Hồ sơ tài liệu

ASEAN, Việt Nam có thể làm gì khi Mỹ - Trung cạnh tranh ảnh hưởng?

15/03/2021, 06:30

Cả ASEAN và các nước đều đồng thuận duy trì lập trường trung lập vì tất cả có thể hưởng lợi từ quan hệ với các cường quốc lớn...

img

ASEAN đang trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc

Những động thái gần đây cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược xoay trục mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), cạnh tranh vị thế với Trung Quốc. Các nước ASEAN có lợi gì từ việc này?

Mục tiêu chính của Mỹ và Bộ tứ Kim cương

Giữa tuần này, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp tại Alaska, Mỹ, đánh dấu sự kiện ngoại giao trực tiếp đầu tiên giữa 2 cường quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Nội dung cuộc gặp sẽ là việc bàn bạc về các vấn đề mâu thuẫn giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cuộc gặp này khó có thể mang lại kết quả tích cực nếu như các bên tiếp tục duy trì thái độ đối đầu thời gian gần đây.

Thực tế, vài ngày trước thềm cuộc gặp, Washington liên tiếp có những động thái chọc giận Bắc Kinh như đưa thêm 5 công ty viễn thông Trung Quốc vào danh sách đen, làm rõ lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei…

Đáng chú ý nhất, Mỹ cùng 3 nước trong Bộ tứ Kim cương (Quad) thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên chỉ cách cuộc gặp với Trung Quốc khoảng 1 tuần.

Từ một nhóm nhỏ những quốc gia giàu mạnh được lập ra với mục đích thiết lập cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương vào năm 2007, tại sự kiện lần này, 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, đã xác định mục tiêu chung, đó là đối phó với Trung Quốc.

Cuối sự kiện, 4 nước ra tuyên bố chung gồm 5 phần, gần như đặt rõ lộ trình ứng phó với những thách thức trong khu vực, chủ yếu xoay quanh những tác động lớn liên quan tới các động thái của Trung Quốc.

Trong đó, 4 nước nhấn mạnh mục tiêu chung “vì một khu vực tự do, cởi mở và hội nhập, lành mạnh được duy trì bởi các giá trị dân chủ, chứ không phải dựa trên sự cưỡng ép”. Đồng thời, các bên sẽ “cố gắng thúc đẩy trật tự tự do dựa trên quy tắc mở, với nòng cốt là luật pháp quốc tế để nâng cao an ninh và thịnh vượng, đồng thời chống lại các mối đe dọa đối với khu vực”.

Những mục đích, nguyên tắc này đã và đang được Mỹ và các nước đồng minh đưa ra khi bắt đầu tăng cường hoạt động triển khai tàu thuyền, máy bay qua các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông trong thời gian qua.

Nhóm Quad dành 1 phần trong tuyên bố để nói về vấn đề Biển Đông, trong đó nêu rõ: 4 nước sẽ “tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và tạo điều kiện cho sự hợp tác, bao gồm vấn đề an ninh hàng hải, nhằm đáp ứng các thách thức đối với quy tắc trật tự hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Đặc biệt, tuyên bố lần này của Quad không nhấn mạnh tới liên minh quân sự, vũ khí… mà đưa vào nhiều nội dung liên quan tới hạ tầng, cung cấp/sản xuất vaccine, biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ… Đây là những vấn đề mà khu vực Đông Nam Á rất quan tâm và có thể dễ dàng hợp tác với nhóm hơn là các vấn đề liên quan tới quân sự, vũ khí, theo dự đoán của nhiều chuyên gia trước đó.

Bởi, mở rộng hợp tác với ASEAN chính là một trong những điều mà nhóm Quad từng nhắm tới sau khi chính thức nối lại đàm phán vào năm 2020, sau gần 10 năm gián đoạn. Thời điểm đó, Việt Nam là một trong 3 quốc gia bên ngoài (trong đó có Hàn Quốc, New Zealand) được Quad mời tham gia thảo luận trong sự kiện được gọi là “Bộ tứ mở rộng” (QUAD Plus).

Liệu có rủi ro nếu buộc phải chọn bên?

Nếu ASEAN bị rơi vào thế khó trong căng thẳng giữa 2 cường quốc và buộc phải chọn bên, thì sẽ thế nào? Tạp chí The Diplomat dẫn lời Tiến sỹ người Việt Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore - ISEAS Yusof Ishak, Singapore cho rằng, ASEAN và từng nước thành viên trong hiệp hội này không muốn chọn bên.

Cả ASEAN và các nước đều đồng thuận duy trì lập trường trung lập vì tất cả có thể hưởng lợi từ quan hệ với các cường quốc lớn. Song, trong trường hợp căng thẳng Mỹ - Trung leo thang tới mức buộc các quốc gia trong khu vực phải lựa chọn, từng nước sẽ thực hiện những hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Dù vậy, ông Lê Hồng Hiệp cho rằng, khả năng căng thẳng Mỹ - Trung tới mức đó là không cao. Cạnh tranh Mỹ - Trung thiên về hướng chiến lược hơn là lợi ích về lý tưởng nên ít nhất trong 10- 20 năm nữa, họ sẽ không tìm cách buộc các quốc gia trong khu vực phải đứng về phía mình, tạo thành các khối cứng nhắc như trong thời chiến tranh lạnh.

Riêng với Việt Nam, tờ The Diplomat dẫn lời ông Lê Hồng Hiệp cho biết, “cũng giống như định hướng của ASEAN, Việt Nam muốn duy trì cân bằng giữa 2 cường quốc” và “Bắc Kinh phải điều chỉnh cách tiếp cận nếu không sẽ đứng trước nguy cơ đẩy các nước trong Hiệp hội ASEAN về phía Mỹ”.

Nếu có thể duy trì được vị trí trung lập, quan hệ đối đầu Mỹ - Trung cũng mang tới nhiều lợi ích cho Việt Nam cũng như các nước trong ASEAN. Theo ông Lê Hồng Hiệp, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã và đang tìm cách đa dạng hoá cơ sở sản xuất, tách ra khỏi Trung Quốc. Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ - Trung sẽ là nhân tố đẩy xu hướng này diễn ra nhanh hơn.

Ông Hiệp cho rằng, Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt kịp xu hướng này. Nhiều nhà đầu tư đã quyết định chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam vì một số yếu tố như khoảng cách địa lý gần Trung Quốc, chính trị ổn định, lực lượng lao động không đắt và tương đối trẻ, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện cùng nền tảng kinh tế khá tốt cũng như cơ chế khuyến khích đầu tư từ chính phủ Việt Nam.

Thách thức với Việt Nam là phải nhanh chóng nâng cấp hạ tầng, lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao và để đối phó với những hậu quả không thể dự tính trước, như có thể sẽ tăng phụ thuộc vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, tăng thặng dư thương mại với Mỹ do nước này mở rộng năng lực xuất khẩu và cơ sở sản xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.