Điều tra

Án tử cho hung thủ vụ thảm sát ở Bình Phước?

12/07/2015, 07:08

Theo luật sư, kẻ chủ mưu vụ thảm sát Bình Phước chắc chắn sẽ chịu mức hình phạt là tử hình.

nghi-can-chinh-thuc-1054
Nguyễn Hải Dương (trái) và Vũ Văn Tiến tại cơ quan điều tra. Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp.

 Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định trên báo Đời sống Pháp luật: “Những lời khai ban đầu của hai đối tượng này phù hợp với các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên hai đối tượng này sẽ bị khởi tố về hai tội danh là tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự và tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 133 Bộ luật hình sự”.

“Theo đó, khung hình phạt thấp nhất là 12 năm tù và cao nhất là tử hình. Với thông tin như hiện nay thì đối tượng Nguyễn Hải Dương gần như chắc chắn phải chịu mức hình phạt cao nhất là án tử hình. Còn với vai trò là người giúp sức, tạo những điều kiện thuận lợi để Dương thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì Tiến sẽ phải đối mặt với án tù chung thân hoặc 12 đến 20 năm tù.”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Nhận định thêm về vụ án mạng, Luật sư Cường cho hay: “Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ sự thỏa thuận, bàn bạc, phân công của hai đối tượng này trước khi thực hiện hành vi phạm tội nhằm xác định vai trò của từng đối tượng làm căn cứ để tòa án quyết định tội danh, mức hình phạt.”

Vụ án này cũng cần làm rõ xem ngoài hai đối tượng gây án đã bị bắt, còn có đồng phạm khác nữa hay không để tránh bỏ sót tội phạm.

Trao đổi trên Tri Thức Trẻ, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, với những thông tin mới được công bố về hai nghi can này thì cơ quan điều tra đã có thể khởi tố bị can về tội giết người.

“Ở đây, theo thông tin, hai đối tượng này đều sinh năm 1991 nên không có dấu hiệu nào của tình tiết dưới độ tuổi vị thành niên. Và với hành động dã man mà các đối tượng này gây ra thì cơ quan điều tra đã có thể khởi tố bị can về tội giết người theo quy định tại điều 93 của Bộ Luật hình sự và định khung cao nhất là tử hình”, luật sư Hòe nói.

Theo thông tin trên báo Kiến Thức, Luật sư Mạc Kính Thi, Công ty Luật Lincon & Brothers, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi của hai bị can trên có đầy đủ yếu tố cấu thành 2 tội danh: "Giết người" - theo Điều 93 và "Cướp tài sản" – Điều 133 Bộ luật Hình sự với tổng hợp mức hình phạt cao nhất cho hai tội danh này là “Tử hình”.

BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Điều 93. Tội giết người. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 20 Bộ Luật hình sự: Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Điều 133. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến  mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.