Hỏi - Đáp

Áp dụng án lệ: Cố ý gây tai nạn làm chết người bị xử tội giết người

25/03/2020, 06:43

Thực tế cho thấy, có nhiều vụ TNGT, tài xế cố ý điều khiển xe cán nạn nhân đến chết với tâm lý “bồi thường một lần còn hơn phải nuôi suốt đời".

img
Lực lượng chức năng tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Văn Dũng

Tuy nhiên, cơ quan điều tra, tố tụng rất khó chứng minh, kết tội Giết người đối với các tài xế này. Nhưng từ ngày 15/4 tới, khi Án lệ số 30/2020/AL chính thức được đưa vào áp dụng, sẽ góp phần ngăn chặn loại tội ác này.

TNGT hay giết người?

Theo Quyết định số 50/AL mà Chánh án TAND Tối cao đã ký, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thông qua Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra TNGT.

Cụ thể, tài xế xe tải sau khi đâm va, cuốn nạn nhân vào gầm xe, đã bước xuống xe quan sát nạn nhân nhưng sau đó lại lên xe, cài tiếp số 1 để chèn qua đầu nạn nhân, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Trong khi dư luận bức xúc về hành vi dã man của tài xế thì tài xế cũng liên tục kêu oan, cho rằng mình chỉ phạm tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Hà Tĩnh, Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh và diễn biến tại phiên tòa: Khoảng 16h ngày 31/5/2016, tại Km584 QL1, Phan Đình Quân điều khiển xe tải BKS 38C-073.05 rẽ phải vào đường liên xã và đã xảy ra va chạm với em Hoàng Đức Phượng điều khiển xe máy điện (BKS 38MĐ1-218.54) đang đi cùng chiều trên phần đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ.

Sau va chạm, xe máy điện của em Phượng bị cuốn vào gầm xe ô tô, nên Quân xuống xe kiểm tra. Quân quan sát khoảng 1 phút, thấy em Phượng nằm trong gầm xe, nhưng vẫn lên xe cài số 1 để tiếp tục cho xe chạy tiến lên và xe ô tô đã đè qua đầu em Phượng, làm nạn nhân vỡ sọ não và tử vong tại chỗ.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, Viện KSND huyện Kỳ Anh đề xuất truy tố Quân về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại phiên toà, Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND huyện Kỳ Anh cho rằng, Quân biết rõ và có đầy đủ nhận thức về việc em Phượng đang nằm phía trước bánh xe ô tô là nguy hiểm, nhưng Quân không giữ nguyên hiện trường, không tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi xe ô tô đi cấp cứu. Quân đã cố tình cho xe tiếp tục chạy, chấp nhận cho xe ô tô cán qua người em Phượng khiến em tử vong ngay lúc đó. TAND huyện Kỳ Anh nhận định, hành vi phạm tội của Quân là “Giết người” nên đã trả hồ sơ cho Viện KSND huyện Kỳ Anh, để chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh điều tra, truy tố, xét xử.

Tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Quân mức 12 năm tù về tội giết người. Sau đó, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội xác định, hành vi phạm tội của bị cáo Quân có tính chất, động cơ đê hèn, vì bị cáo muốn nạn nhân chết hẳn thì bị cáo mới cho xe đi tiếp, nên đã tuyên phạt Quân mức án 13 năm 6 tháng tù.

Trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Quân luôn kêu oan và cho rằng mình chỉ “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” chứ không phạm tội giết người. Có lúc bị cáo Quân khai mình biết việc dù tiến lên hay lùi xe lại thì bánh xe đều đè lên người nạn nhân và bị cáo chấp nhận “cho xe đè lên người nạn nhân”. Tuy nhiên, có lúc bị cáo lại cho rằng, việc mình lái xe đè qua đầu cháu Phượng là do bị cáo luống cuống cài nhầm số mà lẽ ra cho xe đi lùi thì xe lại đi tới. Có lúc Quân cho biết, khi xuống xe thì thấy nạn nhân đã chết, có lúc Quân lại thừa nhận, không rõ Phượng đã chết hay còn sống dưới gầm xe…

Án lệ ngăn tội ác sau khi gây TNGT

Án lệ là gì?
Theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao: Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử trong những trường hợp tương tự sau đó.


Trao đổi với PV Báo Giao thông, một thành viên Hội đồng thẩm phán (TAND Cấp cao tại Hà Nội) cho biết, Án lệ số 30/2020/AL là án lệ đầu tiên về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra TNGT sẽ chính thức đưa vào áp dụng tại các cơ quan tố tụng trong cả nước từ ngày 15/4/2020. Án lệ này có ý nghĩa rất lớn giúp cơ quan tố tụng các cấp có căn cứ lập luận, chứng cứ để xử lý hành vi mang tính chất đê hèn: Cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra TNGT.

Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: Các vụ việc tài xế cố tình điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại là hành vi man rợ, vô nhân tính. Hành vi này từ trước đến nay gây bức xúc trong dư luận nhưng khó xử lý vì các bị cáo là tài xế thường phủ nhận, hồ sơ vụ án lại thiếu chứng cứ. Để có thể xử lý nghiêm hành vi này, cơ quan điều tra phải tiến hành các thủ tục chặt chẽ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng.

“Những hành vi đê hèn cố tình dùng phương tiện giao thông chèn nạn nhân sau khi gây tai nạn cần được nghiêm trị và án lệ được áp dụng sẽ giúp việc này”, ông Xuyền nói.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Điệp (Đoàn Luật sư Hải Phòng) cho biết: “Án lệ này là một bước cải cách rất lớn để TAND các cấp có thể nghiên cứu áp dụng trong xét xử các vụ việc tương tự. Những lập luận trong án lệ rất chặt chẽ giúp cho các cơ quan tố tụng làm căn cứ đấu tranh với hành vi nguy hiểm cố tình dùng phương tiện đè lên nạn nhân sau khi gây tai nạn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.