Trong nước

Ánh viên từ con rạch đến đường đua quốc tế

20/02/2015, 07:51

"Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên đã và đang là một báu vật của bơi lội Việt Nam.

431
Nguyễn Thị Ánh Viên

Từ con rạch Ba Cau đến đường đua quốc tế…

Nhà Ánh Viên ở ấp Ba Cau (xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP.Cần thơ), nơi những dãy đất quanh co uốn lượn, cùng con nước hiền hòa của dòng sông quê. Cũng trên dòng sông ấy, có một đứa trẻ cứ ngày ngày lại ra tập bơi, trước khi tạo nên câu chuyện "cổ tích diệu kỳ" trong làng bơi lội.

Cha mẹ của Ánh Viên đều là nông dân, cuộc sống dù vất vả quanh năm, nhưng cũng chỉ đủ ăn đủ mặc. Do bận công việc đồng áng, nên mỗi ngày cha mẹ phải để Ánh Viên ở nhà cho ông bà chăm nom. Ngày đó, con rạch Ba Cau trước nhà tuy nhỏ, nhưng mỗi khi lũ về, dòng nước trở nên "hung dữ".

Sợ Ánh Viên đuối nước, nên mọi người dạy cô bé tập bơi. "Lúc nhỏ, con bé rất hiếu động và hay nghịch nước. Để an tâm, tui dạy cháu nó bơi, vừa bỏ xuống nước, con bé đã kêu la inh ỏi: Ông nội ơi con sợ quá, cứu con với! Nó sợ co hết chân tay và kiên quyết đòi lên bờ. Thế mà, chỉ gần bốn ngày, cháu nó có thể tự bơi được". Ông Nguyễn Văn Tới (80 tuổi), ông nội cũng là người dạy cho Ánh Viên những động tác bơi đầu tiên nhớ lại.

Thấy cháu mình bơi được những động tác đầu tiên mạnh mẽ, nhanh nhẹn hơn so với những đứa con, cháu khác trong gia đình, ông Tới rất vui mừng. Riêng Ánh Viên luôn chăm chỉ, chú ý lắng nghe hướng dẫn của ông từng chút một. Chính những bài học "vỡ lòng" đó đã giúp cô bé vùng quê sông nước tiến bộ từng ngày, rồi trở nên nổi tiếng khắp xóm, được người dân gọi là "rái cá” của làng.

"Thấy con đi xa và tập luyện cực khổ nên gia đình cũng trăn trở nhiều phần, nhưng nghĩ lại ở môi trường huấn luyện đó con mình trở nên mạnh mẽ và thành người thì là chuyện tốt. Nhớ con thì mình đi thăm rồi cũng quen dần”.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng

Đến khi Ánh Viên học lớp năm, được nhà trường chọn thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) cấp huyện. Để có được thành tích xuất sắc cho lần thi đấu đầu tiên, Ánh Viên tự bỏ công "khổ luyện" trên dòng sông trước nhà. Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (mẹ Ánh Viên) kể: "Ngày nào cũng vậy, sau khi đi học về là Ánh Viên xuống sông tập bơi một mình. Thấy con tắm lâu hơn so với thường ngày tui la dữ lắm, nhưng thấy con mình quyết tâm quá, nên cả nhà không la rầy nữa, mà ngược lại còn ủng hộ".

Do luyện tập từ nhỏ, nên người Ánh Viên rất săn chắc, phát triển đều, đặc biệt là sải tay rất dài nên đạt được những thành tích ấn tượng trong cuộc thi cấp huyện. Sau đó, Ánh Viên được chọn thi đấu HKPĐ cấp thành phố. Thời gian này, đội tuyển bơi lội của Trung tâm TDTT Quốc Phòng 4 (Quân khu 9) vừa mới thành lập, họ đã cử các tuyển trạch viên đi khắp nơi để xem "giò cẳng" các VĐV nhí, và Ánh Viên đã lọt vào "tầm ngắm" của họ.

Ông Nguyễn Văn Tác (cha của Ánh Viên) nhớ lại: "Hồi đó, mấy anh ở trung tâm nhiều lần đến nhà vận động. Lúc đầu, ai cũng băn khoăn vì Ánh Viên còn nhỏ quá. Sau nhiều lần bàn tới bàn lui, thấy môi trường luyện tập ở đó rất tốt, lại gần nhà, nên mọi người đã quyết định cho cháu vào đội bơi, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê của cháu, không gì ngăn cản được".

Mẹ Ánh Viên chia sẻ thêm: "Nhà và trung tâm cách nhau không xa nên chuyện học hành không gặp trở ngại, vả lại gia đình có thể đến thăm khi nhớ con. Việc tập luyện cực nhọc, khó khăn nhưng mỗi lần về nhà không bao giờ cháu nó than vãn. Trước khi đi cháu còn nhắn nhủ là sẽ cố gắng phấn đấu để gia đình không phải làm việc cực khổ nữa. Thời gian đó gia đình cũng khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào việc nương rẫy. Lúc con đi học và tập luyện gia đình cũng cố gắng hết sức để hỗ trợ cháu về mặt tinh thần lẫn vật chất để cháu được yên tâm mà phấn đấu cho tương lai", mẹ Ánh Viên nói.

