Thế giới

Ấn Độ hiện đại hóa kho hạt nhân nhắm tới Trung Quốc

21/07/2017, 09:17

Chuyên gia Mỹ nhận định, trong bối cảnh địa chính trị giữa Ấn Độ - Trung Quốc - Pakistan biến chuyển phức tạp...

21

Ấn Độ đang phát triển tên lửa có thể nhắm tới mục tiêu tại Trung Quốc từ căn cứ quân sựở phía Nam Ấn Độ

Chuyên gia Mỹ nhận định, trong bối cảnh địa chính trị giữa Ấn Độ - Trung Quốc - Pakistan biến chuyển phức tạp, Ấn Độ đang tăng cường hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử nhưng lần này không nhắm tới mục tiêu truyền thống Pakistan, thay vào đó, tập trung vào hướng Trung Quốc.

Quan hệ Ấn - Trung căng thẳng trên nhiều mặt

Sở dĩ mục tiêu tăng cường kho vũ khí nguyên tử của Ấn Độ biến đổi vì cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang leo thang trên nhiều mặt. Đáng chú ý nhất, là mâu thuẫn đang gia tăng ở khu vực biên giới Sikkim giữa Ấn Độ - Bhutan và Trung Quốc. Những diễn biến gần đây khiến mối quan hệ hai nước rơi vào tình trạng căng như dây đàn. 

Từ trung tuần tháng trước, Trung Quốc liên tiếp đổ lỗi cho binh lính Ấn Độ vượt biên giới Sikkim. Mới đây, một bài bình luận trên tờ Global Times cho biết, dù Trung Quốc kêu gọi kiềm chế nhưng cảnh báo, nước này sẵn sàng đối đầu với Ấn Độ nếu xảy ra cuộc chiến trên vùng đất tranh chấp này.  

Là hai cường quốc hàng đầu châu Á, Bắc Kinh và New Delhi lâu nay cạnh tranh nhau để vươn lên vị trí số 1 về chính trị và kinh tế trong khu vực. Ở phương diện đối ngoại, Trung Quốc đang vượt mặt phương Tây, dần trở thành cường quốc có ảnh hưởng tới khu vực Kashmir.

Trong khi đó, về phần mình, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh gây tổn hại tới an ninh Ấn Độ và nước láng giềng Bhutan khi mở rộng cơ sở hạ tầng chiến lược gần sát khu vực biên giới. Cả hai bên đều phủ nhận cáo buộc của bên kia. Song, gần đây Trung Quốc thực hiện nhiều động thái quân sự, khiến không ít người lo ngại tình hình khu vực này có thể kích thích cho một cuộc xung đột quân sự giữa hai cường quốc hạt nhân ở châu Á. Điển hình, các lực lượng vũ trang Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận tại Tây Tạng bao gồm các hoạt động huấn luyện xe tăng, bắn súng cối, tên lửa, cách không xa nơi binh lính Ấn Độ đồn trú. 

Agni-I-EPS

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Agni I của Ấn Độ

Những động thái nêu trên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan ngày càng bền chặt. Tờ New York Times trích lời học giả nổi tiếng Trung Quốc Diêm Học Thông cho rằng “Pakistan là đồng minh thực thụ duy nhất của Trung Quốc trong tình hình thế giới hiện nay”.

Trong khi, khu vực Kashmir là nơi diễn ra tranh chấp gay gắt giữa Ấn Độ và Pakistan hàng chục năm nay, giờ lại bùng phát giữa lúc Trung Quốc - Ấn Độ đang mâu thuẫn.

Bất đồng thời gian này được cho là căng thẳng và nguy hiểm nhất kể từ trận chiến năm 1962 giữa Ấn Độ - Trung Quốc, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người, trong đó chủ yếu là binh lính Ấn Độ. 

Ấn Độ tăng cường kho hạt nhân, cải tổ quân đội 

Trong bối cảnh căng thẳng này, theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thay đổi chính sách mua sắm vũ khí, cho phép Lục quân mua các loại trang bị và đạn dược dùng cho chiến tranh khẩn cấp.

Phó tổng Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ có thể đặt mua trực tiếp 46 loại đạn dược và các loại phụ tùng cho 10 loại vũ khí như xe tăng chiến đấu bộ binh mà không phải thông qua các quá trình phê duyệt mua vũ khí thông thường. 

Thiếu tướng đã về hưu Gurmeet Kanwal nhận định: “Đây là một bước đi tích cực, nhanh chóng lấp đầy những thiếu hụt hiện có và rút ngắn thời gian thực hiện”. 

Không chỉ vậy, Ấn Độ đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo có thể nhắm tới mục tiêu tại Trung Quốc từ căn cứ quân sự ở phía Nam nước này - báo cáo mang tên “Lực lượng hạt nhân Ấn Độ 2017” do hai chuyên gia Hans M Kristensen và Robert S Norris đến từ Mỹ thực hiện, đăng trên Tạp chí điện tử After Midnight chỉ ra.

Agni-III-missile

Tên lửa đạn đạo Agni III của Ấn Độ

Báo cáo ước tính, Ấn Độ đã sản xuất 600kg plutonium cấp độ vũ khí, đủ để chế 150-200 đầu đạn hạt nhân. Song, theo hai tác giả, Ấn Độ không dùng hết số nhiên liệu này để sản xuất đầu đạn nguyên tử mà có thể chỉ sản xuất 120-130 đầu đạn để dự phòng.

Hai chuyên gia cho rằng, “nếu như trước kia Ấn Độ tập trung vào phòng tránh mối đe dọa từ Pakistan, thì việc hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân hiện nay cho thấy, họ tăng cường tập trung vào quan hệ chiến lược tương lai với Trung Quốc”.

Các chuyên gia lưu ý, Ấn Độ vừa không ngừng hiện đại hóa kho hạt nhân, vừa phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân mới.

Họ ước tính, New Delhi hiện khai thác 7 hệ thống có khả năng mang đầu đạn hạt nhân gồm: 2 loại máy bay chiến đấu, 4 loại tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và một tên lửa đạn đạo phóng từ biển. “Ít nhất 4 hệ thống nữa đang được hình thành.

Chương trình phát triển này đang trong giai đoạn tích cực, các tên lửa tầm xa phóng từ mặt đất hay biển có khả năng được triển khai trong 1 thập kỷ tới”, báo cáo cho hay. 

Theo ông Kristensen và ông Norris, hiện nay, Ấn Độ sở hữu tên lửa đạn đạo Agni-2 (Hỏa thần) sử dụng nhiên liệu rắn, ở giai đoạn hai, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn tấn công thông thường tầm với hơn 2.000km, có thể bắn các mục tiêu ở cả miền Tây, miền Trung và miền Nam Trung Quốc. Tới đây, Agni-4 của Ấn Độ sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu ở gần như khắp lãnh thổ Trung Quốc (bao gồm cả Thượng Hải, Bắc Kinh) từ khu vực Đông Bắc Ấn Độ. 

Thế nhưng, Ấn Độ sẽ chưa dừng lại, vẫn đang cố gắng phát triển một tên lửa tầm xa hơn nữa, sử dụng nhiên liệu rắn, ở giai đoạn ba, thuộc loại tên lửa đạn đạo cận xuyên lục địa, có khả năng đưa đầu đạn đi xa hơn 5.000km.

“Tầm xa được mở rộng sẽ cho phép quân đội Ấn Độ thiết lập các căn cứ của Agni-5 tại miền Trung và miền Nam Ấn Độ, dù cách rất xa Trung Quốc” nhưng vẫn đủ khả năng bắn đến bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ nước này - nghiên cứu cho hay.

VIDEO XEM THÊM:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.