Hạ tầng

An Giang: Mặt đường QL91 chưa có dấu hiệu dừng nứt

26/05/2020, 15:49

QL91, đoạn đi ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú tiếp tục xảy ra hiện tượng rạn nứt mặt đường.

img
Cách vị trí sạt lở cũ 80m, QL91 xuất hiện hiện tượng rạn nứt mặt đường

Ngày 26/5, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, nhiều ngày qua, QL91, đoạn đi ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú xảy ra hiện tượng rạn nứt mặt đường.

Vị trí xảy ra hiện tượng này nằm ngay ngã ba tuyến tránh QL91, cách nơi sạt lở hiện nay khoảng 80m. Các vết nứt có chiều rộng 3-5 cm, dài gần 30 mét và có nguy cơ sẽ tiếp tục mở rộng thêm.

“Tính luôn trong vùng đã bị sạt lở thì có 81 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nhà của các hộ dân này không nằm sát bờ sông Hậu mà nằm bên trong QL. Hiện nay chúng tôi đã thực hiện việc phân luồng giao thông thủy bộ, cắt cử lực lượng trực chiến 24/24. Còn việc di dời hộ dân thì do họ thấy chưa có cấp bách lắm nên vẫn còn 50/50. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang thuyết phục người dân di dời hết. Hiện huyện trình UBND tỉnh thành lập tuyến dân cư qua QL91 mới, bố trí tại đây 600 nền, ngoài ra, hiện huyện còn 60 nền nằm ở xã Bình Long và Cái Dầu hỗ trợ người dân tái định cư”, ông Nguyễn Thanh Lâm thông tin.

Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ QL91 đoạn xảy ra sạt lở do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn.

Theo UBND tỉnh An Giang, thời gian gần đây chế độ dòng chảy ở các sông lớn trên địa bàn tỉnh trong đó có sông Hậu chuyển sang chiều hướng phức tạp, thay đổi mang tính bất thường, khắc nghiệt hơn so với trước đây, dẫn đến tình trạng sạt lở xảy ra thường xuyên, tập trung ở các khu dân cư, đô thị, các tuyến giao thông huyết mạch gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất và tính mạng của người dân.

Đặc biệt, tháng 8/2019, tuyến QL91 đoạn qua xã Bình Mỹ tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, có đoạn sạt dài gần 30 m, ăn sâu vào nửa tim đường còn lại của QL, cuốn lớp nhựa đường và đất đá xuống sông Hậu.

Để khắc phục sự cố, Bộ GTVT đã lập Dự án đầu tư xây dựng kiên cố hóa sạt lở QL91, tổng kinh phí dự toán khoảng 500 tỷ. Thế nhưng sau đó, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ GTVT đã giao lại tuyến QL91 bị sạt lở cho tỉnh An Giang triển khai tiếp phần xử lý và kiên cố hóa đoạn có nguy cơ sạt lở dài hơn 2 km với tổng kinh phí trên 160 tỷ.

img
Hiện trường vụ sạt lở xảy ra vào ngày 20/8

Tuy nhiên, theo địa phương nếu chỉ xử lý và kiên cố hóa đoạn sạt lở trên thì không đảm bảo lâu dài. Bởi chiều rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3 km bị thắt hẹp còn khoảng 300 mét so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600 mét, làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói bờ. Cạnh đó, công trình bảo vệ bờ QL91 làm giảm thêm tiết diện mặt cắt ướt dòng chảy, làm tăng thêm nguy cơ xói lở. Do đó, để xử lý đoạn sạt lở cần chỉnh trị dòng chảy.

Cũng theo UBND tỉnh An Giang, khi dự án được cho phép xã hội hóa, địa phương sẽ tiến hành nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn bị thắt hẹp còn khoảng 300 m so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600 m. Đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án, đền bù đất bãi bồi bờ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân và nạo vét mở rộng dòng chảy kết hợp tận thu cát.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.