sau chiến dịch cải thiện cơ sở hạ tầng quyết liệt, tổng chiều dài hệ thống đường sắt Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi (112.000 km), trở thành hệ thống dài nhất thế giới trong khi Ấn Độ vẫn “giậm chân tại chỗ” với 65.000 km.

Ngoài ra, xét về phân chia GDP (Tổng sản phẩm quốc nội), Trung Quốc đã đầu tư vào đường sắt gấp 3 lần Ấn Độ; Xét về đầu người, Trung Quốc đầu tư gấp 11 lần. Một vấn đề khác, Ấn Độ đánh thuế ngành Vận tải hàng hoá đường sắt rất cao để bù vào tiền trợ giá vé cho vận tải khách. Chính sách này khiến việc chuyên chở hàng hóa kém hiệu quả khi người ta chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường bộ gây ô nhiễm và tắc đường.  

Hiện nay, đường sắt chỉ chuyên chở 30% tổng lượng vận tải hàng hoá; Trong khi ở những năm 1970, con số này là 65%. Tiếp tục so sánh với Trung Quốc, vận tải than tới các nhà máy sản xuất nhiệt điện là nhiệm vụ quan trọng mà ngành Đường sắt ở cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đảm nhiệm. Nhưng tại Ấn Độ, chi phí vận tải than bằng ngành này cao hơn tại Trung Quốc và chạy chậm bằng 1/3. Do đó, Economist cho rằng, nếu Ấn Độ không thay đổi vấn đề ở tầm chiến lược này thì dù có cải cách đến mấy, đường sắt nước này vẫn khó “thay da đổi thịt”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.