Thời sự

An toàn hàng hải trên biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng

15/05/2014, 06:28

"Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền Việt Nam mà còn cản trở hoạt động hàng hải quốc tế trên toàn bộ hành lang hàng hải ở Biển Đông"

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc cắt hướng mũi tàu của Cảnh sát biển Việt Nam
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc cắt hướng mũi tàu của Cảnh sát biển Việt Nam

Tự do đi lại trên biển của nhiều nước đang bị uy hiếp 


Với tư cách Chủ tịch Hội Người đi biển VN, ông có thể cho biết biển Đông có vị trí như thế nào với các tuyến hàng hải quốc tế?


Trong ngành Hàng hải nói chung và vận tải biển nói riêng, biển Đông có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Biển Đông nằm trên tuyến huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Nhiều tuyến vận tải đường biển quan trọng trên thế giới như tuyến: Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; Đông Á đi Úc, Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á... đều liên quan đến Biển Đông. Có thể nói, tuyến vận tải qua biển Đông là nơi nhộn nhịp nhất nhì thế giới hiện nay.
 

Theo quy định của Luật Biển Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo. Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Riêng tại khu vực Đông Nam Á cũng có hàng trăm cảng biển lớn nhỏ, trong đó có những cảng lớn và hiện đại nhất thế giới như cảng Singapore và Hồng Kông. 

Thống kê cho thấy, hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, cùng đó là khoảng hơn 80 tàu các loại cùng máy bay, thiết lập một vùng cấm đi lại trong bán kính nhiều hải lý ảnh hưởng thế nào đến hoạt động hàng hải tại vùng biển quan trọng này?


Tôi có thể khẳng định ngay, hành động ngang ngược này của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn cản trở hoạt động hàng hải quốc tế trên toàn bộ hành lang hàng hải ở biển Đông. Theo Luật biển quốc tế, trong vùng công hải, tàu biển được đảm bảo tự do hàng hải. Thử tưởng tượng trong vùng biển mà có tới 80 tàu các loại trong đó 7 tàu quân sự có hộ vệ tên lửa và tuần tiễu tiến công nhanh, cùng nhiều tàu hải giám, tàu hải cảnh, tàu cá, chưa kể máy bay hộ tống, thì các tàu khác sao có thể yên tâm đi lại. Rõ ràng tự do đi lại trên biển của nhiều nước đang bị uy hiếp.
 

TS. Chu Quang Thứ nhận định, sự tự do đi lại trên biển Đông của nhiều nước đang bị uy hiếp
TS. Chu Quang Thứ nhận định, sự tự do đi lại trên biển Đông của nhiều nước đang bị uy hiếp


Cộng đồng người đi biển thế giới hãy lên tiếng


Ông cho biết quan điểm riêng của Hội người đi biển VN về vấn đề này?


Hội Người đi biển VN đã có tuyên bố phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 và nhiều tàu các loại vào hoạt động trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Hành vi này vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, gây ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải và làm ảnh hưởng tới an toàn hàng hải trong khu vực.


Hội Người đi biển VN kêu gọi cộng đồng những người đi biển trên toàn thế giới lên tiếng bảo vệ công lý, lên án những hành động đơn phương, ngang ngược của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải và gây nguy cơ mất an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực biển Đông, một địa bàn quan trọng của giao thương và hàng hải quốc tế.

Trong bối cảnh này, theo ông, chúng ta cần làm gì?


Người Việt Nam chúng ta vốn yêu chuộng hòa bình. Trên thực tế, hành động của Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật Biển 1982 và chúng ta hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam. 

Cảm ơn ông!

Thanh Bình

(Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.