Chất lượng sống

Ẩn họa từ kính áp tròng

09/11/2016, 09:25
image

Từ lâu nay, kính áp tròng vẫn được cảnh báo nguy cơ rủi ro khi sử dụng không đúng cách.

cẩn trọng với kinh áp tròng (1)

Lạm dụng kính áp tròng dễ dẫn tới nguy cơ mù lòa đôi mắt

 Từ lâu nay, kính áp tròng vẫn được cảnh báo nguy cơ rủi ro khi sử dụng không đúng cách. Tuy nhiên, các ca bệnh viêm nhiễm mắt, sẹo giác mạc, khiến giảm thị lực, thậm chí mù lòa vì kính áp tròng vẫn tiếp diễn.

Sẹo giác mạc vì… kính áp tròng

Mới đây, chị Nguyễn Thanh Th. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm đến cơ sở y tế khi thấy mắt mình nhức, nhìn mờ. Chị Th. rất bất ngờ khi bác sỹ khám và cho biết, bên mắt trái của chị có nhiều chấm trắng đã hình thành sẹo khiến thị lực giảm không thể phục hồi. Theo lời chị Th. gần đây chị bỏ đeo kính áp tròng chỉ sau vài lần mắt bị sưng, đỏ nhưng chị tự điều trị tại nhà. Thấy thuyên giảm nên chị cũng bỏ qua không đi khám. “Bác sỹ bảo nếu mình đi khám sớm, được điều trị ngay thì đã không thành sẹo giác mạc, vẫn còn cơ hội phục hồi thị lực. Giờ thì muộn quá rồi”, chị Th. cho biết.

Tương tự, chị Trần Thị Q. (Hà Đông, Hà Nội) cũng bị loét giác mạc vì đeo kính áp tròng nhiều lần, không đúng cách khiến vi khuẩn tấn công vào giác mạc làm mắt luôn bị cộm, đau. Tuy nhiên, chị Q. may mắn hơn khi đến bệnh viện khám sớm nên các chấm loét trắng đã được điều trị kịp thời, chỉ còn lại vết mờ, không để thành sẹo trong mắt.

Theo BS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Khúc xạ, BV Mắt T.Ư, những tình huống trên thường gặp ở những người tự mua kính áp tròng sử dụng mà không được sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa mắt. “Không phải ai cũng dùng được kính áp tròng, do vậy trước khi đeo kính, bác sỹ sẽ khám xem mắt bạn có thích hợp hay không. Chưa kể việc trong quá trình đeo và tháo kính thường xuyên, chỉ cần vô ý cũng có thể làm trầy xước mắt, hoặc mắt dễ bị nhiễm nấm, vi khuẩn, virus từ dung dịch rửa kính”, BS. Hiền cảnh báo.

Chia sẻ với Báo Giao thông, BS. Lê Ngọc Chính, Khoa Mắt, BV Đa khoa Hà Đông cho biết: “Trường hợp bệnh nhân tới khám mắt vì nguyên nhân từ kính áp tròng không phải hiếm. Bệnh nhân bị viêm nhiễm giác mạc là thường gặp nhất. Thậm chí có bệnh nhân đến khám khi thấy thị lực giảm sút mà không biết rằng nguyên nhân là do việc dùng kính áp tròng gây nên sẹo giác mạc”.

Tuyệt đối không dùng nếu không có chỉ định

Theo khuyến cáo của BS. Ngọc Chính, nhược điểm của kính áp tròng chính là hiện tượng yếm khí dễ dẫn đến viêm loét giác mạc hay nấm, từ đó sẽ gây sẹo giác mạc… Chính vì vậy, kính áp tròng không được khuyến nghị sử dụng liên tục, ngay cả với kính thuốc. Tuy nhiên, hiện việc sử dụng kính áp tròng vì mục đích “thời trang” lại khá phổ biến. “Điều đáng nói, nhiều trường hợp đeo kính áp tròng liên tục, lâu ngày nên xảy ra tình trạng vi sang chấn mắt. Người đeo kính áp tròng đôi khi thấy cộm, khó chịu ở mắt, thường nhỏ chút nước muối có thể thấy dễ chịu hơn nên hay bỏ qua. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần thì bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra. Bởi, những vết xước không được điều trị ngay có thể thành sẹo giác mạc, làm giảm thị lực không hồi phục”, BS. Chính khuyến cáo.

Tương tự, BS. Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm, bệnh nhân cần lưu ý đến việc lựa chọn kính áp tròng, nhất là hiện nay, thị trường kính áp tròng không được kiểm soát chặt chẽ. Việc dùng kính kém chất lượng, dễ khiến người dùng bị khô mắt, gây loét giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực. Theo khuyến cáo của BS. Hiền, trước khi quyết định đeo kính áp tròng cần đi khám bác sỹ chuyên khoa mắt để xem có được chỉ định dùng kính không.

Tuyệt đối không tùy tiện dùng kính khi chưa có chỉ định. Bên cạnh đó, ngoài những vấn đề vệ sinh chung như hướng dẫn (ngâm, rửa kính áp tròng trong dung dịch chuyên dụng), việc luôn đảm bảo bàn tay sạch khi thao tác đeo, chỉnh kính cũng cần được chú trọng. “Nếu bàn tay bẩn sờ vào kính rồi đưa lên mắt sẽ dễ dàng khiến vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập vào mắt. Mặt khác, không nên đeo kính áp tròng trường diễn mà hãy đeo xen kẽ với kính gọng để giảm bớt những nguy cơ rủi ro cho đôi mắt”, BS. Hiền cho biết.

Kính áp tròng thường chỉ sử dụng trong ba trường hợp: Bệnh nhân bị tật khúc xạ, bệnh nhân phải mang kính áp tròng trong khi điều trị bệnh về mắt và kính thẩm mỹ dùng trong trường hợp mắt bệnh nhân có sẹo hoặc bị thương tổn. Bệnh nhân đều phải được khám mắt tổng quát, đo độ cong giác mạc, tình trạng khúc xạ, kiểm tra tình trạng khô mắt... theo tư vấn của bác sỹ chuyên khoa".                

BS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt T.Ư

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.