Thế giới giao thông

Ấn Độ lấy đâu 124 tỷ USD nâng cấp đường sắt?

04/03/2016, 06:25

Chính phủ Ấn Độ đã tìm được giải pháp kiếm 124 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống đường sắt.

Đường sắt Ấn Độ già cỗi, lạc hậu nhất Châu Á
Đường sắt Ấn Độ già cỗi, lạc hậu nhất châu Á

Kế hoạch kiếm 124 tỷ USD

Để hiện đại hóa hệ thống đường sắt già cỗi nhất châu Á, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi muốn chi 8,5 nghìn tỷ rupee (124 tỷ USD) cho tới năm 2020 để xây dựng các tuyến đường sắt mới cùng các nhà ga hiện đại và tàu cao tốc đầu tiên tại Ấn Độ. Tuy nhiên, câu hỏi "Tiền ở đâu" là nỗi băn khoăn của toàn ngành Đường sắt Ấn Độ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Đường sắt Suresh Prabhu đã thông qua kế hoạch kiếm 124 tỷ USD cải thiện đường sắt bằng một gói các biện pháp như mở rộng loại hàng hoá vận tải, thu lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản trên cơ sở vật chất ngành đường sắt.

Ngoài ra, theo ông Suresh Prabhu, ngành Đường sắt sẽ tìm nguồn hỗ trợ tài chính từ các công ty đa quốc gia và trong nước, các doanh nghiệp liên doanh với nhà nước; Sử dụng chiến lược hợp tác công tư và phát hành trái phiếu rupee. Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ của Ấn Độ (LIC) đã đồng ý hỗ trợ tài chính 1,5 nghìn tỷ rupee trong 5 năm. Bộ Đường sắt Ấn Độ cũng hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn NTPC, Công ty thép Ấn Độ (SAIL) và Bộ Than của Ấn Độ để kêu gọi tài chính.

Bên cạnh đó, kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Đường sắt còn có một số điểm nhấn khác: Không tăng giá vé vận tải hành khách để giữ giá “hợp túi tiền” người nghèo; Sử dụng nguồn năng lượng mặt trời; Thành lập quỹ quốc tế và đa phương hoá…

Kế hoạch là vậy, tuy nhiên, các chuyên gia thế giới cho rằng, môi trường đường sắt tại Ấn Độ không đủ hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân. 

Hệ thống đường sắt già cỗi nhất Châu Á

Hệ thống Đường sắt Ấn Độ lớn thứ 4 thế giới, mỗi ngày vận tải lượng hành khách tương đương dân số Australia (23 triệu người). Tuy nhiên, hệ thống đường sắt của nước này luôn trong tình trạng tắc nghẽn, vô cùng lạc hậu từ thời thực dân Anh.

Nói hệ thống đường sắt Ấn Độ già cỗi nhất châu Á không ngoa vì đến nay nó đã 162 tuổi. Đây được coi là huyết mạch của kinh tế Ấn Độ, nơi đang tạo công ăn việc làm cho 1,3 triệu nhân công. Xét một khía cạnh khác, nếu Ấn Độ muốn mở rộng kinh tế, họ cần nguồn năng lượng rất lớn trong đó than là nhiên liệu quan trọng. Để vận tải than tới các nhà máy điện đồng nghĩa phải có thêm nhiều toa tàu chở than mới đáp ứng nhu cầu. Như Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Rakesh Mohan từng nhận định: “Hiệu suất vận tải than của ngành Đường sắt hiện ở mức rất yếu. Do đó, cải thiện hiệu suất vận tải than là điều cấp thiết”.

S.K Sahai - một doanh nhân sở hữu Công ty SKS Logistics than phiền: Chỉ mất 4 ngày để đưa container hàng từ Singapore đến Mumbai - quãng đường 2.400 hải lý (4.500km) trong khi phải mất 15 ngày cho chặng đường khoảng 870 dặm (1.400km) từ Mumbai đến New Delhi.

Theo S.K Sahai, do phải chờ đợi quá lâu, phí lưu kho đã khiến chi phí vận chuyển từ Mumbai đến New Delhi lên tới 840 USD/container, gấp 3 lần từ Singapore sang Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ nhiều lần thừa nhận, để phát triển kinh tế, trước hết phải tháo gỡ khó khăn cho 65.000 km đường sắt nước này. Cuối năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - bản thân cha ông là người bán trà ở sân ga - từng nhận định, Ấn Độ phải “đưa đường sắt tiến lên bởi khi đường sắt phát triển, đất nước mới phát triển”.

Không phải Ấn Độ không quan tâm săn sóc tới đường sắt của họ. Bằng chứng rõ ràng nhất, hầu hết các nước chỉ có một ngân sách Chính phủ hàng năm chi tiêu chia cho tất cả các ngành. Riêng Ấn Độ có hai: Một ngân sách riêng cho ngành Đường sắt và một ngân sách cho tất cả các ngành còn lại.

Dù vậy, đường sắt Ấn Độ vẫn lạc hậu, yếu kém? Nguyên nhân hàng đầu là do thói quan liêu của quan chức. Tờ Bloomberg trích lời một số chuyên gia cho biết, ngành Đường sắt Ấn Độ không chỉ làm chủ và vận hành đường ray, sân ga, tàu… mà còn cả trường học, bệnh viện, câu lạc bộ giải trí và khách sạn cho riêng ngành.

Ông Prem Kumar, Chủ câu lạc bộ British Gymkhana - thuộc quản lý của Bộ Đường sắt tiết lộ: Câu lạc bộ xây cả một phòng chơi billiard, một phòng họp rộng ghế sofa trắng họa tiết hình hoa và một màn chiếu phim lớn; Thậm chí cả bể bơi. “Tuy nhiên, câu lạc bộ này chỉ dành phục vụ riêng quan chức trong ngành”, ông Prem Kumar nhấn mạnh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.