Thế giới giao thông

Ấn Độ vay Nhật 12 tỷ USD làm tàu cao tốc: Lợi hay hại?

27/12/2015, 13:16

Một số chuyên gia cho rằng dự án tàu Shinkansen Mumbai-Ahmedabad không phải là một thỏa thuận thành công dành cho Ấn Độ.

tau cao toc
Nhiều chuyên gia lo ngại, đầu tư công nghệ quá đắt tiền cho quãng đường 500 km là không thực tế.

Ngày 13/12, Ấn Độ và Nhật Bản ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển vành đai đường sắt cao tốc sử dụng công nghệ tàu viên đạn Shinkansen nối Mumbai - Ahmedabad.

Dự án này ước tính lên tới 9.800 tỷ rupee (tương đương 14 tỷ USD), trong đó 12 tỷ USD là vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Bản ghi nhớ này được coi là thành tựu lớn sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Shinzo Abe.        

Tuy nhiên, thực tế lại khác hẳn. Theo ý kiến của một số chuyên gia, dự án tàu Shinkansen Mumbai - Ahmedabad không phải là một thỏa thuận thành công dành cho Ấn Độ mà chỉ là một món đồ chơi đắt tiền, một sự phân bổ sai lầm về nguồn lực vốn khan hiếm ở đất nước này và đại diện cho những lựa chọn ưu tiên không hề đúng đắn. Nhật Bản đã theo đuổi dự án này trong nhiều năm vì chỉ cần có được dự án đó, họ sẽ có cơ hội mở rộng thị trường cho công nghệ đắt giá của mình và tiếp tục vận hành dây chuyền sản xuất vốn thường xuyên nhàn rỗi.

Dự án được xúc tiến từ tháng 4/2005, trước chuyến thăm Ấn Độ của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Phía Nhật Bản đã vận động hành lang mạnh mẽ và họ tình cờ tìm được những đối tác rất ủng hộ nằm trong Cục Đường sắt và Bộ Ngoại giao Ấn Độ là RK Singh - người sau này trở thành Cục trưởng Cục Đường sắt và Rajiv Sikri, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, vấn đề khi ấy là dự án phải được bàn bạc tại Văn phòng Thủ tướng trước khi chính thức đưa vào chương trình nghị sự. Bất chấp việc RK Singh và Sikri ủng hộ mạnh mẽ việc cho phép triển khai dự án tàu cao tốc với lý do Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ, vẫn có ý kiến phản đối cho rằng, có nhiều dự án đường sắt khác cần được ưu tiên hơn và việc đầu tư 5 nghìn tỷ rupee (thời điểm 2005) vào tàu viên đạn sẽ là sự phân bổ sai lầm nguồn lực tài chính vốn hạn hẹp của đất nước.

Số phận dự án được định đoạt sau khi Jawed Usmani, thư ký của Thủ tướng, người phụ trách lĩnh vực kinh tế hỏi RK Singh rằng, liệu ông Singk có quyết định đầu tư 5 nghìn tỷ rupee vào dự án này không, nếu như tiền rót vào đó không phải từ khoản vay của JICA mà trích từ ngân sách của Cục Đường sắt. Ngay lập tức, RK Singh trả lời rằng, trong trường hợp đó, ông ta sẽ không lựa chọn đầu tư cho dự án tàu viên đạn. Điều này cho thấy, rõ ràng dự án này được vẽ ra không dựa trên nhu cầu cấp thiết của Ấn Độ mà dựa trên thực tế: Tiền của JICA dành cho dự án quá dễ lấy.

Vào thời điểm đó, giữa cuộc họp, Rakesh Mohan, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tuyên bố không ủng hộ dự án tàu viên đạn, kể cả khi người Nhật chấp nhận viện trợ tài chính thay vì cho vay ODA. Ông cũng cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chắc chắn dự án tàu viên đạn Mumbai - Ahmedabad đi vào hoạt động sẽ không bao giờ bù đắp được chi phí vận hành và cần trợ giá mãi mãi. Chính vì vậy, cuộc vận động cho dự án của người Nhật vào năm 2005 thất bại. Văn phòng Thủ tướng bác đề xuất sau khi bàn bạc kỹ.

Khoản vay dành cho dự án tàu viên đạn Shinkansen là khoản vay có ràng buộc chặt chẽ, buộc Chính phủ Ấn Độ phải mua công nghệ đắt tiền chỉ để thực hiện dự án đường sắt nối hai thành phố.

Dự kiến, hệ thống đường sắt này chỉ dài 500 km; Trong khi mạng lưới đường sắt toàn quốc dài tới 63 nghìn km, rất nhiều đoạn trong đó đã xuống cấp, nhiều khu vực hạ tầng cần ưu tiên đầu tư. Với nhiều chuyên gia phản đối thì 9.800 tỷ rupee lẽ ra phải được dành để rót vào những dự án gắn với nhu cầu thực tế của quốc gia, hơn là chỉ để tranh giành một vài hành khách đi từ Mumbai tới Ahmedabad và ngược lại với ngành Hàng không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.