Kinh tế

Áp lực cạnh tranh khiến đường sắt khó khăn chưa từng có

22/10/2014, 13:28

Đường sắt đang trong thời điểm khó khăn nhất. Nhiều chuyên gia còn đánh giá đây cũng là lúc "thử lửa" đối với lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN trên con đường đổi mới, tái cơ cấu.

Hành trình về quê mỗi dịp lễ, Tết luôn vất vả và có được tấm vé trong tay là mong mỏi của khách đi tàu
Hành trình về quê mỗi dịp lễ, Tết luôn vất vả và có được tấm vé trong tay là mong mỏi của khách đi tàu

VNR đang phải gồng mình chống chọi với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ đường bộ, đường thủy, hàng hải và cả đường không. Nhiều tuyến đường bộ được đưa vào sử dụng đã lấy đi một lượng khách khá lớn của đường sắt. Đơn cử như tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai vốn đem lại doanh thu và lợi nhuận ổn định cho VNR.

Tuy nhiên, sau khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành và đưa vào khai thác, mối lo mất khách đang hiện hữu ngay trước mắt. Trước đó, tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng bị cạnh tranh gay gắt từ QL5 nên lượng khách đi tàu cũng sụt giảm. Tuyến đường sắt Thống Nhất có lượng khách ổn định nhưng phần nhiều phải phụ thuộc vào những đợt cao điểm nghỉ lễ, du lịch hè thì tàu mới đầy khách.

Nay khi QL1 đang được nâng cấp, mở rộng, cộng thêm các hãng hàng không mở thêm nhiều chuyến bay nội địa giá rẻ cạnh tranh gay gắt nên người dân sẽ ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn cho hành trình của mình. Đường sắt không còn là lựa chọn ưu tiên số 1 cho những chuyến đi dài.

“Vận tải đường sắt chỉ chiếm dưới 1% thị phần vận tải cả nước. Chúng tôi đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn chưa từng có”, Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR thừa nhận.

Để vực dậy vị thế, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, VNR đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp thu hút khách hàng, trong đó áp dụng giảm sâu giá vé tới gần 50% đối với các khách hàng đi cự ly dài trên 1.300 km và mua trước hai tháng. Đây cũng là điều chưa từng có trong tiền lệ của VNR.

Bên cạnh đó là giảm giá vé chặng đối với từng chuyến, và trên mỗi đoàn tàu đều có loại vé rẻ hơn vé ô tô Bắc - Nam để đáp ứng được mọi đối tượng hành khách. Giảm giá vé tàu tập thể. Điều đó chứng tỏ VNR đã biết cầu thị, phải tự tìm kiếm khách hàng, nhất là trong bối cảnh sắp tới, một loạt các công ty thành viên của VNR sẽ thoái vốn và cổ phần hóa nên sức cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.

Ngoài áp dụng các biện pháp giảm giá vé và khuyến mại, VNR cũng phải điều chỉnh thành phần đoàn tàu cho phù hợp, bãi bỏ một số đoàn tàu không hiệu quả. Riêng tuyến phía Tây (Hà Nội - Lào Cai) đã bãi bỏ tàu LC 1 có doanh thu bình quân khoảng 250 triệu/ngày, không chạy tàu SP 5/6 ngày cuối tuần để phục vụ thi công nâng cấp tuyến đường sắt này, thế nhưng doanh thu trên tuyến này vẫn tăng.

Và sắp tới đây hệ thống bán vé điện tử đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp hành khách đi tàu dễ dàng hơn trong việc mua vé... Điều này chứng tỏ, các giải pháp VNR đang áp dụng và giao cho các công ty con thực hiện đã và đang đi đúng hướng.

Lê Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.