Thế giới

Áp lực đè nặng đại cử tri bầu Tổng thống Mỹ

19/12/2016, 06:55
image

Hôm nay (19/12), đại cử tri Mỹ sẽ tụ họp tại thủ phủ của các bang, bỏ phiếu chọn Tổng thống.

bieu tinh

Người biểu tình kêu gọi cử tri đoàn không bỏ phiếu cho ông Donald Trump.

Hôm nay (19/12), đại cử tri Mỹ sẽ tụ họp tại thủ phủ của các bang, bỏ phiếu chọn Tổng thống. Cuộc bỏ phiếu này không chỉ quan trọng vì tính quyết định, mà còn vì Tổng thống đắc cử Donald Trump vốn là người gây không ít tranh cãi và không ít “sóng gió” nhiều ngày qua khiến nhiều người kêu gọi đại cử tri “lật kèo”.

Lá phiếu mang tính quyết định

Trong ngày bầu cử (8/11) vừa qua, hơn 136 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu Tổng thống, đồng thời chọn ra đại cử tri thay mặt họ trực tiếp bỏ phiếu chọn Tổng thống vào hôm nay (19/12). Mặc dù ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton vượt ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump với gần 3 triệu phiếu phổ thông nhưng thua vì dự kiến số phiếu đại cử tri. Dựa trên tính toán kết quả bỏ phiếu ngày 8/11, ông Trump được cho là sẽ giành 306 phiếu đại cử tri, vượt 270 phiếu tối thiểu và trở thành Tổng thống đắc cử, theo CNN.

Theo truyền thống, dù lá phiếu của đại cử tri mang tính quyết định nhưng ít người để tâm tới cuộc bỏ phiếu này vì kết quả ngày 8/11 đã gần như chính xác. Ngày hôm nay, các đại cử tri (đã ký bản cam kết với các cử tri phổ thông trong bang sẽ bầu cho ứng viên nào) cứ vậy đi bỏ phiếu và kết quả không có gì thay đổi. Nếu tiếp tục giữ nguyên phong độ hoặc giành ít nhất 270 phiếu đại cử tri tại cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn trong ngày hôm nay, ông Trump sẽ chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Đại cử tri bị dọa ám sát nếu bầu cho DonalD Trump

Nhưng lần này lại khác, vai trò của đại cử tri trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết trong bối cảnh lộ kết luận từ Cơ quan Tình báo T.Ư (CIA) rằng, Nga đã tấn công hệ thống email của đảng Dân chủ, qua đó tạo lợi thế cho ông Trump. Không chỉ vậy, Tổng thống đắc cử Donald Trump còn có nhiều phát ngôn và động thái khiến bị chỉ trích là “non kém kinh nghiệm chính trị”. Điển hình là động thái điện đàm với người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn và gọi bà là Tổng thống. Mới đây nhất (ngày 17/12), ông Trump còn chỉ trích Trung Quốc “ăn trộm” thiết bị nghiên cứu không người lái trên biển Đông.

Bà Carole Joyce (72 tuổi) đại cử tri đến từ bang Arizona vốn cam kết bầu cho ông Donald Trump chưa bao giờ trải qua thời gian căng thẳng đến khắc nghiệt như thời điểm từ sau ngày bầu cử (8/11) đến gần ngày 19/12. Bà liên tiếp nhận được email, thư tay và hàng loạt cuộc điện thoại vận động “lật kèo” không bầu cho Donald Trump. Càng tới gần ngày cử tri đoàn bỏ phiếu, số lượng thư càng tăng mạnh, nay đã lên tới 50 thư tay mỗi ngày và tổng số email đã lên đến 3.000. Các thư đến từ khắp nơi (cả Washington, Trung Quốc…) trong đó đều trích dẫn Hiến pháp Mỹ nói về mục tiêu cuộc bỏ phiếu cử tri đoàn rằng: “Cần có đạo đức khi lựa chọn Tổng thống, để chắc chắn văn phòng Tổng thống không rơi vào tay bất cứ người nào không nhận được đủ sự tôn trọng và thiếu trình độ”.

