Thị trường

Asanzo chưa thi hành án xâm phạm sở hữu trí tuệ Asano, Cục SHTT nói gì?

24/09/2019, 17:55

Theo Cục SHTT, quyền sở hữu công nghiệp có thể bị huỷ bỏ hoặc bị cấm sử dụng nếu xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác...

img
Asanzo đã bồi thường 100 triệu đồng cho Asano, nhưng chưa cải chính, xin lỗi

Asanzo đã bồi thường 100 triệu cho Asano nhưng chưa cải chính, xin lỗi

Không chỉ bị Tập đoàn Sharp Nhật Bản tuyên bố kiện ra toà vì giả mạo bằng chứng liên quan đến nội dung quảng cáo "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam còn bị thua kiện Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), song vẫn chưa hoàn thành việc thi hành án.

Theo đó, ngày 24/9, Báo Giao thông đã nhận được văn bản trả lời của Cục Thi hành dân dự TP.HCM cho biết: Đến nay Asanzo Việt Nam vẫn chưa hoàn thành việc thi hành án sau 9 tháng bản án được ban hành.

Cụ thể, Asanzo Việt Nam chỉ mới nộp đủ 100 triệu đồng cho công ty Đông Phương vào tháng 5. Còn các hạng mục khác chưa thực hiện.

img
Tòa cho rằng kết hợp chữ và hình của thương hiệu Asanzo tạo thành tổng thể có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hàng Asano đã được đăng ký bảo hộ trước đó

“Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TP đã thực hiện các thủ tục tống đạt các Quyết định, văn bản thi hành án theo đúng quy định pháp luật. Sắp tới, Cục Thi hành án dân sự TP sẽ tiếp tục yêu cầu Công ty Asanzo thi hành án theo đúng nội dung tuyên”, ông Phạm Huy Hoàng, Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP.HCM nêu trong văn bản.

Trước đó, cả hai phiên toà, sơ thẩm (tháng 5/2018) và phúc thẩm (tháng 1/2019) của TAND tại TP Hồ Chí Minh đều đưa ra phán quyết: Buộc Công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam chấm dứt hành vi xâm phạm, cụ thể là chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” dán trên giao diện trang web có địa chỉ: http://asanzo.com.vn, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm thuộc nhóm 7,9,11 đang lưu hành trên thị trường; Xoá bỏ nhãn hiệu "Asanzo, hình" đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 7,9,11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam; bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương (chủ thương hiệu Asano) số tiền 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tam, Giám đốc Asanzo cho rằng: "Nhãn hiệu Asanzo đã được Cục SHTT cấp bằng, Cục SHTT sẽ phải tự giải trình với tòa, tôi cũng không quan tâm việc đấy. Cục SHTT cấp bằng thì họ sẽ không thể hủy nhãn hiệu của công ty tôi. Tòa không thể có chuyên môn bằng bên Cục SHTT. Cục sẽ phải làm đơn cùng với bên tôi gửi lên Tòa án Tối cao để ra phán quyết cuối cùng. Bên tôi đầu tư biết bao tiền của cho thương hiệu đó làm sao nói bỏ là bỏ được".

img
Đến nay, chữ Asanzo trên trang web của doanh nghiệp này đã không còn dấu móc trên logo

Quyền sở hữu công nghiệp có thể bị huỷ bỏ hoặc bị cấm sử dụng nếu gây xung đột

Để làm rõ nội dung người đứng đầu Asanzo trả lời báo chí liên quan phán quyết của tòa án, Báo Giao thông đã làm việc với Cục SHTT.

Đại diện Trung tâm Thẩm định nhãn hiệu, Cục SHTT cho biết: Về cơ sở cấp chứng nhận nhãn hiệu "ASANZO, hình" ngày 17/6/2015, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nộp ba đơn xin bảo hộ nhãn hiệu với nhiều nhóm hàng khác nhau.

Trên cơ sở xem xét các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu cho rằng: Bằng thị giác có thể

Một luật sư (đề nghị không nêu tên) cho biết: Quyết định của toà phúc thẩm có giá trị cao nhất theo Hiến pháp. Trong trường hợp Cục SHTT hoặc Asanzo thấy có một số nội dung chưa thoả đáng thì làm công văn yêu cầu Giám đốc thẩm. Tuy nhiên, trước hết phải thực hiện phán quyết trước. Trong phán quyết có điểm nào chưa hiểu thì các bên có quyền làm văn bản hỏi lại toà. Đơn vị thi hành án có trách nhiệm theo dõi thực hiện phán quyết của tòa.

thấy nhãn hiệu có sự khác biệt rõ rệt như: ASANO màu đỏ, “ASANZO, hình” màu xanh, mặc dù nhãn hiệu “ASANZO, hình” có thêm dấu ngoặc nhưng đó chỉ là yếu tố phụ, không phải là yếu tố tạo nên sự tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu ASANO vì hình thức thể hiện của dấu ngoặc trong hai nhãn hiệu cũng hoàn toàn khác nhau. Một số yếu tố khác, như cấu trúc nhãn hiệu, phát âm giữa phần chữ của hai nhãn hiệu đều không tương tự đến mức gây nhầm lẫn. Điều này được thể hiện ở việc Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Asanzo” với hình thức thể hiện ở font chữ thông thường không cách điệu theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 221067 ngày 07/3/2014.

Trên cơ sở đó, Cục SHTT đã kết luận hai sản phẩm đó không tương tự đến mức gây nhầm lẫn và quyết định cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu “ASANZO, hình”.

Khi PV Báo Giao thông đặt câu hỏi liên quan đến việc thực hiện phán quyết của toà, vị đại diện cho hay: Cục thực hiện việc xác lập quyền dựa trên chứng cứ và tài liệu có trong hồ sơ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 17,1 Nghị định 103 ngày 22/9/2009, Quyền sở hữu công nghiệp có thể bị huỷ bỏ hiệu lực hoặc bị cấm sử dụng nếu xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác được xác lập trước. Đề nghị hủy bỏ hiệu lực đang được Cục SHTT xem xét.

PV đặt vấn đề về trách nhiệm của Cục SHTT trong trường hợp quyết định bảo hộ nhãn hiệu sai, phải huỷ, vị đại diện này nói: "Theo quy định tại Điều 96 Luật SHTT, một văn bằng bảo hộ có thể bị hủy bỏ hiệu lực vì nhiều lý do khác nhau chứ không phải chỉ vì lý do cấp sai. Trường hợp cụ thể này, không có căn cứ để cho rằng Cục SHTT cấp sai.”

Đến nay, theo khảo sát của Báo Giao thông, trên website của Công ty Asanzo Việt Nam, chữ Asanzo đã không còn dấu móc trên logo.

Bên trong các trang gắn trên từng sản phẩm như tivi, bình đun nước, nồi áp suất… trước đây đều in hình Asanzo có dấu móc, nhưng nay đã không còn xuất hiện.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.