Thời sự

Ăn thịt thú rừng, nguy cơ Ebola "ăn thịt" người

05/09/2014, 09:40

Vận chuyển thú rừng với số lượng lớn từ rừng về phố thì khó, nhưng xé lẻ gửi theo xe khách lại "dễ như trở bàn tay".

TIN LIÊN QUAN

Những đêm tối trên một số tuyến đường Tây Nguyên thú rừng được bày bán công khai
Những đêm tối trên một số tuyến đường Tây Nguyên thú rừng được bày bán
công khai


Xé lẻ, đi đêm


Cuối tháng 8 vừa qua, tại TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi được một anh bạn đãi thịt rừng. Trên bàn ăn, nào chồn, thỏ rừng, lợn rừng được chế biến đủ món hấp dẫn, nhưng chủ tiệc vẫn phàn nàn rằng cả ngày nay đi hỏi các mối mua tê tê mà không có. Thấy vậy, một người khách tên Tú nhấc điện thoại, khoảng nửa giờ sau đã có người mang tới hai con tê tê để đãi khách.

Tú khoe: “Hàng cấm đó, chỉ mối thật tin tưởng họ mới dám bán”, rồi gọi điện giới thiệu cho tôi một người tên Thiện có số điện thoại 0944551.... Sau một hồi “xào” điện thoại làm tin,Thiện mới cho tôi biết cần thịt gì cũng có, nhưng đôi khi phải đợi vài ba ngày, nên muốn chắc ăn thì nên đặt trước. Thiện giải thích, thịt rừng chủ yếu được săn bắt tại Campuchia, sau đó được đưa theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam và được cất giấu tại một số trang trại, khi nào có nhà hàng thân quen gọi, hoặc người quen đặt hàng thì được điều động đến. 
 

"Virus Ebola có thể lây từ vật sang người. Động vật được xác định là vật chủ mang virus là dơi, cụ thể ở đây là dơi quạ ăn quả lây nhiễm sang vượn, khỉ hay lợn và từ đó mang virus Ebola tới con người. Vậy nên, để phòng tránh Ebola, chúng ta không nên ăn thịt động vật hoang dã cũng như các loại thịt sống”.

 

TS. Trần Đắc Phu
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Tôi đặt vấn đề mua một vài loại thịt thú rừng, càng hiếm càng tốt, nhưng phải chuyển xuống Đà Nẵng làm quà, Thiện dặn: “Anh cứ về Đà Nẵng đến địa chỉ quen, thích gì em sẽ điều hàng xuống cho”.

Thấy tôi có vẻ băn khoăn, Thiện bảo: “Xe khách giường nằm từ Buôn Ma Thuột chỉ mất một đêm, sáng sớm hôm sau có mặt tại Đà Nẵng. Anh mua nhiều thì khó, nhưng nếu mua từ 5kg thịt trở xuống em sẽ đóng thùng xốp, ướp đá gửi xuống cho”.

Thiện cho biết thêm, bất kỳ con gì cũng phải làm thịt, đóng thùng đá gửi nhỏ lẻ mới dễ, để nguyên con còn sống gửi đi khó qua mặt kiểm lâm. Không chỉ tại Đắk Lắk, thịt rừng từ Gia Lai về xuôi cũng quá dễ dàng. Nhân dịp nghỉ lễ ngày 2/9, tôi được người bạn tại TP Huế mời nhậu, món chính là thịt nai.

Bạn khoe quen một chủ xe khách tên Luôn, có số điện thoại 0984.952… chuyên chạy tuyến Pleiku (Gia Lai) đến Cửa khẩu Lệ Thanh. Mỗi khi cần thịt gì, bạn lại nhờ Luôn mua giúp từ Cửa khẩu Lệ Thanh sau đó đóng thùng xốp gửi xe khách chạy tuyến Gia Lai - Huế, sau một đêm là tới liền.

Tâm sự với chúng tôi, một chủ xe khách chạy tuyến Đắk Lắk - Huế nói: “Thực ra, gần như không bao giờ chủ xe tháo các thùng hàng của hành khách ra để kiểm tra. Cho nên, lỡ có người gửi độ 5 kg thịt thú rừng mình cũng chẳng biết. Và họ gửi lẻ tẻ như vậy, các trạm kiểm lâm trên dọc tuyến họ cũng chẳng để ý”.

Không chỉ đóng hàng gửi theo xe ô tô, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, cứ buổi chiều tối, rất nhiều tuyến đường từ Tây Nguyên về miền xuôi có nhiều bàn bán thịt rừng ngay bên đường. Từ Tây Nguyên về Đà Nẵng điểm bán nhiều nhất là đoạn QL14 qua huyện Nam Giang, tại TT-Huế đoạn QL49 thịt rừng được bày bán ngay ngã ba cầu Tuần giáp với QL1, cách TP Huế chưa đầy 10 km, còn tại Quảng Trị được bày bán trên QL9 qua huyện Cam Lộ.

Nguy cơ lây nhiễm chéo 


Trước thói quen, sở thích ăn thịt thú rừng của nhiều người, ông Đỗ Quang Tùng - Giám đốc cơ quan CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế về các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) cảnh báo, cần cẩn thận với các loại thú nói chung, vì virus Ebola có thể lây qua động vật, từ động vật có thể sang người. Trong khi mầm bệnh có thể lây từ nước này qua nước kia rất nhanh.

Chẳng hạn, động vật có mầm bệnh từ châu Phi nhập về từ Lào, rồi từ Lào có thể sang Việt Nam, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chính vì vậy, người dân không nên ăn uống, mua bán những sản phẩm, loại động vật hoang dã như tinh tinh, vượn, linh dương, nhím, lợn rừng... Đồng thời, các cơ sở gây nuôi, vườn thú, trại nuôi cá nhân, người nuôi động vật cũng cần sẵn sàng biện pháp phòng dịch. 


Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, hiện chưa có bằng chứng về virus Ebola lưu hành trên động vật hoang dã ở Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập không loại trừ. Chính vì vậy, công tác phòng chống nhập lậu động vật hoang dã được giao cho Bộ NN&PTNT chỉ đạo triển khai.  

Trong khi đó, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, lâu nay Việt Nam không nhập từ các nước ở châu Phi đang có dịch Ebola. Hiện cơ quan này vẫn phối hợp chặt chẽ để kiểm soát chặt việc trên, đặc biệt là nhập lậu, nếu nhập lậu, bắt buộc phải tiêu hủy. 

Văn Tư - Vũ Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.