“Thành thực mà nói, tôi đã bị tác động ít nhiều… Tôi mệt mỏi vì hàng nghìn lời kêu gọi… Tuy nhiên, tôi đã ký bản cam kết trung thành (với lựa chọn bầu cho ứng viên Donald Trump) nên tôi rất phân vân”, bà Joyce chia sẻ với Washington Post.

Theo CNN, đại cử tri bang Michigan Michael Banerian còn đối mặt với nhiều lời đe doạ ám sát nếu bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump. Đại cử tri Michael Banerian cho biết, tài khoản mạng xã hội của anh tràn ngập lời đe doạ ám sát. Hộp thư điện tử chồng chất những email kêu gọi “lật kèo” từ khắp nơi trên nước Mỹ. Riêng một tuần trước thềm ngày bỏ phiếu, anh nhận được 2.000 email. “Tất cả đều kêu gọi tôi không bỏ phiếu cho Donald Trump”, CNN dẫn lời Banerian cho biết.

Nếu cử tri đoàn “lật kèo”...

Trong bối cảnh đó, một nhóm các đại cử tri, do hai đại cử tri đảng Dân chủ dẫn đầu, được gọi là Hamilton Electors đã và đang thúc đẩy nỗ lực kêu gọi không bầu cho ông Trump. Ông Lawrence Lessig, chuyên gia luật Đại học Havard, chuyên cố vấn cho các đại cư tri về quyền pháp lý cho biết, ông tự tin ít nhất 20 đại cử tri đảng Cộng hòa sẽ “lật kèo”. Song, để chiến thắng, bà Hillary Clinton cần thêm ít nhất 38 phiếu đại cử tri, ngoài số phiếu dự đoán ban đầu.

Tuy nhiên, phe chỉ trích cho rằng, việc đại cử tri “lật kèo” là vi phạm nghiêm trọng quy định dân chủ vốn được tuân thủ trong các cuộc bầu cử Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua. Theo CNN, các đại cử tri được lựa chọn theo hai cách: Tại đại hội đảng cấp bang hoặc tại ủy ban đảng tại bang. Đại cử tri thường là những người có uy tín, được tin tưởng; Là các nhà hoạt động, những người trung thành với Đảng. Nếu “lật kèo” đồng nghĩa họ đã phản bội lại bạn bè và đồng nghiệp. Các đại cử tri “lật kèo” thường đối mặt gánh nặng về tâm lý nhiều hơn là pháp lý. Chỉ một vài bang như Colorado kiện đại cử tri “lật kèo” ra tòa hoặc phạt 1.000 USD như bang Washington.

Trong trường hợp đại cử tri “lật kèo” nhưng cả ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều không đủ 270 phiếu tối thiểu để chiến thắng, kết quả sẽ được trình lên Hạ viện (đảng Cộng hòa của ông Trump chiếm đa số) để đưa ra quyết định cuối cùng. Có ý kiến cho rằng, mặc dù đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế Hạ viện nhưng phần lớn họ theo trường phái Cộng hòa cũ (mong muốn một Tổng thống phong cách truyền thống hơn là “cơn gió lạ” làm đảo lộn chính trường). Do đó, ông Donald Trump cũng không chắc phần thắng.

Trong lịch sử Mỹ, rất hiếm hoi xảy ra trường hợp cả hai ứng viên đều không giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri. Lần gần đây nhất, xảy ra trong cuộc bầu cử năm 1824 giữa bốn ứng viên John Quincy Adams, Andrew Jackson, William Crawford và Henry Clay. Cả bốn ứng viên đều không giành được số phiếu đại cử tri cần thiết. Kết quả được trình lên Hạ viện, cuối cùng hạ viện bỏ phiếu và chọn ông John Quincy Adams làm Tổng thống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.