Công nghệ mới

Áp dụng mô hình BIM trong xây dựng quản lý công trình

02/11/2019, 18:16

Sử dụng mô hình BIM sẽ cho độ chính xác gần như tuyệt đối, tiết kiệm thời gian, chi phí trong khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý công trình…

img
Hội thảo thu hút đông đảo các kỹ sư, chuyên gia ngành thiết kế, xây dựng và quản lý công trình tham gia

Ngày 2/11, tại TP.HCM, Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức “Hội thảo Quản lý dự án theo mô hình BIM (Building information modeling) khảo sát - lập dự án - thiết kế - thi công - quản lý khai thác trọn vòng đời công trình hạ tầng cơ sở và giao thông”.

Theo Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, bắt buộc các công trình lớn phải ứng dụng BIM trong quá trình thi công, xây dựng, bảo trì công trình. Mô hình BIM sẽ sử dụng các thiết bị công nghệ cao chụp ảnh, khảo sát công trình, triển khai dựng 3D mô hình công trình, tỷ lệ chính xác đến từng milimet. Nhờ đó, chủ đầu tư dễ dàng quản lý được kỹ thuật công trình, tiến độ công trình, chất lượng công trình… Đặc biệt, hàng loạt công trình ứng dụng mô hình BIM trên thế giới còn tiết kiệm được một phần chi phí khá lớn.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam cho biết, những năm gần đây, các nước phát triển đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thiết kế, thi công công trình nhằm nâng cao chất lượng. Trong đó, mô hình BIM là xu hướng tất yếu của ngành Xây dựng nói chung và lĩnh vực hạ tầng nói riêng.

Ở Việt Nam, ứng dụng BIM cũng đã được Chính phủ yêu cầu áp dụng thông qua Quyết định số 2500/QĐ-TTG ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình". Trong đó, có yêu cầu đưa mô hình BIM vào hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình qua các giai đoạn 2017- 2019, 2018 - 2020. Từ năm 2021, mô hình này phải được áp dụng rộng rãi.

Trong đó, phải kể đến Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast), là đơn vị đã mạnh mẽ triển khai ứng dụng mô hình BIM và công nghệ Scan to BIM vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Mô hình BIM có khả năng đánh giá toàn dự án, quản lý khai thác dự án trọn vòng đời thay cho các phương pháp thi công công trình kiểu thủ công truyền thống, tốn kém, mất thời gian…

Theo TS. Đỗ Tiến Sỹ, Trưởng bộ môn Thi công và Quản lý xây dựng Khoa Kỹ thuật xây dựng ĐH Bách Khoa TP.HCM, hầu hết các công trình ở nước ta được khảo sát, đánh giá dựa trên các bản vẽ tay, các phương pháp công nghệ điều chỉnh thủ công. Trong khi đó, với BIM thì toàn bộ quá trình xây dựng, quản lý khai thác, bảo trì được tích hợp nhanh chóng.

Chỉ trong thời gian ngắn khảo sát bằng mô hình BIM. Toàn bộ quá trình từ bắt đầu xây dựng đến hết vòng đời đều được phân tích rõ ràng. Suốt quá trình sử dụng, chỉ cần một thay đổi nhỏ về kết cấu công trình, chủ đầu tư dễ dàng phát hiện ra nhờ công nghệ BIM.

Từ đó, chủ đầu tư lập tức có phương án ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra với công trình. Trên thế giới, từ năm 2008 các nước phát triển đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này. Trong năm 2015, một số công trình ở Thái Lan, Singapore sử dụng mô hình này rất hiệu quả. Đến 2016, ở nước Anh, toàn bộ công trình bắt buộc ứng dụng BIM vào xây dựng và quản lý…

Việc ứng dụng BIM đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt. Theo nghiên cứu của thế giới, mô hình này hỗ trợ giảm 10% chi phí, 10% thời gian thi công, giảm rủi ro thi công đến 10% và 40% các thay đổi về mặt thiết kế. Dựa vào kết quả của mô hình BIM, các công trình sẽ dễ dàng được lập dự toán, xây dựng phương án bố trí vốn phù hợp, tránh các rủi ro không đáng có. Tuy nhiên cho đến nay, BIM còn chưa được ứng dụng nhiều do chi phí ứng dụng khá lớn, đội ngũ kỹ sư ứng dụng phải có trình độ cao.

img
Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam khẳng định, Porcoast là một trong những công ty đầu tiên ứng dụng mô hình BIM, cùng với đưa nhiều thiết bị công nghệ cao vào quản lý khai thác, đặc biệt là bảo tồn các công trình ở Việt Nam.

Cụ thể phải kể đến việc ứng dụng máy Faro, Leica vào quét, chụp, vẽ lại các dự án trọng điểm như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Nhà hát TP.HCM, dự án du lịch nghỉ dưỡng như Khu du lịch sinh thái Cam Lâm, các dự án nhiệt điện, hoá dầu… Căn cứ vào kết quả đó, các đơn vị dễ dàng lên kế hoạch khai thác, bảo trì, bảo tồn dự án.

Ông Ngô Thịnh Đức khẳng định, Hiệp hội sẵn sàng phối hợp đào tạo nguồn nhân lực giúp cho Bộ GTVT về áp dụng mô hình BIM.

Theo ông Ngô Thịnh Đức, các chủ đầu tư, các hiệp hội, các đơn vị quản lý xây dựng nhà nước nên đặc biệt chú ý ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình BIM được nhân rộng sẽ góp phần đảm bảo quản lý khai thác các công trình giao thông, công trình xây dựng hiệu quả. Ngoài ra, công tác xây dựng, bảo tồn cũng chất lượng hơn, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.