Thế giới

Bà Clinton nắn gân ông Trump

27/09/2016, 06:24

Đây là trận đấu trí kịch tính, đầy rủi ro và có thể làm thay đổi cuộc đua vốn rất sít sao hiện nay.

5 Cuộc tranh luận đầu tiên trên sóng truyền hình t

Cuộc tranh luận đầu tiên trên sóng truyền hình trực tiếp giữa Hillary Clintonvà Donald Trump có thể định hình cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay

Sáng nay (27/9, theo giờ VN) hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ: Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hòa bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình tại trường Đại học Hofstra, New York. Đây là trận đấu trí kịch tính, đầy rủi ro và có thể làm thay đổi cuộc đua vốn rất sít sao hiện nay.

Truy điểm yếu

Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ kéo dài 90 phút, gồm hai phần với ba chủ đề, đó là: Hướng đi tương lai của nước Mỹ; Làm thế nào đạt thịnh vượng và đảm bảo an ninh cho đất nước. Đây cũng chính là những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ trong chiến dịch bầu cử Tổng thống năm nay.

Trong hai tuần qua, bà Clinton và ê-kíp cố vấn dành nhiều thời gian nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu cách thức ông Trump vượt qua các chính khách sừng sỏ bên phía Đảng Cộng hòa. Về phần mình, sau khi chiến dịch bầu cử sơ bộ kết thúc hồi tháng 6, tỷ phú Trump cũng rất tích cực tham vấn các chuyên gia chính sách và những chính khách có uy tín trong đảng.

Trước cuộc tranh luận, cả hai ứng viên đều tung ra những đòn hỏa mù nắn gân đối phương. Ban vận động tranh cử của bà Clinton tuyên bố sẽ mời Mark Cuban, một tỷ phú đồng thời là đối thủ cạnh tranh kinh doanh của ông Trump tham gia cuộc tranh luận để phơi bày những thói hư, tật xấu của ông trùm bất động sản trên thương trường. Đáp lại, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng sẽ mời Gennifer Flowers, cựu người mẫu xinh đẹp kiêm diễn viên từng có quan hệ “ngoài luồng” với cựu Tổng thống Bill Clinton - chồng của bà Hillary tham gia cuộc tranh luận.

Dù đây mới chỉ là màn đầu tiên trong ba cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên, nhưng lại là thời điểm mấu chốt định hình cho cuộc đua vào Nhà Trắng; Vì những gì mà hai ứng viên thể hiện trong lần đầu đối diện nhau trên cùng một sân khấu sẽ gây ấn tượng rất mạnh đến các cử tri, đặc biệt là những người còn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Cử tri không chỉ quan tâm đến những nội dung được đề cập đến trong cuộc tranh luận, mà còn ở cách phát ngôn những nội dung đó và phản ứng tương tác giữa hai ứng viên như thế nào.

Tác động mạnh đến 20% cử tri đang phân vân

Theo Reuters, dự kiến số người xem cuộc tranh luận trực tuyến qua truyền hình này sẽ đạt kỷ lục. Gần 80% cử tri Mỹ cho biết, sẽ theo dõi cuộc tranh luận nảy lửa này. Giới phân tích cũng nhận định, cuộc tranh luận năm nay nhiều khả năng sẽ phá vỡ kỷ lục 80 triệu người xem truyền hình từng theo dõi cuộc tranh luận gắt gao giữa hai ứng cử viên Mỹ năm 1980 là ông Jimmy Carter và ông Ronald Reagan.

Theo ông Paul Levinson, giáo sư truyền thông tại Đại học Fordham, New York, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay với sự đối đầu giữa ông Trump - một doanh nhân bạo miệng, một ngôi sao truyền hình thực tế, với bà Clinton - cựu Ngoại trưởng Mỹ và là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử đại diện cho một chính đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, được cho là sẽ có nhiều bất ngờ và có thể khiến cuộc tranh luận càng thêm gay cấn, gây sự tò mò, hứng thú cho công chúng. Ông Levinson dự đoán tỷ lệ người xem cho cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và bà Clinton có thể cán mốc 100 triệu.

Theo kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 25/9, do tờ Washington Post và ABC News thực hiện, cả hai ứng viên đang nhận được sự ủng hộ ngang bằng nhau là 41%. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát khác công bố cùng ngày cho thấy, bà Clinton đang có lợi thế hơn tỷ phú Trump 2% (46% và 44%). Cuộc khảo sát này cũng cho thấy, cơ hội giành chiến thắng của bà Clinton trong cuộc đấu trí kéo dài trong suốt 90 phút tới sẽ là 44%, cao hơn nhiều so với dự đoán cho tỷ phú Trump (34%). Theo đánh giá, sự chênh lệch khá sít sao này có thể sẽ thay đổi nếu bà Clinton không tận dụng được ưu thế kinh nghiệm chính trường, trong khi ông Trump có thể tiếp tục gây bất ngờ bởi sự khó lường.

Lịch sử cho thấy, các cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên thường có tác động mạnh đến tâm lý và quyết định của cử tri, đặc biệt là năm bầu cử được xem là khó đoán như năm nay. Trong khi có đến 20% cử tri vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, thì đây sẽ là cơ hội để các ứng viên tranh thủ sự ủng hộ của họ.

Sau cuộc tranh luận hôm nay, bà Clinton và ông Trump sẽ tiếp tục đối mặt nhau trên truyền hình vào ngày 9 và 19/10 tới. Còn hai ứng viên Phó tổng thống chỉ có một cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 4/10 tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.