Bạn cần biết

Ăn thịt trâu bò gác bếp có lây nhiễm bệnh than?

19/10/2014, 06:59

Khi vi khuẩn gây bệnh than biến thành nha bào, nó có thể tồn tại trong đất, nước, cây cỏ hàng chục năm và "tấn công" con người. Về lý thuyết, thịt trâu bò gác bếp chưa được xử lý đúng cách...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

3 đường lây nguy hiểm

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, nha bào than có ở nhiều trong đất, cát, cây cỏ. Vi khuẩn than từ những con vật bị chết khi chôn xuống đất, vi khuẩn biến thành nha bào và tồn tại trong đất rất nhiều năm và gây bệnh ngược lại cho trâu bò, gia súc khi ăn phải cỏ nhiễm nha bào gây bệnh.

Khi trâu bò, gia súc bị bệnh than nó có thể lây truyền cho người qua 3 con đường.

Con đường đầu tiên phải kể đến là do tiếp xúc trực tiếp qua da. Với những người giết mổ, chăm sóc con vật bị bệnh than, mầm bệnh xâm nhập qua các vết xước trên da. Sau khi nhiễm vi khuẩn than từ 3 - 5 ngày, trên da người bệnh đầu tiên chỉ xuất hiện nốt mụn không ngứa, không đau. Nhưng sau đó 1 - 2 ngày nốt mụn này sẽ hình thành nốt phỏng, vỡ rồi đóng thành vảy cứng, lan rộng xung quanh.

"Ở thể bệnh này, tùy từng cơ địa, có những người bệnh dù không điều trị bệnh cũng dần cải thiện. Tuy nhiên một số trường hợp các nốt phỏng lan ngày càng rộng hơn, từ đó có thể gây nhiễm trùng máu, nhiễm độc nặng và tử vong. Với thể bệnh này, nếu không điều trị tử vong ước tính 20%. Điều trị, tỉ lệ tử vong là dưới 1%", BS Cấp cho biết.

Đường lây thứ hai gặp khá phổ biến là qua đường tiêu hóa, do người bệnh ăn sản phẩm súc vật bị bệnh chưa được nấu chín. với thể bệnh này, sau 2 - 5 ngày ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn than, người bệnh bị sốt, trướng bụng, đau bụng, đi ngoài phân đen như bã cà phê. Bệnh gây nên tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng có thể tử vong 20 - 60% nếu không điều trị.

Đường lây thứ 3 là do hít phải nha bào từ con vật ốm, hiếm gặp hơn hai thể trước đó. Theo đó, bệnh có nguy cơ gặp ở những người làm công nhân xử lý lông súc vật, hít phải quá nhiều nha bào từ con vật ốm, hít phải quá nhiều nha bào do đào bới nơi chôn lấp súc vật chết bệnh.

Khi hít phải nha bào, người bệnh diễn biến cấp tính nặng, sau 1 – 3 ngày hít phải bệnh nhân sốt, ho khan đau ngực. có thể có mệt mỏi, đau cơ, sau đó bệnh nhân tiến triển nhanh khó thở, suy hô hấp, nhiễm trùng , nhiễm độc và có thể tử vong.

Đáng nói, ở thể bệnh này tỉ lệ tử vong rất cao, vẫn có thể xảy ra dù được điều trị do diễn biến bệnh rất nhanh.

Mối nguy từ "thịt gác bếp" không rõ nguồn gốc

Theo BS Cấp, tuy nguy cơ lây sang người rất lớn, nhưng căn bệnh nguy hiểm này hoàn toàn có thể phòng ngừa. Qua tiếp xúc, khi chăm sóc, mổ thịt trâu bò ốm bệnh cần có phương tiện bảo hộ đúng quy định. Khi là vi khuẩn, vi khuẩn than tương đối yếu, nấu ở nhiệt độ 60 độ vi khuẩn than chết trong vòng từ 15 - 20 phút đun sôi. Còn khi nó biến thành nha bào, thời gian sống lâu hơn, đun sôi ở nhiệt độ 100 độ từ 10 - 12 phút nha bào than mới chết.

“Đây là nguy cơ khiến bệnh than dễ dàng lây lan bởi nếu nấu sôi vài ba phút thì không đủ thời gian để giết chết nha bào bệnh than”, BS Cấp nói.

BS Cấp cho biết thêm, trên thế giới đã có những báo cáo về những trường hợp lây bệnh qua thịt hun khói. “Còn tại Việt Nam, món ăn khoái khẩu của nhiều người là thịt trâu, bò trâu gác bếp chưa có báo cáo nào liên quan, nhưng về lý thuyết, xử lý để thịt tươi sống trên gác bếp nhiều năm không không giết được nha bào, bởi nha bào gây bệnh than có thể sống đến 20 năm. Hơn nữa, món trâu gác bếp thường xé ăn trực tiếp, không nấu lại nó cũng là con đường nguy cơ lây bệnh.

Đáng nói, khi đã ở thành phẩm rất khó xác định sản phẩm nào từ con vật mắc bệnh. Vì thế, để món ăn này an toàn, việc phòng ngừa, phát hiện sớm con vật bị bệnh, giám sát tiêu hủy chặt chẽ là rất quan trọng, không để người dân dùng thịt của những con vật bệnh chế biến thành món ăn này”, BS Cấp nói.

Thực tế, đã có vụ dịch than xảy ra tại Lai Châu trước đó, khi người dân đào xác con vật chết vì bệnh than lên xẻ thịt ăn. Điều này rất nguy hiểm vì ngoài nguy cơ mắc bệnh trực tiếp từ những người ăn, xẻ thịt con vật, thì vi khuẩn than có nguy cơ phát tán trong giết mổ, theo nguồn nước ra ngoài môi trường, biến thành nha bào và tồn tại rất lâu.

Rất may mắn, căn bệnh này vẫn rất đặc hiệu với kháng sinh nên với hầu hết các vụ dịch nhỏ thường điều trị tại chỗ. Tuy nhiên, riêng với thể bệnh lây qua hô hấp, bệnh diễn biến nhanh nên phải phát hiện sớm mới điều trị hiệu quả.

Các ca mắc bệnh than đều do sử dụng thịt gia súc mắc bệnh chết

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, trong những năm gần đây tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên và mới đây nhất là Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh than.

Tại Hà Giang, trước khi xảy ra ổ dịch trên người với 9 trường hợp mắc bệnh thì đã xảy ra bệnh than trên gia súc từ đầu tháng 9. Tất cả các bệnh nhân này đều được xác định có tiếp xúc, ăn thịt gia súc mắc bệnh chết.

Để chủ động và tăng cường phòng chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng đã có Công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh than, lấy mẫu bệnh phẩm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, tập trung vào các khu vực có ổ dịch đang hoạt động và nơi có ổ dịch cũ.

 

Theo Hồng Hải/Dân trí

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.