Thế giới giao thông

Anh quyết xây tuyến đường sắt đắt nhất thế giới

20/02/2020, 06:36

Kế hoạch HS2 gây tranh cãi tại Anh suốt hơn chục năm qua vì nhiều nghi ngại tác động đến môi trường và chi phí xây dựng.

img
Anh muốn xây đường sắt cao tốc kết nối Thủ đô London với Đường hầm Channel, cho phép tàu chạy với tốc độ hơn 400km/h

Chính phủ Anh vừa ký thông qua một thỏa thuận đường sắt cao tốc đã bị trì hoãn từ cách đây 1 thập kỷ, bất chấp việc chưa đạt được thỏa thuận vì giá thành quá lớn.

Tìm đến Trung Quốc để giải quyết bài toán chi phí?

Dự án Đường sắt cao tốc 2 (High Speed 2 - HS2) được công bố lần đầu tiên vào năm 2009 dưới thời chính phủ do Đảng Lao động đứng đầu nhưng phải mãi đến nay, sau nhiều cuộc tranh cãi, Chính phủ Anh mới đi đến quyết định thông qua kế hoạch này.

Phát biểu trước cuộc họp nội các tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Chính phủ của ông đã “quyết liệt khi đưa ra quyết định này nhằm lan tỏa thịnh vượng ra toàn quốc”.

Hiện nay, tuyến đường tàu cao tốc duy nhất kết nối Thủ đô London với Đường hầm Channel (nơi nối nước Anh với Pháp) là HS1, được đi vào hoạt động từ năm 2003. Với dự án HS2, đường tàu mới cần phải cho phép tàu chạy với tốc độ tới 250 dặm/h (tương đương hơn 400km/h).

Kế hoạch HS2 gây tranh cãi tại Anh suốt hơn chục năm qua vì nhiều nghi ngại tác động đến môi trường và chi phí xây dựng. Ngân sách Chính phủ năm 2015 đã chốt chi phí xây dựng HS2 chỉ dưới 56 tỷ bảng Anh (tương đương 72,3 tỷ USD) nhưng, một báo cáo nghiên cứu độc lập mới rò rỉ chỉ ra chi phí có thể đội lên gấp đôi (khoảng 106 tỷ bảng Anh).

Để giải quyết vấn đề tài chính, Thủ tướng Anh Johnson cho biết, ông sẽ bổ nhiệm một Bộ trưởng dành toàn thời gian để quản lý và chỉ đạo dự án HS2, thúc ép tiến độ dự án cũng như giám sát chi phí xây dựng. Giai đoạn 2 của tuyến đường này sẽ kết nối Birmingham với Leeds và Manchester nhưng phải đến năm 2035 mới hoàn tất.

Theo một số nguồn tin như Financial Times hay AFP, Chính phủ Anh đã tổ chức nhiều cuộc bàn bạc sơ bộ với Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) để hợp tác xây dựng dự án.

Một quan chức Bộ Giao thông Anh xác nhận thông tin này và khẳng định, Anh luôn nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, cân nhắc những giải pháp để làm sao tận dụng tiền đóng thuế của người dân một cách hợp lý nhất. Theo nguồn tin này, Anh và Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ quyết định nào chắc chắn.

Trước đó, trong một lá thư do CRCC viết gửi tới giới chức đường sắt Anh và được Tạp chí Building đăng tải, tập đoàn này khẳng định có thể xây dựng dự án đường sắt này sớm hơn dự kiến 5 năm với mức giá thấp nhất.

Tranh cãi sâu sắc

Một nhóm vận động hành lang phản đối dự án này mang tên STOP HS2 cho rằng, dự án đường sắt này thực chất tập trung quá nhiều vào London và nhắm đến kết nối một khu vực của Tây Bắc London - nơi được các nhà phát triển đánh giá là đã chín muồi về dịch vụ tài chính và khó có thể mở rộng thêm. Trong khi đó, các khu vực khác ở Anh cần phát triển lại bị bỏ ngỏ.

Cũng theo nhóm này, đường sắt cao tốc sẽ làm phá hủy mạnh mẽ môi trường tự nhiên, đi xuyên qua rừng gỗ cổ, phá hủy các nguồn dự trữ tự nhiên và gần 700 điểm hoang dã đã được phân loại.

Nhà quản lý Chiến dịch STOP HS2, ông Joe Rukin cho rằng, những đơn vị có thể dành được hợp đồng chế tạo đường ray này biết chắc chắn chi phí dự án sẽ tăng và khẳng định, đường sắt này chắc chắn sẽ trở thành dự án đắt đỏ nhất trong lịch sử Anh.

HS2 không chỉ gây chia rẽ trong dư luận nước Anh mà còn cả trong Chính phủ bảo thủ của vương quốc này. Trong đó, nhiều nghị sĩ nhận được những ý kiến phản đối từ người dân sống trong những khu vực bị ảnh hưởng vì đường sắt chạy qua.

Tuy nhiên, ở quan điểm của phía Chính phủ, thực hiện HS2 chính là hiện thực hóa một trong những lời hứa của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển ở khu vực Đông Nam nước Anh sau khi vương quốc này ra khỏi liên minh châu Âu. Kinh tế Anh đang gặp rất nhiều khó khăn trong thúc đẩy tăng trưởng.

Mới đây, theo số liệu chính thức, nước Anh đã “giậm chân tại chỗ” trong 3 tháng cuối năm 2019. “Không hề có sự phát triển trong quý cuối năm 2019 khi các ngành dịch vụ và xây dựng đứng yên còn ngành sản xuất đặc biệt là ngành môtô hoạt động ngày càng yếu”, ông Rob Kent-Smith, người đứng đầu Văn phòng Thống kê quốc gia về sản phẩm quốc nội cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.