Xã hội

Ẩn họa từ nước ngọt có gas

16/06/2014, 06:20

Nước ngọt là đồ uống yêu thích của nhiều người trong mùa hè, tuy nhiên, việc lạm dụng nước ngọt, nhất là nước ngọt có gas có thể mắc các bệnh: Béo phì, loãng xương, hỏng men răng, tiểu đường…

Lạm dụng nước ngọt là nguyên nhân gây béo phì ở trẻ
Lạm dụng nước ngọt là nguyên nhân gây béo phì ở trẻ


“Mát miệng, hại thân”


Đó là lời cảnh báo của bác sĩ ở Viện Dinh dưỡng dành cho chị Hồng Nhung (quận Ba Đình, Hà Nội) khi chị đưa cậu con trai tên Bảo đi khám. Mới lên 6 tuổi nhưng bé Bảo đã cân nặng xấp xỉ 40kg. Là cháu nội duy nhất, nên Bảo rất được chiều chuộng. Thấy cháu “mê” nhất là các loại nước ngọt có gas như Cocacola, Pepsi, 7 up… nên ông bà nội mua đầy nhà để cu cậu mặc sức uống. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì của Bảo, do đó từ giờ, Bảo cần tuyệt đối “nói không” với nước ngọt.
 

Theo công trình nghiên cứu của Đại học Harvard Mỹ thì trong nước ngọt có axitd photphoric, chất này tạo phản ứng với cani của cơ thể dễ gây cho chị em tình trạng loãng xương. Còn các nhà khoa học của bệnh viện Tata Memorial (Mỹ) nói mới đây đã tìm ra bằng chứng về mối đe dọa từ nước uống có ga đối với căn bệnh ung thư thực quản. 

PGS.TS. Lê Bạch Mai - Viện phó Viện Dinh dưỡng cảnh báo, nước uống có gas là đồ uống có đường sục khí CO2 bão hòa tạo cảm giác cay nồng cho người uống và đặc biệt là cảm giác thỏa cơn khát, nên người tiêu dùng rất thích, thậm chí uống nhiều hơn mức cần thiết. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, khi trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas, sẽ gây ra tình trạng thiếu canxi, vitamin A. Bởi cho dù trẻ được bố mẹ bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nhưng nếu uống quá nhiều nước ngọt có gas sẽ dẫn đến sự đào thải canxi, vitamin A nhanh qua nước tiểu. Trong nước ngọt còn có hàm lượng đường cao, do đó cơ thể sẽ hấp thu lượng lớn đường này dẫn đến béo phì. Điều này thường xảy ra với những ai vừa uống nước ngọt có gas nhiều, vừa ít vận động, ít chơi thể thao... 

Trong khi đó, béo phì lại là “tiền đề” nguy cơ tiểu đường và các bệnh về tim mạch. Không những vậy, nước ngọt do có các chất chứa axit còn làm mòn lớp men bảo vệ răng, làm cho răng yếu đi và dễ bị mẻ. Nước ngọt có gas còn gây tình trạng no giả tạo. Uống nước này nhiều sẽ kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, gây tê liệt làm tiêu hóa không tốt, dễ đau bụng, tiêu chảy.

Tăng thuế để hạn chế tiêu dùng


Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, trước những nguy cơ gây bệnh của nước ngọt, đặc biệt là với nước ngọt có gas, một số nước như Anh, Thụy Điển đã bắt buộc nhà sản xuất in trên vỏ chai, vỏ lon dòng cảnh báo không nên sử dụng đối với phụ nữ có thai, cho con bú hoặc trẻ em. Đồng thời, cũng đã có hơn 50 nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có gas, đặc biệt là các nước châu Âu. 


Ngay cả những nước láng giềng của Việt Nam như Campuchia, Thái Lan cũng đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại nước uống này. Hiện, trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đã đưa nước ngọt có gas vào danh mục mặt hàng áp thuế 10% nhằm mục đích định hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bàn cãi xung quanh vấn đề này. 


Trước khi ngã ngũ việc nên hay không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với loại hình này, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng cần chủ động, tránh lạm dụng nước ngọt để tự bảo vệ sức khỏe của mình. 


Còn đối với trẻ em, theo bà Lê Bạch Mai, việc cấm hoàn toàn trẻ uống nước ngọt có gas khá khó khăn, tuy nhiên, người lớn vẫn phải kiểm soát, chỉ nên cho trẻ uống nước ngọt ở xa bữa ăn, với lượng vừa phải và lưu ý không nên uống hàng ngày. Tốt nhất, không nên “tập” cho trẻ uống loại nước này vì nó rất bất lợi với sức khỏe của trẻ.

Vũ Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.