Áo vá, dép lốp mở đường

02/07/2014, 13:13

Bao giờ đi qua trụ sở khang trang của cơ quan cũ - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1), ông Đặng Hạ lại bồi hồi nhớ tới những ngày đầu.

50 năm trước, ông Đặng Hạ là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ mở đường lên miền Tây
50 năm trước, ông Đặng Hạ là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ mở đường lên miền Tây


Công trường giao thông phủ kín núi rừng Tây Bắc


Ông Đặng Hạ - một trong những thủ trưởng phụ trách bao nhiêu lớp người lên miền Tây cách đây 50 năm. Ông Đặng Hạ kể, “năm 1964, tôi thi xong, chưa kịp làm luận án bảo vệ thì nhận được lệnh của anh Phan Trọng Tuệ (cố Bộ trưởng Bộ GTVT): Đặng Hạ về ngay. Như mọi lần, tôi khoác ba lô lên vai, nhanh gọn như người lính. Tôi về và nhận lệnh: Làm trưởng ban chỉ đạo miền Tây thay anh Hồng Xích Tâm - Trưởng ban cũ vừa nhận công tác khác”.


Tình hình lúc đó rất cấp bách. Đề phòng chiến tranh cục bộ của Mỹ, chúng ta phải có đường thông với biên giới để chiến đấu khi địch đổ bộ xuống miền Bắc. Các tỉnh phía Tây, nhất là vùng Tây Bắc không có đường. Nếu có thì đường rất xấu, loại đường đá dăm nhỏ lắm, chỉ xe nhỏ đi được thôi. Mà chúng ta cần đường để vận chuyển khí tài, những con đường cho đại xa, cho pháo tự hành...


“Tôi về đến nơi bộ khung đã có. Anh Trầm, anh Lễ là các kỹ sư giữ chức Phó ban chỉ đạo miền Tây. Tôi xuống một vài đơn vị, gặp lại một số anh em đã ở sân bay Nội Bài với mình. Gần 1 vạn quân ở Sân bay Nội Bài đang được chuyển đến các tuyến đường quan trọng. Ban chỉ đạo miền Tây ra lệnh tuyển gấp một đợt quân mới” - ông Hạ nói.


Công việc tiến hành ngay khi quân ta đã đến. Trên giao cho các tỉnh biên giới chỉ huy các công trường thuộc địa phương. Tôi đã đến nhiều lần với công trường Lai Châu - Pa Tần do anh Cẩn - Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh làm chỉ huy trưởng. Hoặc ở Lào Cai, anh Cư Hòa Vần là Phó Chủ tịch tỉnh sang làm chỉ huy. Các địa phương khác thì trưởng ty làm chỉ huy trưởng. Các công trường phủ kín núi rừng Tây Bắc. Quân đông như kiến vì hầu hết là lao động thủ công. Hậu cần cho hàng vạn quân sung sức ấy phải giao cho các tỉnh. Bộ Giao thông chịu trách nhiệm kỹ thuật và tiến độ, thay mặt Trung ương chỉ đạo. 

Bữa ăn nào cũng chỉ có ngô và bí...


Núi rừng Tây Bắc thực sự sống động. Các tuyến đường ngang, đường dọc hoàn thành nhanh chóng. Anh em cán bộ, công nhân viên làm việc cật lực, không quản ngày đêm. Không thể gọi là đời sống bình thường vì nếu không có tuổi trẻ, người ta không thể sống trong các lán trại tạm bợ như thế, bữa ăn nào cũng chỉ có ngô và bí đỏ, làm việc thì nặng nhọc. Bù lại, người ta tin vào lãnh đạo, tin công việc mình làm có ích và cần thiết. Đời sống tinh thần nâng đỡ biết bao nhiêu con người thời ấy. Khi chiến tranh không quân của Mỹ nổ ra trên miền Bắc, các đơn vị miền Tây có thêm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường. Nhiều người có gia đình ở các vùng chiến sự ác liệt. Nhưng như mọi việc dầu sôi lửa bỏng lúc ấy, đành phải nén lại nỗi lo riêng để làm việc. Tôi cũng như anh em thôi, cũng không thể dành thời gian cho lo việc riêng.


Ở đây, giai đoạn đầu năm 1965, do công tác, tôi được chứng kiến những đội quân làm đường đặc biệt bổ sung cho tuyến đường. Ban 12 được thành lập (vì ký kết nhận quân đặc biệt trên 12 con đường). Tôi lại được công tác cùng các anh Lê Hồng Cơ - Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Văn An - Bí thư tỉnh Sóc Trăng, ông Tư Lan ở Cục chuyên gia sang, ông Nguyễn Văn Lễ, một chuyên gia làm việc ở Ghi nê được điều về phụ trách kỹ thuật.
 

