Tâm sự

Ánh sáng cuối đường hầm của những người có HIV

02/11/2017, 09:07

Nỗi đau lớn nhất của những người bị nhiễm HIV là khi bị người đời và chính gia đình kì thị, xa lánh.

14

Vợ chồng Vinh - Quyên kể về cuộc đời thấm đẫm nước mắt khi mang trong mình căn bệnh HIV

Nỗi đau mang tên HIV

Sau khi chồng mất, mẹ con chị Lê Thị Thanh (SN1979, trú xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), phải gánh chịu sự xa lánh, hắt hủi của anh em, làng xóm khi không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV.

Lần theo hồi ức, năm 2002 chị Thanh yêu và bén duyên với anh Lê Văn Vân người xã bên. “Tình yêu mà, gia đình càng ngăn cấm thì chúng tôi lại quấn quýt nhau hơn. Thấy người ta xì xào, bàn tán nhiều, tôi cũng có hỏi nhưng anh một mực bảo không bị “H”. Vì yêu nên tôi rất tin anh”, chị Thanh tâm sự. Vượt qua tất cả, 2 năm sau, chị Thanh lên xe hoa về nhà chồng, rồi hạnh phúc như nhân lên gấp bội khi họ chào đón cô con gái xinh xắn dễ thương. Hàng ngày anh đi lái xe thuê, còn chị mở tiệm may nhỏ tại nhà. Cuộc sống tuy còn khó khăn, vất vả nhưng trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Năm 2006, trong lúc chạy xe anh Vân không may bị tai nạn nguy kịch. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy anh Vân dương tính với HIV. “Lúc này tôi như suy sụp hoàn toàn, tôi không dám tin vào sự thật, nhìn đứa con bé bỏng đang khát sữa mà lòng tôi quặn thắt”, chị Thanh nghẹn ngào.

"Trên địa bàn huyện có 217 người nhiễm HIV đang được điều trị và cấp thuốc ARV tại trung tâm, trong đó có 84 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Những người nhiễm HIV/AIDS rất cần sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng. Như vậy, họ mới vượt qua được sự mặc cảm, kỳ thị để sống có ích cho xã hội”.

Ông Vi Văn Ái
Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp (Nghệ An)

Sau khi chồng mất được 49 ngày, chị đưa con gái đến Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp để xét nghiệm HIV. Cầm kết quả trên tay, chị như chết lặng khi nhận hung tin mình dương tính với HIV, còn cô con gái thật may mắn không lây căn bệnh thế kỷ từ bố mẹ. “Khi biết tôi bị nhiễm HIV từ chồng, tất cả mọi người đều xa lánh. Trước đó, người ta còn mang quần áo đến sửa nhưng khi nghe tin chồng tôi chết vì HIV, họ mang quần áo về hết. Thậm chí, con gái đi học cũng bị bạn bè kỳ thị, hắt hủi và xa lánh vì sợ bị lây nhiễm HIV. Lúc đó, tôi phải đưa kết quả xét nghiệm của bệnh viện thì họ mới yên tâm”, chị Thanh ngậm ngùi.

Cùng cảnh ngộ, chị Ngô Thị Quyên (SN 1978, trú bản Lè, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), cũng không may bị lây HIV từ chồng. Sau khi kết hôn Quyên mới phát hiện chồng nghiện ma túy. Gần đến ngày sinh, chị đến bệnh viện khám thì bất ngờ phát hiện mình bị căn bệnh quái ác HIV. Theo yêu cầu, chồng cũng phải xét nghiệm, đau đớn hơn khi kết quả anh bị HIV giai đoạn cuối. “Khi biết mình và chồng nhiễm HIV tôi suy sụp hoàn toàn, rồi bị gia đình ghẻ lạnh, khinh bỉ kiến tôi mất hết ý chí, niềm tin vào cuộc sống”, chị Quyên nói.