Thượng tá Bùi Quang Nghi, Giám đốc Trung tâm TDTT Quốc Phòng 4 kể: Những ngày mới về trung tâm, Ánh Viên chỉ là một cô bé gầy còm, ốm yếu, tóc hoe vàng vì cháy nắng. Em ít nói nhưng rất hiền lành và dễ hòa đồng với mọi người. Ánh Viên bắt đầu luyện tập tại trung tâm từ năm 2007, và nhanh chóng bộc lộ những phẩm chất của một "thiên tài" bơi lội.

"Ánh Viên có ưu điểm vượt trội là sải tay dài và cơ thon. Ngoài ra, có một điều rất đặc biệt là độ nổi của em rất tốt, gần như xuống nước là không bị chìm. Mỗi lần dùng chân đạp vào thành hồ bơi một cái, là độ lướt nước của Ánh Viên luôn hơn hẳn người bình thường", Thượng tá Bùi Quang Nghi cho hay.

Trong quá trình luyện tập, Ánh Viên nhiều lần được cử đi thi đấu tại các giải đấu theo nhóm tuổi và khu vực để cọ sát. Thật bất ngờ Ánh Viên liên tiếp gặt hái nhiều thành công, và nổi lên như một hiện tượng trong làng bơi lội khi đó. Đặc biệt, trong năm 2011, tại giải bơi lội các nhóm tuổi vô địch toàn quốc, Ánh Viên đã xuất sắc giành 10 HCV/10 cự ly đăng ký. Mẹ Ánh Viên nhớ lại: "Hồi đó, cháu nó chạy về nhà mang theo tấm huy chương khoe khắp nơi làm ai cũng mừng rơi nước mắt. Tội nghiệp con bé, cố gắng bao năm trời đã gặt hái được thành quả".

Những thành tích ấn tượng đó đã hoàn toàn thuyết phục các tuyển trạch viên của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam. Sau đó, Ánh Viên được triệu tập vào Đội tuyển bơi lội Việt Nam. Đến tháng 1/2012, Ánh Viên được đưa đi tập huấn tại Mỹ, sau đó, phá ba kỷ lục SEA Games, rồi liên tiếp giành được nhiều chiến tích vang dội cho đến tận hôm nay…

432

Ông Nguyễn Văn Tác - cha của Ánh Viên luôn tự hào về những thành tích mà con gái mình đã đạt được

Ði bơi xây nhà cho mẹ

Một dịp rất tình cờ và may mắn, chúng tôi gặp được Ánh Viên khi cô về thăm nhà những ngày cuối năm. Anh Viên cho biết, mọi thời gian hàng ngày đều dành cho việc tập luyện, thi đấu, nên một năm Ánh Viên chỉ về nhà đôi ba lần để sum họp cùng gia đình. "Mỗi lần thi đấu và giành được huy chương, em không biết nói gì hơn ngoài sự vui mừng. Điều khiến em hạnh phúc là những thành tích của mình đã góp phần làm rạng danh nền thể thao quê nhà. Ngoài chuyên môn, với em, gia đình là nguồn động viên không thể thiếu. Em luôn lấy đó làm động lực để bước tiếp cho sự nghiệp của mình", Ánh Viên chia sẻ.

Mẹ Ánh Viên cho biết thêm: "Về nhà Ánh Viên chỉ quây quần bên gia đình và thăm nội ngoại chứ không đi đâu hay làm gì khác. Cháu nó thích món vịt xào gừng nên mỗi lần về là kêu tôi nấu cho ăn".

Ánh Viên có tính tự lập, tiết kiệm từ nhỏ, lại rất hiếu thảo, nên số tiền dành dụm được từ những thành tích bơi lội, tiền lương hàng tháng, Ánh Viên đều gửi về nhà cho gia đình. Vì vậy, cuộc sống của gia đình nữ kình ngư này giờ đây đã bớt khó khăn.

Cũng nhờ vào những số tiền dành dụm của Ánh Viên, cuối năm 2011 vừa qua, gia đình cô đã cất được ngôi mới khang trang. "Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc trồng đu đủ, rau, nhờ con gửi tiền về mà vợ chồng tui có thêm vốn để đầu tư trồng cam sành (1.400 cây) và vài chục gốc sầu riêng nên cuộc sống đã ổn định hơn rất nhiều".

Tiếp bước vinh quanh của người chị cả, mới đây Nguyễn Quang Thuận (em Ánh Viên) được Trung tâm TDTD Quốc Phòng 4 đón về tập luyện và học tập. Thế là giờ đây nỗi nhớ của gia đình lại tăng lên gấp bội khi cả hai đứa con phải sống cuộc sống xa nhà, nhưng đổi lại là sự đóng góp cho nền thể thao nước nhà, niềm vinh quang cho gia đình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.