Tự ý hoán cải
Những ngày cuối tháng 12 tại cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình), hàng chục chiếc tàu du lịch nằm neo đậu tại đây, trong đó, nổi bật là chiếc tàu số 01 tên Mạnh Lâm, được chủ tàu thực hiện hoán cải năm 2019.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Hồng Mạnh, chủ tàu cho biết, chiếc tàu được hoán cải từ tàu chở hàng theo phương thức dân gian, đến khi đăng kiểm không được chấp thuận do không có thiết kế.
Khoảng 65% phương tiện thủy nội địa ở Hòa Bình chưa được đăng kiểm do không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Trong khi đó, ông Trần Văn Chí, chủ tàu khác tại cảng Bích Hạ cho biết thêm, du lịch tâm linh tại hồ Hòa Bình diễn ra sầm uất từ 5-6 năm gần đây, cũng từ đó, tàu du lịch xuất hiện nhiều hơn. Người có điều kiện thì đóng mới, người ít tiền hơn thì hoán cải tàu chở hàng thành tàu chở khách, chi phí lên đến hàng tỷ đồng (đóng mới) và vài trăm triệu đồng (nếu hoán cải).
“Các tàu hoán cải đa số tự đóng không theo thiết kế được Cục Đăng kiểm VN phê duyệt nên không đáp ứng quy định để được đăng kiểm”, ông Chí nói và cho biết, trước đây, tại khu vực cảng Bích Hạ có 2 xưởng đóng tàu hoạt động trên bè nổi, nhưng theo Thông tư 15/2022 của Bộ GTVT, các xưởng này không đủ điều kiện hoạt động khiến việc cải tạo tàu lại thêm khó khăn.
“Nếu cải tạo tại đây vẫn sẽ không được kiểm định mà đưa tàu xuống nơi được cấp phép cải tạo, đóng mới thì cách xa hàng chục km và phải “xếp hàng” chờ đến lượt, sẽ lỡ hết mùa du lịch”, ông Chí nói.
Cũng theo các chủ tàu, theo quy định, các tàu phải lắp đặt thiết bị AIS (hệ thống nhận dạng tự động của tàu thuyền) để đảm bảo an toàn và là điều kiện để được đăng kiểm.
Tuy nhiên, chi phí lắp đặt khá lớn, từ 15-17 triệu đồng/thiết bị trong khi tại Hòa Bình, hạ tầng trạm bờ AIS và VHF vẫn chưa hoàn thiện.
Không cấp đăng kiểm phương tiện không an toàn
Theo báo cáo của Sở GTVT Hòa Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 260 phương tiện vận tải thủy nội địa chở khách, chủ yếu hoạt động trên khu vực hồ Hòa Bình, đa số các tàu có niên hạn sử dụng trên 10 năm.
Trong đó, có 91 tàu còn hạn đăng kiểm, 70 tàu trước đây đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ một trường (ATKT&BVMT) có thiết kế ban đầu là chở hàng, chở khách, hoặc vừa chở hàng hóa và hành khách, sau đó hoán cải lại thành tàu chở khách.
Quá trình hoán cải chủ phương tiện không sử dụng hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định mà tự ý hoán cải dẫn tới làm sai lệch so với hồ sơ ban đầu nên không đủ điều kiện cấp lại Giấy chứng nhận ATKT & BVMT.
Còn 99 tàu chưa được đăng kiểm do các cá nhân, tổ chức tự ý đóng mới, không có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định.
Để khắc phục, nhiều chủ tàu đã thuê Công ty CP Kỹ thuật và Phát triển công nghệ hàng hải Việt Nam (Vitechco) lập hồ sơ thiết kế tàu hoán cải để gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt.
Theo đại diện Công ty Vitechco, chuyện vướng mắc trong đăng kiểm tàu du lịch ở hồ Hòa Bình đã diễn ra nhiều năm nay. Việc lập hồ sơ thiết kế cho các chủ tàu do công ty thực hiện diễn ra từ năm 2016-2018, trong đó, nhiều hồ sơ đã được duyệt nhưng khi gửi lại các chủ tàu hoặc trao đổi thì không ai “mặn mà” nhận lại để sửa chữa do chi phí hoán cải theo đúng thiết kế tốn kém hơn nhiều so với tàu hiện tại (đã được hoán cải theo phương thức dân gian).
Ông Đinh Quốc Vinh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1, Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Nguyên tắc của đăng kiểm là an toàn, do đó, không thể cấp đăng kiểm cho phương tiện nếu không đảm bảo”.
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy tại Hòa Bình, trong văn bản gửi Cục Đăng kiểm VN, Sở GTVT Hòa Bình đã đề nghị Cục báo cáo, đề xuất Bộ GTVT miễn giảm hoặc gia hạn việc trang bị thiết bị AIS cho các phương tiện hoạt động trên vùng hồ Hòa Bình; ban hành quy định áp dụng cho vùng SIII là vùng hồ kín, chiều cao sóng chỉ khoảng 0,6m.
Theo Sở GTVT Hòa Bình, hồ Hòa Bình là vùng hồ nước ngọt kín, nơi có điều kiện mặt nước tĩnh, ít chịu tác động của gió bão, chiều cao sóng không quá 0,6m.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ quy định 3 vùng nước mà tàu được phép hoạt động, trong đó, cấp tàu SII là cấp tàu hoạt động tại các sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá có chiều cao sóng lớn nhất là 1,2m (có thể gấp 2 lần chiều cao sóng tại vùng hồ Hòa Bình) dẫn tới để đáp ứng quy định là khó khăn.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, đang báo cáo và xin ý kiến Bộ GTVT về việc gia hạn thời gian trang bị thiết bị AIS đối với các phương tiện phải lắp đặt cho đến khi hạ tầng trên bờ tại địa bàn hồ Hòa Bình đáp ứng được yêu cầu.
Hiện nay, tại Quy chuẩn QCVN 25:2015/BGTVT đã có quy định về vùng SIII, Cục ĐKVN cũng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT để bổ sung vùng SIII nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại địa phương.
Để có cơ sở xác định vùng hồ Hòa Bình thuộc cấp SIII, Cục đề nghị Sở GTVT Hòa Bình cung cấp số liệu thống kê về khí tượng thủy văn để làm căn cứ xác định, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Đăng kiểm số 1 ngoài lịch cố định đăng kiểm vào thứ 5 hàng tuần tại khu vực lòng hồ Hòa Bình, vào các đợt cao điểm hoặc ngay khi có yêu cầu của chủ phương tiện, sẽ tiếp nhận và bố trí đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo Đội CSGT Đường thuỷ, Phòng CSGT Hòa Bình, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã lập biên bản xử phạt 32 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thuỷ với số tiền gần 116 triệu đồng, trong đó chủ yếu là lỗi liên quan đến đăng kiểm phương tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận