Hồ sơ tài liệu

Australia là "chìa khóa" kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông

14/04/2016, 09:09

Tạp chí The Diplomat nhận định, Australia có thể là chiếc chìa khóa giúp kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.

tàu-úc

Tàu Hải quân Hoàng gia Australia. (Ảnh: The Diplomat)

Trong khi Mỹ đang “mải mê” với vấn đề Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố IS, mặc dù chính quyền Tổng thống Obama tràn trề hi vọng vào chính sách “trục châu Á”, Trung Quốc vẫn đang hành xử ngày một… hung hăng trên biển Đông, tuyên bố rằng hầu như toàn bộ vùng biển này thuộc về mình.

Bắc Kinh liên tiếp xây dựng và có các hoạt động bồi đắp trái phép, triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa trên vùng biển tranh chấp với các nước Đông Nam Á khác, như Philippines và Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải ở vùng Biển Đông – nơi có giá trị thương mại lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm. Không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác tại châu Á và các khu vực khác của thế giới đều tỏ ra bất bình trước các hành động “hung hăng” này. Trong đó, Mỹ đã nỗ lực hợp tác quân sự với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và cả Australia nhằm đối phó với những thách thức xuất phát từ tham vọng của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.

Ấn Độ - quốc gia vốn có mối quan hệ chẳng mấy tốt đẹp với Trung Quốc, gần đây đã tăng cường hợp tác với Indonesia trong các hoạt động trên biển, nhằm chống lại những mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Song, theo giới quan sát, chìa khóa để “kìm hãm” kẻ hung hăng Trung Quốc trên Biển Đông chính là Australia, quốc gia 24 triệu dân ở lục địa Australia – vốn có cái nhìn đa chiều về Bắc Kinh. Là một quốc đảo, Australia phụ thuộc và có vai trò rất lớn trong việc duy trì tự do hàng hải Biển Đông. Mặc khác, Trung Quốc là đối tác thương mại chính của nước này, là “người tiêu dùng” tiềm năng nhất tài nguyên quặng sắt của Australia. Áp lực từ mối quan hệ Australia – Trung Quốc có thể tạo ra những tác động đáng kể đối với nền kinh tế thứ 2 thế giới, theo tạp chí The Diplomat.

Sách Trắng Quốc phòng Australia mới được công bố, ủng hộ việc mua 12 tàu ngầm hiện đại cùng với các máy bay hải quân. Những khí tài quân sự này hoàn toàn có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc. Tài liệu cũng khẳng định quan điểm của Australia, về việc phản đối bất kỳ hành động cưỡng chế hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Cho đến nay, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vẫn khá kín tiếng về quan điểm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, bằng cách đưa tàu hải quân đi qua khu vực này. Trong chuyến thăm sắp tới đến Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể gây áp lực để ông Turnbull không làm điều này. Song, điều này có thể thay đổi bởi 2 lý do sau:

Đầu tiên, ông Turnbull có thể sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử sớm ngay trong tháng 7 tới. Thủ tướng Australia sẽ cần đưa ra chính sách quyết liệt hơn về vấn đề Biển Đông trước sự chỉ trích của đảng đối lập. (Phát ngôn viên Đảng Lao Động Australia, Stepehn Conroy từng chỉ trích ông Turnbull vì thiếu những hành động và lời nói "mơ hồ" về vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông).

Thứ hai, Australia sẽ phải đưa ra quyết định sẽ mua tàu ngầm từ Nhật Bản, Pháp hay Đức ngay trong giữa năm nay. Nhật Bản đã hứa với ông Turnbull về việc chế tạo một số vật liệu cho tàu ngầm ngay tại Australia. Đây là yếu tố cần thiết đối với ngành công nghiệp quốc phòng Australia, đóng góp thêm việc làm trước sự sụt giảm của ngành công nghiệp chế tạo ô tô. Nếu như Canberra chọn Tokyo là đối tác chế tạo tàu ngầm, điều này sẽ tăng cường quan hệ Australia-Nhật Bản, trước những căng thẳng Trung-Nhật đang có chiều hướng gia tăng. Đây cũng là lý do Trung Quốc kịch liệt phản đối kế hoạch mua tàu ngầm của Australia.

Trong mọi trường hợp, cuộc bầu cử ở Australia và các quyết sách về việc mua sắm tàu ngầm của quốc gia này sẽ đóng vai trò định hướng các chính sách của Canberra đối với Bắc Kinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.