"Cứ như thế, tôi đi khắp các tuyến đường. Tôi cố lôi họ ra khỏi sự chán chường. Quân dần dần không bỏ trốn nữa. Lại có màu hồng trên má các cô gái, lại có tiếng cười. Và người ta lại yêu nhau, lại lao động hăng say. Cứ như thế, năng suất lên. Lương thực, tiền bạc lại đến”.

Ông Đặng Hạ

Đội quân làm đường đặc biệt này ở ta mấy năm, họ cũng chịu đựng gian khổ, lao động cật lực như quân ta và công sức của họ đổ ra khá lớn, thực sự giúp chúng ta hoàn thành được nhiều con đường trước thời hạn. Không bao giờ tôi quên được họ.

Lúc công việc đã trôi chảy, anh Phan Trọng Tuệ bảo tôi: “Thôi, ông Hạ bàn giao lại cho họ để trở về Cục Công trình 2, ở đây quân đang cần ông đấy”.


Cục Công trình 2, (tiền thân của CIENCO 1) khi đó đang có nhiều biến động. Sau khi những con đường miền Tây được hoàn thành cơ bản, số quân tinh nhuệ khỏe mạnh nhất được lọc ra, chuyển cho Ban 67 và Cục công trình 1 ở Khu Bốn. Chiến tranh đang ác liệt, những con người ấy mới gánh vác được nhiệm vụ nặng nề. Quân của Ban miền Tây còn lại một vạn người. Nhưng quân đói. Công việc không hoàn thành dẫn đến thua lỗ. Nhà nước không cung cấp đủ lương thực. Lương chỉ đạo được lĩnh hai phần ba. Đã thế còn chậm. Bữa ăn chỉ toàn ngô. Lán trại dột nát. Quần áo rách rưới. Đời sống tưng bừng nhộn nhịp như thuở đầu lên miền Tây không còn nữa. Xảy ra một việc nghiêm trọng: quân trốn hàng ngàn người. Họ trở về quê hoặc đi tìm việc khác.

Vực dậy một đội quân đang thất vọng


Anh Ngô Thanh - Giám đốc Sở Lương thực Hà Nội được làm Cục phó Cục Công trình 2, đi khảo sát vài đơn vị về nói với tôi: “Phải làm gì đi chứ, cán bộ công nhân trên nông trường thiếu ăn lắm”.


Tôi cùng với các anh trong ban chỉ huy đi tới các đơn vị nhỏ để khảo sát tình hình. Đời sống tạm bợ dẫn đến tinh thần khủng hoảng, dẫn đến sự sa sút trong công việc. Năng suất thấp, không hoàn thành kế hoạch dẫn đến sự thất thường của việc cung cấp lương thực và tiền lương. Rồi là đói, càng đói càng chán. Lúc này người chỉ huy phải nhìn rõ nguyên nhân để vực dậy một đội quân đang thất vọng. Tôi gặp gỡ, họp bàn với các C trưởng không thể để quân ở trong các lán dột nát như thế. Nhà lợp cỏ thưng nứa, nhưng phải lợp cỏ cho dày, nứa cũng phải ken cho dày, làm sao cho nắng thì đỡ nóng, mưa đỡ dột. Ăn uống cho đàng hoàng. Không phải cứ ở công trường thì canh đựng vào thùng, cơm đựng vào chậu, ăn đứng ăn ngồi như thế.


Các C trưởng bắt tay vào việc khôi phục đời sống cho anh em. Tôi cũng đi xuống các bếp ăn xem họ nấu nướng. Ngô phải ninh cho nhừ mới cho gạo vào. Ăn miếng cơm ngô như nhai sạn ai mà nuốt trôi. Làm thịt con lợn phải pha chế ra nhiều món, không phải cứ luộc tất rồi thái to ra như thế. Cuốc miếng đất này gieo ít hạt cải. Sẽ có rau nhanh. Trồng bí, trồng bầu cho nó leo lên hàng rào kia. Đêm xuống, có chiến tranh không thắp đèn sáng to thì thắp nhỏ, che ánh sáng, rồi sinh hoạt văn nghệ đi chứ. Tối tăm thế này ai sống nổi. Doanh trại phải gọn gàng, bước vào người ta muốn ngồi lại lâu chứ không muốn bỏ chạy …


Lê Minh Khuê

(Còn nữa)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.