Nỗi đau chồng lên nỗi đau khi đứa con là niềm hi vọng cuối cùng cũng bỏ chị mà đi khi chưa tròn 3 tháng tuổi, không lâu sau đó chồng cũng lìa trần thế. “Còn nỗi đau đớn nào hơn cùng lúc mất chồng, mất con vì HIV. Rồi nhà trường cũng xuống vận động tôi nghỉ dạy. Trong chốc lát tôi mất sạch cả gia đình lẫn tương lai…”, chị Quyên nói trong nước mắt.

Vươn lên để sống có ích

Lúc tột cùng đau khổ, mất hết hi vọng, mất đi niềm tin vào cuộc sống thì chị Quyên được các anh, chị trong Hội tình nguyện viên HIV của Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp giúp đỡ. “Kể từ đó, tôi nhận thấy mình không đơn độc trong cuộc chiến với thần chết HIV/AIDS”, chị Quyên nói.

Được tư vấn, chị Quyên được trung tâm cho theo học lớp tập huấn ngắn hạn tại TX Cửa Lò về điều trị HIV. Tại đây, chị đã gặp và quen anh Nguyễn Thành Vinh (SN 1975, trú TP Vinh). Cùng cảnh ngộ, nên hai người đồng cảm, quấn quýt nhau từ lúc nào không hay. Vượt qua tất cả sự kỳ thị của người đời, anh Vinh và chị Quyên đã quyết định đến với nhau mặc cho sự phản đối kịch liệt của hai bên gia đình nội - ngoại. Rồi đám cưới cũng diễn ra, tuy không nhạc, không xe hoa rầm rộ nhưng thật đặc biệt và cảm động. “Cả hai chúng tôi thấy mình thật may mắn. Tuy hạnh phúc đến muộn màng nhưng tôi không còn cô đơn trong thế giới này nữa”, chị Quyên tâm sự.

Sau đám cưới, anh Vinh quyết tâm thoát khỏi “nàng tiên nâu” để làm lại từ đầu. Hàng ngày anh chị sống quanh quẩn với ruộng đồng, hưởng cuộc sống bình yên nơi biên viễn. Thấy những người nghiện ma túy, nhiễm HIV sống vất vưởng anh không đành lòng. Sau nhiều đêm trằn trọc, anh bàn với vợ phải giúp những người nghiện ma túy, nhiễm HIV tái hòa nhập cộng đồng. Nói là làm, anh Vinh cùng vợ lên mạng internet tìm kiếm các tài liệu, sách báo hướng dẫn cách phòng, chống HIV cho chính bản thân và những người xung quanh. Rồi hai vợ chồng đi mọi ngõ ngách gom nhặt kim tiêm mà những người nghiện dùng vứt bừa bãi. Sau đó, đến từng nhà có người nghiện để phát kim tiêm mới, bao cao su, vận động cai nghiện. “Lúc đầu, mới đi phát bơm kim tiêm, người nhà họ nghĩ mình tiếp tay cho những người nghiện. Tuy nhiên, sau khi mình giải thích dùng riêng bơm kim tiêm, sinh hoạt tình dục an toàn là cách tốt nhất phòng chống lây nhiễm HIV, thì họ mới tin tưởng”, anh Vinh nói.

Năm 2008, hai vợ chồng Vinh - Quyên đã đứng ra thành lập nhóm “Vì ngày mai tươi sáng Quỳ Hợp”. Từ đây, căn nhà nhỏ của vợ chồng anh chị trở thành nơi sẻ chia, giúp đỡ những nạn nhân HIV trong đó có chị Lê Thị Thanh. Kể từ năm 2009, chị Thanh và những thành viên trong nhóm được điều trị ARV tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp. “Đã lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác được trải lòng, được khóc như một đứa trẻ. Nhờ những lời động viên sẻ chia của các thành viên trong nhóm mà tôi thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Giờ đây, tôi chỉ mong mình khỏe mạnh để nuôi con gái khôn lớn trưởng thành”, chị Thanh trải lòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.