Xã hội

Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên bão đổ bộ vào miền Trung nước ta

15/09/2020, 11:41

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão trong khoảng 2 ngày tới.

img
Áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên hướng vào miền Trung nước ta

Hai ngày nữa áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay, 15/9, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động tại miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 10,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Công điện khẩn gửi các tỉnh từ Thanh Hóa tới Bình Thuận

Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) vừa có công điện khẩn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa tới Bình Thuận, các bộ, ngành chỉ đạo để chủ động ứng phó.

Cụ thể, công điện yêu cầu: Theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đối với vùng đồng bằng và ven biển: Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, sản xuất nông nghiệp.

Đối với vùng núi: Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Rà soát, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.