Việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tức Nguyễn Thị Thanh Tuyền, SN 1971, Tổng giám đốc Công ty Đại Nam) không có gì là bất ngờ.
Đây là hệ quả tất yếu của việc xem thường pháp luật, xâm phạm, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.
Cảnh sát tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng.
Tính đến tháng 6/2021, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người (tương đương 73,7% dân số), tăng gần 10 triệu người chỉ trong vòng một năm.
Mạng xã hội là công cụ giúp con người thuận tiện hơn trong cuộc sống. Đây là phát minh quan trọng nhưng còn rất mới, nên cách chúng ta sử dụng mạng xã hội vẫn còn gặp nhiều lúng túng.
Đó là lý do chúng ta thấy nhiều thông tin rác, những chia sẻ không phù hợp, lệch chuẩn trên mạng xã hội.
Nguyên nhân vì nhiều người vẫn chưa ý thức được môi trường mạng xã hội, cho rằng đây là môi trường ẩn danh, là nơi có thể thể hiện ý kiến của riêng mình mà không bị quản lý bởi luật pháp hay ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
Điều đó khiến mạng xã hội trở thành môi trường hỗn loạn, không lành mạnh cho sự phát triển về văn hóa, đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Đặc biệt, khi những câu chuyện nhắc đến lại hướng tới những người nổi tiếng, mỗi hành vi chia sẻ của họ tác động rất lớn tới hành vi, lối sống của công chúng.
Trở lại trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng, trong suốt một năm vừa qua, người phụ nữ này đã trở thành tiêu điểm với những phát ngôn và chương trình livestream "bóc phốt" người nổi tiếng và hoạt động từ thiện của nhiều nghệ sĩ.
Thậm chí, người ta biết và nhớ đến bà với những thị phi trên mạng xã hội hơn là chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam - một doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực và có doanh thu "khủng" tại Bình Dương.
Qua điều tra, Công an TP.HCM xác định bà Nguyễn Phương Hằng quản lý, sử dụng 12 kênh mạng xã hội để livestream nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân.
Trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng cũng một lần nữa cho thấy: Mạng xã hội ảo, nhưng hệ quả và trách nhiệm là thật.
Bài học rõ nhất chúng ta nhìn thấy được là ứng xử trên mạng xã hội phải văn minh, có trách nhiệm, tôn trọng, an toàn, lành mạnh.
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng bà Phương Hằng. Dù bất kể người vi phạm có nổi tiếng, có vị trí nhất định trong xã hội hay giàu có cỡ nào, cũng không thể đứng trên pháp luật.
Chúng ta đã có rất nhiều giải pháp khác nhau để cố gắng làm trong sạch mạng xã hội. Tuy nhiên, để làm sạch môi trường mạng, giải pháp cứng rắn nhất và ít mong đợi nhất là giải pháp về luật pháp.
Hiện chúng ta đã có các văn bản quy phạm pháp luật như Luật an ninh mạng, Nghị định 72 của Chính phủ về xử lý vi phạm trên môi trường mạng. Tuy nhiên đây chỉ nên xem như giải pháp cuối cùng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận